QĐND - Hơn 60 năm trôi qua, song hồi ức về những ngày làm báo Tết ở Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhà báo Khắc Tiếp và Phú Bằng-những cán bộ, phóng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân…
Tết của tình hữu nghị
Tết Giáp Ngọ năm 1954 đúng vào dịp Tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô, nên còn được gọi là Tết Hữu nghị Việt-Trung-Xô. Đây cũng là thời điểm bộ đội ta kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Để động viên tinh thần bộ đội, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức một cái Tết thật vui vẻ.
 |
Lão nhà báo Khắc Tiếp ôn lại những kỷ niệm làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: minh châu
|
Nhà báo Khắc Tiếp kể lại: Báo Quân đội nhân dân xuất bản ở chiến trường hồi đó có khổ A3 và 4 trang, nhưng vẫn dành hẳn 2 trang nói về Tết Nguyên đán và tình hữu nghị, đoàn kết giữa ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô. Trên các trang báo có sắc đỏ của Tết, có thơ và thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Bên cạnh đó là những bài viết động viên tinh thần bộ đội. Báo cũng dành một trang vẽ bản đồ chiến trường Đông Dương và Kế hoạch Na-va. Ngoài ra, còn có các bài phân tích chiến trường toàn Đông Dương và khí thế thi đua giết giặc lập công dâng Đảng, dâng Bác của quân và dân ta trên các chiến trường. Đặc biệt ở bài viết của Bác Hồ, anh em tòa soạn đã cố gắng tìm kiếm trong hồ sơ, sách báo để có được chữ ký của Bác, mang đi khắc chữ để in lên báo. Khi báo đến các đơn vị, bộ đội ta nhìn thấy chữ ký của Bác Hồ thì rất vui mừng, cảm động và coi đó là niềm động viên tinh thần to lớn.
Hoàn thành nhiệm vụ trong mọi khó khăn
Tờ báo là “món ăn tinh thần” đối với các chiến sĩ tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Nhà báo Phú Bằng nhớ như in câu chuyện làm báo hồi ấy, nhất là số báo Tết. Số báo đặc biệt này có cả tờ phụ trương với màu sắc rực rỡ, vẽ toàn cảnh không khí núi rừng Tây Bắc, các cô gái Thái múa xòe hoa. Cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường đã dùng nẹp tre gắn tờ phụ trương đó lên vách đất để trang trí trong hầm. Mực in hồi ấy rất quý, nhất là mực đỏ, nên khi in vẽ trên đá phải căn chỉnh thật chuẩn, chính xác. Nếu bị dây mực đỏ thì rất phí và sẽ bị khiển trách, bản thân người in cũng cảm thấy xót xa. Một giọt mực đỏ có thể vẽ được sắc xuân của đào, hoa của núi rừng Tây Bắc. Để có giấy in, anh chị em dân công, nhân viên nhà in phải đi hàng chục cây số đường rừng để vận chuyển về. Trèo đèo, lội suối, vấp ngã là chuyện thường tình, nhưng dù có bị đau hoặc chịu ướt, mọi người cũng cố gắng không để bất kỳ tờ giấy nào bị rách hoặc ướt.
Đó là thời điểm cam go, ác liệt của cuộc kháng chiến, nên việc làm báo phải hết sức bí mật, song không vì thế mà chậm tiến độ. Những sự kiện, vấn đề thời sự ở hậu phương cũng được phản ánh kịp thời. Trước Tết, khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, thực dân Pháp thả rất nhiều bom nổ chậm. Các chiến sĩ của ta lại phải lo chống bom nổ chậm. Vậy là trên báo có ngay bài “Chiến sĩ chống bom nổ chậm”. Trang 3 có bài “Tổ Thùy vận động nhân dân bắt tàn binh” trong trận đánh Lai Châu trước đó. Trang 4 còn có sơ đồ hình thái chiến sự trên chiến trường Việt-Lào Đông Xuân 1953-1954.
Ngày 1-2-1954, tờ báo Tết có mặt tại chiến hào ở Mặt trận Điện Biên Phủ và được cán bộ, chiến sĩ vui mừng đón nhận.
ANH THƯ (lược ghi)