QĐND - Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên.
Lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn Tổ quốc từ trên cao.
Lần đầu tiên ùa vào trong tôi một nỗi nhớ được gọi tên: “Nỗi nhớ Tổ quốc”.
Rất nhiều lần bất chợt từ trong tâm thức tôi cái giây phút ấy ùa ra, xua tan đi bao nhiêu nỗi lo toan thường nhật. Cái giây phút tôi nhìn dải đất hình chữ S và biết mình sắp phải xa. Cái giây phút hạ độ cao, qua cửa sổ máy bay, tôi nhận ra những cánh rừng không lá, những mặt hồ trắng băng của xứ Bắc âu.
Bấy giờ ở Tổ quốc tôi mùa hè đang rực nắng. Nắng bạc phau lưng áo của những diêm dân. Trên cánh đồng, những đụn muối trắng tinh, khô khén, vốc trên tay một nắm đã phảng phất mùi thơm của nắng.
Bấy giờ là những gì, dù nhỏ nhoi tôi có được cũng ùa về trên miền đất xa lạ lần đầu tiên tôi đặt chân tới. Nỗi nhớ ấy như một nốt chạm vào cái màn hình thời công nghệ thông tin. Tất cả hiện ra như một cuốn phim…
*
* *
Sáng nay thức dậy, tôi nâng tờ lịch cuối cùng của năm Giáp Ngọ mà mãi vẫn chưa muốn bóc đi. Một năm đi qua, Tổ quốc tôi bước qua bình yên và bão tố. Sóng Biển Đông ập vào trong tôi đến nghẹt thở, lớp lớp sóng đỏ rực màu cờ của Tổ quốc. Trên màn hình ti vi, 1.300 người tham gia dự án âm nhạc kề vai, sát cánh hát vang bài Quốc ca. Họ là những nghệ sĩ, các cựu chiến binh, các nhà báo, công chức, công nhân, nông dân và cả các em học sinh… Rồi, tự nhiên tôi nhớ 1.200 giáo viên và học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội; 800 em học sinh khối 12 Trường phổ thông liên cấp Đồng Nai; hơn 500 học sinh Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, Đà Nẵng; 105 “chiến sĩ nhí” Học kỳ Quân đội tại Quảng Ngãi… nhiều và nhiều nữa, không kể hết! Các em mang trên mình lá cờ Tổ quốc xếp hình chữ S và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
 |
Bộ đội Biên phòng đảo Lý Sơn tuần tra bảo vệ biển, đảo. Ảnh: Hồng Phúc |
Tháng 4 năm ấy, năm 1988, trên con tàu Mỹ Á ra Trường Sa, tôi cầm trên tay lá thư của em Nguyễn Thị Mai Trâm, học sinh lớp 8 Trường Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Em viết: “Thương các anh chiến đấu ở đảo xa, chúng em ai cũng muốn làm một việc gì đó để góp sức cùng các anh. Một tháng nay em đã nhịn ăn sáng và góp được 3000 đồng gửi tặng các anh…”. Lá thư ấy, tôi đã chuyển tận tay các chiến sĩ hải quân khi bước lên tàu HQ505 trên đảo
Cô Lin. Đọc lá thư của Mai Trâm, những gương mặt sạm đen nắng biển đã bật khóc. Chúng tôi ôm chặt nhau như một khối, không kịp cởi khỏi người chiếc áo phao đứng. Chiếc áo phao đứng mà khi chúng tôi khoác vào, cố nghệ sĩ Lê Mạnh Thích, đạo diễn phim “Trường Sa tháng 4-1988”, đã giải thích: “Nếu có chìm tàu thì ta bơi đứng, cá mập không tấn công được”.
Hơn một phần tư thế kỷ đi qua, Mai Trâm, bây giờ em ở đâu? Có thể em đã là một nhà giáo, một kỹ sư, một bác sĩ… và rất có thể, trong số hàng trăm, hàng ngàn học sinh, sinh viên, trí thức… đang xếp hình Tổ quốc, có em!
