QĐND - Tôi là học trò Trường Quốc học Huế (Pháp gọi là Trường Khải Định) cho đến tháng 3-1945. Bạn bè tuổi mười lăm, mười sáu cùng nhập học khóa gọi là “Ê-Ô” (gọi tắt chữ Extrême Orientale, nghĩa là khóa Viễn Đông, có học chữ Hán). Trường này, học sinh Pháp-Việt học chung. Giờ nghỉ, ra sân cũng chơi với nhau, cãi nhau, thụi nhau, bày trò thử sức ai khéo giật ngã đối phương.

Đến mùa đông 1946, bùng nổ chiến tranh do quân xâm lược Pháp gây ra. Tất cả học sinh Việt đứng dậy “xếp bút nghiên”. Ngày 19-12, cầu Tràng Tiền “hy sinh” cho quốc sử, một nhịp cầu gục xuống sông Hương.

Không có gì ngăn được học trò Việt ra trận. Tiểu đội liên lạc chúng tôi đã đào công sự gần cầu Bến Ngự. Anh em trèo lên một lầu cao nhìn sang Trường Quốc học đã bị quân Pháp chiếm. Anh Khâm, tiểu đội trưởng lính chiến trúng đạn, bị thương máu đẫm. Tối đó, Trung đoàn Trần Cao Vân chuẩn bị xuất kích, mục tiêu là trường bách nghệ (École pratique). Có phân đội phải đi vòng một nhà lầu hai tầng ở ngã ba.

A! Nhà thằng Mắc-bớp, Tây con theo học hệ văn hóa Tây phương (hệ occidental, có học cả chữ La-tinh và chữ Hy Lạp). Hắn cùng một lứa tuổi với chúng tôi. Lúc ấy, quân viễn chinh Pháp đã vào đồn trú ở Huế, theo Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946. Còn nhiều gia đình người Pháp ở lẫn với quân Pháp.

Nhà Mắc-bớp lù lù ngáng đường tiến quân bí mật. Lính chiến, lính trinh sát, lính liên lạc… bàn tán với nhau. Thằng Mắc-bớp kia hẳn là có súng. Nếu hắn nằm im thì thôi. Nếu hắn nổ súng về phía ta thì ta leo lên mái nhà bếp quẳng vào tầng lầu một quả lựu đạn.

- Ấy, nhưng lựu đạn ta làm, mười quả chỉ nổ hai ba-một anh nói.

- Không nổ thì cũng là một lời cảnh cáo. Thấy quả lựu đạn lăn cạnh chân, đủ cho hắn khiếp!

May thay, cái đêm hôm ấy, hắn không bắn xuống và ta cũng không tung lựu đạn lên. Anh em cứ lặng lẽ tiến quân.

Trường Quốc học xưa có một dãy nhà trệt, gồm mươi phòng học, còn lại toàn nhà lầu. Hệ văn hóa Viễn đông và hệ văn hóa Tây Âu học chung dãy trệt, ra vào đụng đầu nhau. Với chúng tôi, đám “Tây con” hệ Tây Âu chẳng phải là thù địch, nhưng cũng không là bạn thân. Dạy học trò khóa “Ê-Ô” phần lớn là thầy người Việt. Thầy Nguyễn Lân dạy Văn, thầy Nguyễn Thúc Hào dạy Toán, cụ Chương nhà Nho và cha Thích dạy chữ Hán v.v..

Có một cô giáo người Pháp, cô Ha-men. Với các lớp Tây phương, cô dạy Văn học Pháp, còn với các lớp “Ê-Ô”, cô dạy tiếng Pháp phổ thông. Rất ngẫu nhiên, chúng tôi biết cô có một người chồng là sĩ quan Pháp, hiện đang có mặt ở Huế.

Năm 1946, quân viễn chinh Pháp chiếm đóng nhiều công sở ở Huế. Khách sạn Morin sang trọng của một chủ nhân Pháp, xây tường bê tông vững chắc, mặc nhiên trở thành một cứ điểm quân Pháp án ngữ đầu cầu Tràng Tiền.

Chúng tôi biết chuyện đánh “đồn Morin” là không thể tránh khỏi. Lính trinh sát cho chúng tôi biết: Cô giáo Ha-men cũng có mặt ở tầng trên khách sạn. Chúng tôi nói, xin các anh chú ý đừng có làm gì hại cô ta. Cô ta từng dạy chúng tôi học, “một chữ cũng là thầy”. Các anh cần theo dõi thì ngắm bằng ống nhòm, đừng ngắm súng.

Trận kịch chiến Morin diễn ra bất phân thắng bại. Mấy phen ta xung phong, nhưng ta không có súng lớn, nên chỉ chiếm được tầng dưới. Lính Tây làm chủ tầng trên. Anh em nảy ra sáng kiến: Ôm rơm chất đầy tầng dưới, rồi sang chợ Đông Ba, xin các mẹ, các chị gom cho tất cả ớt bột. Ớt đem về trộn lẫn với rơm, châm lửa đốt rơm, địch phải chết ngạt vì khói ớt, nếu không sớm đầu hàng!

Sự thực lại không chiều lòng. Địch ở tầng trên liều mở toang hết các cửa sổ cho khói bay đi. Lính Pháp và người Pháp, dân thường trên ấy thoát chết!

Chúng tôi là “lính học trò”, qua vài trận vỡ lòng thấy rằng cầm súng, ngắm bắn một con người thực không đơn giản. Cả tình cảm và lý trí xáo động. Phía bên kia chiến hào là kẻ thù tàn bạo lẫn lộn với người lương thiện bị chiến tranh lùa đẩy ra trận làm vật hy sinh. Khi phải nổ súng, cố tìm ra ranh giới phân biệt. Hai lần đầu giáp chiến, chúng tôi đã hồi hộp “đặt ra ngoài danh sách “Tây con Mắc-bớp và cô giáo Ha-men”. Cuộc chiến ở Huế kéo dài năm mươi ngày đêm. Không biết Mắc-bớp có ngã thành một lính thực dân? Ba mươi năm “đại chiến Việt Nam”, giúp chúng tôi nhận rõ trong các đạo quân xâm lược luôn có người lương thiện, bất bình, dám phản chiến. Và có một số người quay súng, về làm bạn với Việt Nam…

PHẠM HỒNG