QĐND - Làng Chiềng quê tôi là một làng nghèo. Vì thế, nhà lão Tộ cũng nghèo là chuyện bình thường. Cạnh nhà lão Tộ là lão Bún. Hai lão cùng tuổi Đinh Hợi, hai lão đã qua bộ đội chống Mỹ cùng trở về quê… Và cùng nghèo như nhau.
Song theo thời gian, cứ nhìn thấy hai cô con gái nhà lão Bún càng lớn càng xinh, điệu đàng, lão Tộ đâm ra ghen tỵ. Đơn giản, nhà lão Bún nườm nượp khách lạ, con gái lớn nhà lão Bún cứ phây phây, rồi lại được sang nước Đức. Chẳng biết bên đó chúng làm ăn ra sao, chỉ biết rằng cứ cuối tháng, lão Bún lại ra bưu điện nhận bưu phẩm và tiền. Thời gian sau, một ngôi nhà ba tầng đồ sộ mọc lên trên đất nhà lão Bún. Những ô cửa kính đen ngòm ở tầng cao trông chẳng khác đôi kính râm của lão hát xẩm ngoài chợ.
Lão Tộ nhìn sang nhà lão Bún mà lòng cứ chênh vênh. Đã đành có tiền thì xây. Nhưng ở hết thế đếch nào được mà xây to thế? Nhiều hôm, lão Bún gọi sang uống chè buổi sớm, lão tảng như không nghe thấy. Hàng ô rô chia đất giữa hai nhà như dày lên, màu xanh như đậm hơn.
Khi trời Xuân ấm áp, con lão Bún để lại thằng cháu trai cho đi học lớp một. Ở nhà, ông bà Bún dạy cháu nói tiếng ta. Đến lớp, cháu học toán, học viết chữ Việt. Thỉnh thoảng, cháu dắt con Mi-lu ra chơi với con Mực nhà lão Tộ. Những hôm như thế, lão Bún lại nhắc cháu: “Sang, Sang… đừng để chúng nó cắn nhau”. Thì ra tên cháu là Sang.
Cái đận làng xóm xôn xao mất chó, mất gà, lão Bún định cho xây một bức tường cao, quây kín gia cư. Lão bàn với lão Tộ phá bỏ hàng ô rô giữa hai nhà, lão Tộ ậm ừ: “Vâng… Ông có tiền ông cứ xây, bên tôi cũng được nhờ…”. Bức tường dày 20 phân được xây lên nhanh chóng. Duy chỉ đến chỗ cây bưởi ở gần ngõ thì dừng lại.
Cây bưởi vốn là một kỷ vật nặng tình nghĩa đối với cả hai nhà. Ngày ấy, có một đơn vị thanh niên xung phong về làm phà qua bến sông. Ngày hai anh Bún và Tộ nhập ngũ, một cô gái thanh niên xung phong quê Đoan Hùng đã trồng tặng cây bưởi. Hai chàng trai bốc đồng đã chỉ cây bưởi mà thề rằng: Nếu cây bưởi còn sống thì hai anh em sẽ thắng lợi trở về. Vì thế, dù chiến tranh khốc liệt, bom rơi, đạn nổ nhưng hằng ngày, hai bà mẹ cứ chằm chằm ngắm cây bưởi mà hy vọng. Có đận, nước lụt làm cây bưởi héo đi, lòng hai bà mẹ quặn thắt. Rồi cây bưởi vẫn xanh tươi nhờ sự chăm chút của cả hai nhà. Và rồi, hai chàng Bún và Tộ đều lành lặn trở về. Tiếc rằng, cô gái thanh niên xung phong ấy đã hy sinh. Cây bưởi được đặt đúng cõi của hai nhà. Từ ngày bưởi có quả, hai nhà đều vui vẻ chia nhau đầy thân tình.
Lão Bún đích thân sang bàn với lão Tộ. Lão Bún sẽ sàng: “Ông ạ! Nếu xây bức tường thẳng ra ngõ thì phải chặt mất cây bưởi”.
Lão Tộ thủng thẳng: “Vướng thì cũng phải chặt. Biết làm thế nào!”.
Lão Bún giãy nảy: “Ấy chết, làm thế thì thật không phải với người đã khuất; cây bưởi là kỷ niệm, nó là…”.
Lão Tộ buông xõng: “Thế thì tùy!”.
Thế là lão Bún cho đổ bê tông cao ngang đầu gối, quây tròn gốc bưởi lại. Cái vòng tròn ấy lấn sang mỗi nhà hơn thước. Lão Tộ ra ngắm rồi cất giọng hanh hách: “Thế này không được! Phải rào lại, rào bằng sắt to ấy. Không thì nhỡ mất cái gì mang tiếng…”. Lão Bún xon xón: “Vâng, vâng. Thế ta rào ông nhé, rào cho an toàn ông ạ!”. Thế là một hàng rào sắt, cao ngang đầu được dựng lên. Người hai nhà vẫn nhìn rõ mặt nhau qua gốc bưởi nhưng không thể trèo qua được. Có việc gì nhắn nhau, hai nhà đều đứng ở gốc bưởi, nói vọng sang.
 |
Minh họa: Mạnh Tiến |
Mà cũng lạ, trong ba năm hai nhà xa lánh nhau như thế, cây bưởi không ra một bông hoa nào. Lá nó cứ xanh mướt, mặt lá ướt mượt như có dòng nước vừa chảy vào. Đêm đêm, những người già trong xóm còn nghe như có tiếng rì rầm của những người con gái. Họ bảo, hình như ngày xưa, hai chàng Bún và Tộ đều có tình ý với cô gái thanh niên xung phong ấy, nhưng chưa ai dám ngỏ lời. Tiếng rì rầm ấy là lời cô gái kể lại cho tiểu đội của mình về mối tình thầm lặng của các chàng thanh niên mới lớn.
