QĐND - Tối đầu tiên, khi vừa tới cố đô Ki-ô-tô của đất nước Mặt trời mọc, chúng tôi đã lang thang trên các con phố nhỏ, cổ kính, cách không xa khách sạn để thỏa thích tận hưởng cảm giác thanh thản, yên bình ở nơi được coi là hiện thân của đất nước Nhật Bản cổ xưa huyền thoại. Thật bất ngờ, tại đây, chúng tôi gặp một nhà hàng Việt Nam có tấm biển hiệu đề dòng chữ tiếng Việt “Tiệm ăn Hương Việt” với hình bông hoa sen khá nổi bật.
Uống trà sen, ăn bún Huế ở Ki-ô-tô
Cầm quyển thực đơn được in bằng ba thứ tiếng Anh, Việt, Nhật mà tôi hơi ngỡ ngàng vì có rất nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam, như: Rau muống, bún chả, bánh bèo, nem rán, bánh xèo… Nhiều món đòi hỏi kỹ thuật chế biến phức tạp và đầy đủ nguyên liệu, gia vị cũng được phục vụ như: Phở Hà Nội, bún bò Huế, các loại lẩu… Các loại đồ uống quen thuộc ở Việt Nam như: Trà sâm dứa, trà sen, trà nhài, trà ô long đen, cà phê Trung Nguyên... cũng xuất hiện tại đây. Cầu kỳ hơn, bát, đĩa, chén, ấm pha trà… đều là loại tráng men, vẽ hoa văn nhìn qua cũng biết ngay có xuất xứ từ các làng gốm sứ cổ truyền ở Việt Nam.
Một số món ăn mà chúng tôi gọi có hương vị khá đặc trưng, không khác mấy so với ở Việt Nam. Món nem rán vàng rộm, giòn, nhân có đủ thịt, miến, mộc nhĩ, nấm hương. Món bánh xèo bắt mắt với những cọng giá đỗ tươi, trắng ngần, mập mạp gấp ba lần loại giá đỗ thông thường ở Việt Nam. Tôi đã rất ngạc nhiên khi trông thấy loại giá “khủng” này được bán tại các siêu thị ở Nhật. Có cả các loại rau thơm ăn kèm như: Húng quế, rau mùi, xà lách nhưng mùi vị không thơm đậm, nồng như được trồng ở Việt Nam. Bữa ăn Việt Nam đáng nhớ của chúng tôi ở Ki-ô-tô càng đậm đà khi được phục vụ kèm một ấm trà nóng hổi, ngát hương sen, giúp xua bớt cái se lạnh của tiết trời về đêm. Cô bạn đồng nghiệp người Thái Lan cứ tấm tắc khen: “Món ăn Việt Nam ngon quá!”.
Nghiện món Việt vì uống nhiều... bia hơi
Thì ra, anh chủ tiệm ăn kiêm đầu bếp chính người Nhật là Ma-xa-cát-xư Cô-si-đa (Masakatsu Koshida), 47 tuổi, đã có vài năm sống ở Việt Nam. Ngồi uống bia hơi nhiều tại các quán nhậu ở TP Hồ Chí Minh, Cô-si-đa sinh “nghiện” món ăn Việt và nghiện cả món… bia hơi từ lúc nào. Vì đang không có nghề nghiệp ổn định, anh quyết tâm học nấu món ăn Việt để trở về mở một nhà hàng Việt ở quê nhà. Cũng may, đang lúc thiếu tiền thì Cô-si-đa được nhận một khoản tiền bảo hiểm ở Nhật. Anh liền quay lại Việt Nam bắt đầu “tầm sư” học nấu món Việt.
 |
Ông chủ tiệm ăn Hương Việt “khoe” gói cà phê được sản xuất ở Việt Nam.
|
Đầu tiên, Cô-si-đa tham gia một lớp dạy nấu món Việt cho du khách Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, nhưng vì học phí rất đắt nên anh không theo được lâu. Giáo viên hướng dẫn người Việt thông cảm đã gợi ý anh tới học tại nhà riêng của mình với mức học phí rẻ hơn nhiều. Vậy là hằng sáng, anh tự đi chợ mua thực phẩm rồi đem đến nhà giáo viên này để học nấu các món ăn. Anh ở lại ăn trưa bằng chính những món mình tự nấu, nên càng có thêm kinh nghiệm không chỉ trong kỹ thuật chế biến, mà cả cách lựa chọn thực phẩm, gia vị phù hợp. Chiều rảnh hơn, anh lại tới các quán bia nhưng không phải để giải trí, giết thời gian như trước, mà là để tìm hiểu và “học lỏm” kỹ thuật nấu nướng các món ăn của nhà hàng. Cô-si-đa cho biết, cứ hai năm một lần, anh quay trở lại Việt Nam để mua các loại nguyên liệu và gia vị cho một số món ăn như: Sa tế, mắm tôm và tất nhiên, không thể thiếu nước mắm.
Đêm đó, khi trở về khách sạn, tôi tình cờ được biết qua một trang web du lịch, một du khách đã nhận xét rằng: “Không gian và phong cách bài trí của Hương Việt ở Ki-ô-tô gợi nhớ tới một quán cà phê cổ ở Hà Nội”. Trong khi một số du khách khác bày tỏ, chắc chắn sẽ quay lại Hương Việt nếu có dịp trở lại cố đô Ki-ô-tô. Thật đáng mừng vì qua ẩm thực, văn hóa Việt được quảng bá một cách rất tự nhiên ở nơi hút khách du lịch nước ngoài nổi tiếng thế giới như cố đô Ki-ô-tô.
Tiệm ăn Hương Việt đã phát triển được 15 năm-quãng thời gian đủ để khẳng định chỗ đứng của ẩm thực Việt tại đây.
“Bia hơi” Việt ở Ô-xa-ca
Tôi cũng tình cờ gặp một nhà hàng Việt có cái tên rất ấn tượng-Bia hơi-ở gần Nhà ga U-mê-đa, thuộc thành phố Ô-xa-ca. Nhưng tiếc là lúc đó, chúng tôi đã dùng bữa tối nên chỉ ngó nghiêng và chụp ảnh từ bên ngoài. Nhà hàng Bia hơi dù nằm khuất trong một lối nhỏ gần khu vực Nhà ga U-mê-đa nhưng có khá đông thực khách đang ăn tối. Với lối bài trí độc đáo, Bia hơi thực sự là một “góc Việt” giữa lòng Ô-xa-ca. Còn ở Tô-ki-ô, một số người Nhật mà tôi gặp đều khuyên tôi nên đến một số nhà hàng Việt ở Tô-ki-ô để thấy thực khách xếp hàng dài đợi trước cửa ra sao. Tôi vẫn chưa thực sự tin cho tới khi hỏi đường một cô gái trẻ người Nhật ở Nhà ga Aoyama Itchome để về Khách sạn AsiaCenter ở Tô-ki-ô. Khi tôi vừa cho biết là người Việt Nam, cô đã nói ngay rất thích món ăn Việt Nam, đặc biệt là phở và bánh cuốn.
Sang Nhật mới biết ẩm thực Việt khá được ưa chuộng và phổ biến ở đây, dường như chẳng hề kém cạnh so với mức độ phổ biến và được yêu thích của ẩm thực Nhật tại Việt Nam.
Bài và ảnh: MAI NGUYÊN