QĐND - Một sĩ quan thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đã gần 10 năm trực Tết xa nhà nói về nhiệm vụ trực Tết năm nay như vậy. Với tinh thần tất cả vì mùa xuân yên bình của đất nước, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trực Tết, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua. Dưới đây là một số ý kiến của những "người trong cuộc" nói về nhiệm vụ trực Tết năm nay.

Vững vàng trực Tết cùng "gia đình lớn"


Đơn vị chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trực chiến, SSCĐ trên khu vực biên giới Tây Nguyên. Cá nhân tôi đã có 17 năm quân ngũ thì một nửa trong số đó đón Tết ở đơn vị. Riêng Tết này, lần đầu tiên vợ chồng tôi cất được ngôi nhà mới nhưng tôi cũng chưa được đón Giao thừa ở nhà mới. Hôm trước gọi điện về cho vợ và hai con, tôi đã mượn ý thơ của một nhà thơ mà nói vui rằng: "Khi Tổ quốc cần, ta tạm gác Tết riêng". Là tiểu đoàn trưởng, tôi luôn tự coi mình là người anh cả của “gia đình lớn” là đơn vị mình. Anh em ở lại trực Tết năm nay phần lớn là chiến sĩ trẻ, lần đầu xa nhà. Vì vậy, chúng tôi phải vừa quan tâm, gần gũi động viên bộ đội, vừa giáo dục, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quan trọng của đơn vị trên địa bàn chiến lược nên anh em rất an tâm, tích cực thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị tôi có hơn 40% cán bộ, chiến sĩ là con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Trong dịp Tết, đơn vị cũng có nhiều tổ đội công tác về cơ sở ăn Tết với nhân dân trên địa bàn, làm tốt nhiệm vụ công tác dân vận.

Đại úy TẠ ĐÌNH TUẤN (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3)

Bà Trần Thị Tam (đứng giữa, bên trái) ở Vĩnh Phúc, lên thăm con trai tại Tiểu đoàn 15, Bộ Tham mưu (Quân khu 2) dịp Tết Ất Mùi 2015. Ảnh: HỒNG SÁNG

Trực Tết-trách nhiệm và vinh dự

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hầu hết mọi người đều được sum họp bên gia đình, người thân thì cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 213, Sư đoàn 363 chúng tôi vẫn âm thầm với nhiệm vụ canh trực, bảo đảm SSCĐ, quản lý vùng trời, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống trên không. Lần đầu tiên được thực hiện nhiệm vụ SSCĐ bên trận địa tên lửa đêm Giao thừa, tôi thấy trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng rất lớn. Tuy có nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng chúng tôi vẫn luôn nở nụ cười, tự nhủ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi tự hào được trực chiến đêm Giao Thừa.

Binh nhì NGUYỄN DUY THẮNG (Chiến sĩ Trung đoàn 213, Sư đoàn 363-Quân chủng Phòng không- Không quân)

Đầm ấm, chu đáo như ở gia đình

Tôi nhập ngũ tại Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395) và đã qua 6 tháng huấn luyện. Đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết cổ truyền của dân tộc tại đơn vị. Có thể nói, việc tổ chức đón Tết ở đơn vị đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp chăm lo cho anh em chiến sĩ thật chu đáo, vui tươi, đầm ấm không khác gì so với đón Tết ở gia đình. Chúng tôi được thi gói bánh chưng, văn hóa-văn nghệ, hái hoa dân chủ trong đêm Giao thừa và còn có sự tham gia của cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị kết nghĩa. Hoạt động giao lưu này càng làm cho tinh thần chúng tôi thêm vui tươi, phấn khởi.

Ngay trong những ngày nghỉ Tết, đơn vị chúng tôi đã tranh thủ chuẩn bị huấn luyện, đón nhận anh em chiến sĩ nhập ngũ đợt 1 năm 2015.

Binh nhì PHÙNG VĂN TUYỂN (Chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3)

Yên lòng người ở hậu phương

Mồng Một Tết Ất Mùi, vợ chồng tôi đã từ Vĩnh Phúc lên thăm con trai là Binh nhất Nguyễn Ngọc Tuấn, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 15, Bộ Tham mưu Quân khu 2. Năm đầu tiên con nhập ngũ, ăn Tết xa nhà nên ban đầu chúng tôi rất lo lắng. Nhưng khi tận mắt chứng kiến con cùng đồng đội vui Tết, chúng tôi thấy đơn vị đã bảo đảm các tiêu chuẩn, chế độ ngày Tết cho bộ đội đầy đủ và chu đáo. Chỉ huy các cấp gần gũi, thương yêu chiến sĩ. Ví dụ như việc anh Lê Duy Hồng, Trung đội trưởng động viên chiến sĩ Tẩn Láo Tả, dân tộc Dao, quê ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có vợ và con gái bằng cách trực tiếp cho mượn điện thoại chúc Tết vợ con thật thân tình, đúng là “đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”. Đơn vị còn  tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí, trong đó, có nhiều trò chơi dân gian bổ ích, phù hợp với phong tục tập quán và đặc điểm vùng miền của cán bộ, chiến sĩ. Đây là cách thu hút, tạo sân chơi cho giới trẻ rất hay mà ở các địa phương khó làm được. Tôi sẽ về giới thiệu cách làm này cho Đoàn thanh niên xã học tập. Chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được gửi gắm con em mình cho quân đội giáo dục, rèn luyện.


Bà TRẦN THỊ TAM (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)

HỒNG SÁNG, MẠNH DŨNG, THANH ĐÔNG, ANH SƠN (ghi)