Vừa rồi, giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp, nhà lão Tộ nhiều đất ruộng nên được đền bù kha khá. Lão quyết làm nhà và sẽ làm không kém nhà lão Bún. Lão cho mua gạch chở về chất chật vườn chuối. Sờ những cạnh gạch sắc nhọn, lão gật gù: Lão đợi sang Xuân, được tuổi sẽ khai móng.
Sáng nay, khi vợ con đi làm hết, lão Tộ mới đủng đỉnh dắt xe ra, đạp lên xã trên, nhờ ông thầy xem gia trạch, chọn ngày khởi công.
Một lát sau, có hai kẻ lạ mặt đến trước cổng nhà lão Bún. Chúng lắc lắc cái cổng sắt to đùng. Không có động tĩnh gì. Chúng chuyển sang cổng nhà lão Tộ. Con Mực hộc lên, nhào ra sủa. Một tiếng huýt sáo khêu gợi, một miếng thịt lợn quay được thảy vào. Con Mực vừa táp táp được hai miếng, mắt đã trợn ngược, mồm sùi bọt, ư ử ư ử… rồi nằm vật ra. Hai thằng gian nhấc bổng tấm cổng tre, bước vào. Một thằng đứng dựa gốc ổi canh chừng. Một thằng nhanh nhẹn kiễng chân chạy vụt vào hè. “Cạch” một tiếng khô khốc, cái khóa đã bị khuất phục. Thằng gian lách mình vào nhà. Chúng chắc mẩm cầm chắc số tiền chuẩn bị làm nhà của lão Tộ. Trong mắt chúng đã ánh lên niềm hoan hỉ. Chúng có ngờ đâu rằng: Từ trên tầng ba nhà lão Bún, bên trong những tấm kính đen ngòm ấy, thằng Sang đã nhìn rõ tất cả.
Thằng Sang bối rối. Có mình nó ở nhà… Nó chợt ngoắc con Mi-lu. Phải rồi! Chỉ có Mi-lu mới giải quyết được việc này. Nó lẹ làng ra sân sau, kéo cái thang nhôm ở mái bếp, thả qua tường sang vườn sau nhà lão Tộ. Nó khẽ gọi con Mi-lu đến và dặn dò. Con chó chớp mắt như hiểu cả. Mi-lu nằm bẹp trên nóc bếp, bò đến chiếc thang. Nó lần lần từng bước thận trọng trườn xuống. Đến những bậc thang cuối, nó hực lên một tiếng trong cổ họng, co cẳng lao thẳng ra sân trước nhà lão Tộ. Thoáng nhìn thấy con chó to như con bê từ trên trời rơi xuống, thằng đứng gác ở cổng ú ớ, vọt đi thoát thân. Vẫn thấy mùi lạ trong nhà, con chó quay lại đứng dạng chân trước giữa cửa, ông ổng sủa vào.
Đúng lúc ấy, lão Tộ về.
Vào ngõ, vấp xác con Mực, lão đã hoảng hồn. Lão rụng rời chân tay khi cửa giữa nhà lão he hé. Con Mi-lu vằn mắt tông tốc sủa. Lão Tộ như ngất đi khi lão chạy vào nhà. Cánh cửa tủ mà lão cất tiền đã bị phá khóa. Lão thọc tay vào… Ôi chao! Bọc tiền vẫn còn đó. Lão tĩnh tâm và bặm môi gật gù khi có tiếng lục cục trên gác xép gian cạnh. Lão mở cửa sổ, bắt gặp chiếc thang nhôm lừng lững từ nhà lão Bún sang. Quay lại thấy con Mi-lu nghếch mõm lên gác xép ư ử… Lão bặm môi gật gù. Trưa ấy, lão Tộ sai con dâu đi mua gần cân rưỡi thịt ba chỉ quay. Lão lục tìm lấy ra ống thuốc chuột Trung Quốc, loại cực độc màu hồng. Lão đổ thuốc vào bát thịt, trộn đều. Lão ngồi xếp bằng, đặt bát thịt có thuốc độc vào lòng, xoay xoay, mắt gườm gườm nhìn con Mi-lu.
Khi vợ, con và các cháu đã tề tựu đông đủ theo lệnh của lão, lão tu một hớp rượu lớn rồi khề khà, đúng kiểu nông dân: “Bà nó! Bà có biết chúng ta đang sống ở thời nào không?”.
