QĐND - Gần ba thập kỷ đã trôi qua, kể từ ngày những sợi dây ni-lông đo sâu và sào tre được thả xuống các bãi cạn trên thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc, làm cơ sở cho việc xây dựng các Cụm Kinh tế khoa học và dịch vụ (Nhà giàn DK1). Với những người lính hải quân thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ký ức về chuyến đi khảo sát đầu tiên dường như mới ngày hôm qua…

Cuối năm 1988, Lữ đoàn 171 được giao tổ chức lực lượng đi khảo sát vị trí các bãi cạn, xác định yếu tố địa chất, thủy văn trên thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc. Ngày 6-11-1988, một biên đội gồm 2 tàu: HQ-713 và HQ-668, thuộc Hải đội 811 (Lữ đoàn 171 Hải quân) bí mật rời cảng ra khơi thực hiện nhiệm vụ trên. Biên đội tàu hành quân trong điều kiện gió mùa Đông Bắc thổi liên hồi, biển động cấp 5, cấp 6, khiến hai chiếc tàu nhỏ phải gồng mình vượt qua sóng lớn, có lúc tưởng chừng như lật úp.

Nhà giàn DK1 vững vàng giữa biển khơi.

Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, người trực tiếp chỉ huy biên đội tàu, kể lại: Chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn do thời tiết xấu và khối công việc khổng lồ từ việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho đến việc khảo sát, tìm kiếm, đánh dấu kinh độ, vĩ độ… Đặc biệt, do không có thiết bị định vị vệ tinh, máy đo sâu trên tàu, nên việc tìm kiếm chính xác vị trí các bãi cạn là vô cùng khó khăn. Tất cả phải dựa vào chiếc la bàn cũ kỹ, một vài tấm hải đồ khu vực thềm lục địa Việt Nam và kinh nghiệm đi biển của anh em. Khi hành quân, đoàn xác định phải “bắt” bằng được đảo Trường Sa Lớn, từ đó mới có thể tìm ra bãi cạn Đá Lát vì khu vực này thủy triều lên xuống thường xuyên rất khó phát hiện...

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Đông Nam Tổ quốc. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Tuy nhiên, lúc đó có tình huống ngoài dự kiến xảy ra: Do sóng to, gió lớn khiến một chiếc tàu trong biên đội bị vỡ lốc máy. Thượng úy Nguyễn Tiến Cường, quyền Thuyền trưởng tàu HQ-668 (nay là Trung tá, trợ lý kế hoạch tổng hợp Phòng Chính trị-Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân), kể lại: Giữa biển trời mênh mông, phụ tùng thay thế thiếu thốn, nhưng anh em đã quyết tâm sửa chữa tàu thật nhanh. Sau hơn 12 giờ đồng hồ, sự cố được khắc phục, biên đội lại tiếp tục hành quân theo kế hoạch.

Từ Đá Lát, đoàn chuyển hướng về phía Nam để tìm vị trí bãi cạn Ba Kè và tiếp tục tìm thấy các bãi cạn khác gồm: Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính. Tới bãi cạn nào, đoàn lại nhanh chóng xác định tọa độ, khảo sát, đo độ sâu… Trung tá Nguyễn Tiến Cường nhớ lại: Khi quan sát bằng mắt thường thấy màu nước biển thay đổi, bằng kinh nghiệm của mình, anh em biết đây là những bãi cạn. Sau đó, đoàn dùng dây ni-lông thắt nút cách nhau 1m, buộc vật nặng khoảng 50kg ở một đầu rồi thả xuống biển, nước ngập đến đâu, đếm nút thắt dây để kiểm tra độ sâu; ghi lại các yếu tố địa chất, thủy văn.

Sau hàng chục ngày chịu đựng sóng gió giữa Biển Đông, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đoàn đã tìm kiếm, khảo sát một vùng biển rộng lớn, xác định chính xác vị trí tọa độ, địa điểm và thu thập đầy đủ số liệu cần thiết về địa chất, thủy văn...

Hơn một năm sau, tại những vị trí do đoàn đánh dấu, các Nhà giàn DK1 lần lượt được xây dựng, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 NGUYỄN DUY MINH