QĐND - Đầu Xuân năm mới, 4 anh em thuộc Ban Hậu cần trực Tết mở cuộc thi đố vui. Để “Đôi keo mèo mở mắt”, mỗi người đố hai câu. Riêng Thắng-nhân viên thú y, vì phải thường xuyên đi kiểm tra một số con gia súc sinh nở nên tùy theo, góp được bao nhiêu quý bấy nhiêu.

Theo thứ tự HẬU CẦN QUYẾT THẮNG, anh nuôi Văn Hậu ra đố trước. Câu 1: “Nhà xanh lại đóng khố xanh/ Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong. Là gì?”. Dễ ợt! Cả ba người giải đố đồng thanh: “Bánh chưng!”. Hậu cắn một hạt hướng dương nhấm nháp. Dễ à! Đồng thanh à! Bây giờ xem có còn dễ, còn đồng thanh, hay là đồng… nốc-ao! Hậu lên giọng khề khà: “Món canh càng to càng bé là canh gì?”. Hậu rất đắc chí vì nghĩ rằng thể nào đối tác cũng bí tắc. Nhưng ngay lập tức, Cần giơ tay: “Canh cua”! Hóa ra là hôm đơn vị giúp dân làm đường, gặp con cua trong hang bò ra, cô Lan ở chi đoàn địa phương tóm được. Cô cầm mai con cua dứ dứ hai càng cua vào bắp tay Cần, miệng đọc: “Con cua tám cẳng hai càng/ Càng to, càng bé sẵn sàng cắp ngay”. Bất ngờ, Cần nắm cổ tay Lan, cao hứng đối đáp: “Cắp ngay thì cứ cắp ngay/ Anh vặt càng này đem giã nấu canh”. Chuyện ấy, làm sao Cần có thể quên được… Hậu đã đố hết. Thua. Phải ngồi im để ba người vẽ cua vào má.

Minh họa: Quang Cường.

Đến lượt Cần-nhân viên doanh trại, ra đố. Câu đầu tiên: “Ngả lưng cho thế gian ngồi/ Rồi ra mang tiếng là người bất trung?”. Cần vừa dứt lời, Quyết đã nghĩ ngay đến cái hôm đơn vị đi nhận ván nằm, có một cuộc tranh luận “ván” hay là “phản”. Ở quê Quyết, mọi người gọi tấm ván để bộ đội nằm là tấm phản! Phản để người ngồi, lại mang tiếng phản-bất trung! Cần ghi nhận, đố tiếp câu hai: “Của tôi, tôi để đầu hè/ Xăm xăm anh đến anh đè của tôi/ Không cho thì mất lòng người/ Cho thì ướt át của tôi thế này. Là gì?”… Mãi không thấy ai đưa lời giải. Bí thật rồi! Cần hồi hộp bắt chước trọng tài đếm ngược: 5, 4, 3, 2… Bỗng Hậu giơ tay: “Mài dao trên hòn đá mài!-Việc thường ngày ở… bếp! Hớ hớ…”. Cần hết quyền ra câu đố. Mọi người vẽ hòn đá mài lên má Cần.

Theo chiều kim đồng hồ, đến lượt Quyết-đội trưởng tăng gia. Quyết rất tự tin: “Đi đến đấy, thấy nó, lấy được nó thì vứt đi. Không lấy được nó thì đem nó về nhà”. Tưởng gì! Chuyện Quyết đi thăm vườn giẫm phải gai cây rau dền lưu niên mà chính anh đã gây để lấy quả làm giống. Tưởng là đơn giản. Ai ngờ cái gai gãy ngậm giắt lại một tẹo trong bàn chân của Quyết, phải mang về để quân y gắp ra. Ai còn lạ!… “Nâu-vấn-đề”! Quyết vẫn thủng thẳng: “Nửa làm mứt. Nửa nấu canh/ Đến khi hết sắc theo anh học trò. Là gì?”. Anh nuôi Hậu cười rất giòn: “Trúng tủ rồi! Ba năm nấu ăn cho bộ đội, Hậu tôi chẳng lạ gì “bí giải quyết lúc bí”. Bí để trên giàn kho. Lúc giáp vụ mang nấu canh thay rau. Bí làm mứt Tết. Bí mà bỏ dấu sắc thì thành (hòn) bi cho học trò chơi. Lại thêm Quyết bị vẽ quả bí xanh lên mặt, trông ngồ ngộ đến là buồn cười... Hậu ghi mấy điểm liền, được anh em tán thành xóa hình cua trên mặt.

Đúng lúc ấy, Thắng vừa tranh thủ đi kiểm tra đàn gia súc cũng về đến nơi. Anh góp một câu đố: “Nhà nọ mất hai con dê, nhưng kiểm tra đàn dê trong chuồng thì chỉ thấy thiếu một con. Thời điểm mất không rõ là năm nào. Người bắt trộm dê có “ba cái không”: Không phải là người xấu. Không phải là người nhà. Không phải là người ngoài. Thế là sao?”. Quả là hóc búa. Tất cả đoán già đoán non. Cuối cùng đành bó… mồm. Chịu thua. Thắng tự thưởng cho mình một chiếc kẹo rồi thủng thẳng kể: “Kim Sơn-Ninh Bình quê mình cách đơn vị không xa, nhưng ít khi mình về đón Tết cùng gia đình. Vì có năm thì lợn nái “khai hoa”; năm thì bò đẻ; năm thì lo chống dịch cúm gà. Mình là nhân viên thú y, không thể vắng mặt. Ở quê, Tết nào bố mẹ vợ cũng mong mình về để xông nhà năm mới. Các cụ bảo bộ đội vừa khỏe, vừa tốt. Bộ đội xông nhà sẽ mang sức khỏe đến, mang cái tốt đến. Cách đây tròn 12 năm. Cũng đúng vào năm Mùi-Quý Mùi 2003, mình được về quê đón Xuân. Tối Ba mươi Tết mới về đến nhà. Thế là lúc Giao thừa, mình bí mật sang xông nhà bố mẹ vợ. Vào đến đầu ngõ thì thấy con dê đang trở dạ đẻ ở cửa chuồng. Biết mẹ vợ không thích con giáp (Mùi) đẻ ở nhà vào đêm trừ tịch năm Mùi, mặt khác, hai cụ đã già, khó bề chăm sóc dê đẻ; thế là mình bế dê mẹ về nhà để vợ mình chăm sóc. Mồng Hai Tết mới mang đến trả cho ông bà cả dê mẹ và dê con. Ông bà mừng quá, gặp ai cũng khoe: “Bộ đội xông nhà tốt lắm. Tốt lắm”…

Thật là đặc sắc. Hậu, Cần, Quyết cùng bàn tán: “Đúng rồi! Con rể đỡ dê đẻ giúp bố mẹ vợ lúc Giao thừa, không phải năm cũ, cũng không phải năm mới! Con rể nghĩa là tử tế, không xấu! Hoan hô Hậu Cần Quyết Thắng. Hoan hô Hậu Cần Quyết Thắng!...”.

PHẠM XƯỞNG