- Trời ơi! Ông làm sao thế? Tôi van ông… Ối ba hồn bảy vía ông Tộ ở đâu, ới ba hồn… bảy vía - bà tru tréo.
- Thôi bà im đi! Lão thét. Bà phải biết thời này làm ăn thì dễ đấy, tự do đấy, nhưng cũng đầy tráo trở, lừa lọc đấy!
- Vâng! Vâng tôi hiểu… mà ông… ông cho tôi xin bát thịt trộn thuốc chuột trong tay ông… Ông đưa tôi - bà xô vào định giằng lấy.
- Hà… hà… bà để mặc tôi. Các con, các cháu, mang dao, mang đòn gánh ra đây - Mau lên!
- Dạ, dạ… - Lũ con lão sợ xanh mắt mèo, tăm tắp làm theo.
- Lão tiếp: Nhà ta nghèo, có đúng không?
- Vâng, đúng ạ! Đúng ạ!
- Ừ! Nhà ta nghèo nhưng nhà ta sạch. Ta không có thói lừa lọc, không trộm cắp, không tráo trở… đúng không? Mặt lão tê tê, hai gò má giật giật…
Lão thấy mình trở lại oai phong như khi lão là trung đội trưởng ngày xưa.
Lão chiêu một ngụm rượu và cao giọng: Các con, các cháu hãy nghe ta dặn đây: Dù sau có đói rách đến đâu, có khổ nhục đến đâu… cũng không được ăn càn, cắn giậu… như cái thằng nửa Ngô, nửa Sở nằm trên gác xép kia, nghe không?
Hàng chục cặp mắt nhất loạt nhìn lên những tấm gỗ bụi bặm. Trên đó vẫn lặng như tờ.
Lão Tộ đứng phắt dậy, phừng phừng:
- Xuống ngay cái thằng mất dạy kia. Ngỡ rằng học giỏi, ngỡ là có giáo dục. Ai ngờ. Xuống! Có tiếng lục cục. Từ trên gác, một cái đầu bù xù lộ ra. Một thằng người đen nhẻm ôm cột tụt xuống... Vừa chạm đất, mồm hắn đã rối rít: “Con xin ông! Con cắn cỏ lạy ông”.
- Ồ! Thằng Túc sẹo. Cả nhà cùng “ồ” lên sửng sốt - Đúng là thằng Túc sẹo ở xóm Gai. Nó đã ngoài 40 tuổi, đã ba lần vào tù vì tội trộm cắp; có lần bị dân làng đánh cho còn vết sẹo và thành tên đến bây giờ.
Thằng Túc sẹo sụp xuống lạy như tế sao. Con Mi-lu gầm lên. Lão Tộ ôm chặt lấy cổ nó, vuốt ve: “Mi-lu… suýt nữa thì ta giết oan con rồi”.
Lão Tộ dắt con chó sang trả lão Bún. Cổng nhà lão Bún vẫn khóa. Lão đành dắt con Mi-lu về bên gốc bưởi. Lão cất tiếng gọi, chẳng ai nghe thấy. Bực mình, lão xăm xăm vào bếp, vác cái búa tạ ra. Lão bỗng thấy mình như có lại sức của thời trai trẻ. Cái thời lão từng lưng cõng ba lô hơn 40 ký, vai vác chân khẩu cối 61 nặng trình trịch mà đi cứ phăm phăm… Lão vung búa, đập gục những thanh sắt đã sùi gỉ vàng trông như da cóc. Một lối thông giữa hai nhà được mở ra. Lão đĩnh đạc cùng con Mi-lu vào cổng nhà lão Bún. Lão Bún đang nằm xem chèo “Bài ca giữ nước”. Đang mơ màng, bỗng thấy tiếng búa đập “choang choang…”, lão chạy ra sân. Nhìn thấy mặt lão Tộ tia tía, lão Bún đã đưa tay ra lại rụt vội lại. Lão Tộ cười hềnh hệch, chữa thẹn:
- Hề hề… sang kiếm ngụm chè ngon của ông đây! Hai cặp mắt chằm chằm nhìn nhau như lạ lẫm. Lão Bún bỗng ngớ ra, hỏi một câu dớ dẩn:
- Ơ… Con Mi-lu… ngỡ nó ở trên gác với thằng Sang…
- Hề hề… nó là cứu tinh, là hộ mệnh cho nhà tôi đấy ông ạ… hề hề…
Hai lão cùng chạm tay vào đầu con chó, rồi cùng phá ra cười. Y như ngày nào giữa khói bom khét lẹt, họ tìm được nhau, sờ nắn khắp người nhau rồi ha hả cười. Bất giác, lão Tộ ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng, mùi thơm quen quen mà cũng xa xăm. Lão ngoảnh mặt ra sau. Cả hai lão cùng ngước lên ngọn bưởi. Hàng ngàn búp hoa chúm chím như ngón tay trẻ sơ sinh đang bung ra, trắng muốt trong các vòm lá. Hai lão cùng hít hà thật sâu. Ôi! Cái hương bưởi ngây ngất này đã mấy năm nay chẳng ai để ý! Hôm nay sao thơm đến lạ lùng…
Truyện ngắn của ĐỖ HÀN