Sau giây phút đặt chân xuống miền đất lạ, gần hai mươi năm sau, tôi gặp lại bà giáo sư dạy tôi ở Học viện Báo chí Thụy Điển (FOJO). Trong một bữa tối se lạnh đầu thu tại nhà hàng Thủy Tạ, bà giáo sư hỏi tôi: “Ngày ấy trong buổi đầu gặp mặt, được hỏi: Khi đặt chân đến Kalma, nếu phải viết một bài phóng sự, bạn sẽ viết gì? Không ngần ngại, tôi trả lời: Tôi sẽ viết “Nỗi nhớ Tổ quốc tôi!”. Bà giáo sư im lặng. Trong bữa tối hôm nay, giữa Hà Nội, bà lại hỏi tôi: “Bây giờ anh còn nhớ Tổ quốc nữa không?”. Tôi hiểu ý bà giáo sư nên chỉ mỉm cười. Và đến lúc này, bà hỏi thật: “Tôi sang Việt Nam nhiều lần rồi, tôi muốn tìm hiểu thêm, Việt Nam có bao nhiêu di tích lịch sử nổi tiếng?”. Vâng! Thưa giáo sư, tôi không thể kể hết những di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước tôi. Một đất nước ngàn năm sinh ra, trên mỗi thước đất từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đâu đâu cũng in đậm dấu chân lịch sử, lớp chồng lớp những trầm tích. Rồi tôi liệt kê cho bà “Tốp 10 khu di tích lịch sử có giá trị của đất nước được nhiều người biết nhất”. Từ Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) đến Dinh Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được xếp hạng theo Hội kỷ lục gia Việt Nam. Bà giáo sư lại hỏi: “Thế trong lĩnh vực biển, đảo Việt Nam, đất nước anh có bao nhiêu kỷ lục đáng nhớ?”. Tôi lại thưa giáo sư: “Kỷ lục biển, đảo đất nước tôi, có kỷ lục nhìn thấy, sờ thấy, nhưng không ít kỷ lục phi vật thể, nhiều kỷ lục tự nó đã trở thành đời sống tâm linh trong tâm khảm người Việt Nam”. Rồi tôi liệt kê cho bà 9 cái nhất trong kỷ lục biển, đảo Việt Nam; từ bãi biển Trà Cổ, dài 17km, bãi biển dài nhất đến huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo có mật độ dân cư cao nhất, hơn 20.000 người.
Huyện đảo Lý Sơn, cái hòn đảo mỗi hạt cát đều mang linh hồn của những con người bất tử trong đội hùng binh Hoàng Sa. Một ngày cuối tháng 9 năm Giáp Ngọ, hàng ngàn người dân dự lễ khánh thành dự án cấp điện cho đảo. Trong khao khát ngàn đời, cái giây phút ấy nghe linh thiêng tiếng vọng hồn gió và sóng biển, lời Thủ tướng rưng rưng trước anh linh của Tổ tiên.
Tôi nói với bà giáo sư rằng, Việt Nam chúng tôi, trong mỗi con người, đời sống tâm linh như một thuộc tính giá trị đạo đức. Giá trị đạo đức ấy nó giữ chân người ở lại, nó kéo kẻ muốn đi xa. ở đảo Lý Sơn bây giờ còn giữ nhiều lễ tục độc đáo như: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”; “Lễ cúng việc lề”… Nếu đứng từ đình làng An Vĩnh để ngược lại thời gian, ta như thấy những người con từ ngàn năm trước, đã ra đi khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Nơi họ ra đi không trở về, ngày nay, thanh niên trai tráng hai làng An Vĩnh, An Hải thường làm lễ tế lính Hoàng Sa trước khi giong buồm ra biển lớn. Tôi kể với bà giáo sư thật nhiều, thật nhiều, nhưng có lẽ bà không nghe được hết. Cụng ly rượu vang đỏ, bà lẩm bẩm một mình: “Tôi hiểu vì sao anh mang trong mình nỗi nhớ Tổ quốc”.
Chưa bao giờ, trong đời sống văn hóa của nhân dân ta như năm Giáp Ngọ này, có nhiều cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa đến thế. Có người lần đầu tiên rớm lệ khi nhận ra hình hài Tổ quốc qua những tấm bản đồ cổ. Tấm bản đồ ấy do một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp phát hiện trong hiệu sách cổ Sanderus, số 32 Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ. Một bộ bản đồ cổ 6 tập khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam do Bỉ sản xuất năm 1827…
*
* *
Bất giác tôi nghĩ, một ngày nào đó, trên đảo Lý Sơn có một cuộc triển lãm những Hòn vọng phu đất nước. Tổ quốc ta, suốt dải đất hình chữ S, miền quê nào cũng có Hòn vọng phu. Vọng phu ở Đồng Đăng (Lạng Sơn); vọng phu trên núi Nhồi (Thanh Hóa); vọng phu bên bờ khe Giai (Nghệ An); vọng phu ở cửa bể Thuận Hóa (Quảng Trị); vọng phu trên đỉnh M’drak (Đắc Lắc); vọng phu ở núi Đá Chồng (Tuy Hòa); vọng phu trên đỉnh Núi Bà (Bình Định)… Hình tượng người Vọng phu qua truyền thuyết như sự gửi gắm, sự cảm phục đức thủy chung, một phẩm hạnh thuộc tính của người phụ nữ Việt Nam. Những người vợ gánh trên vai cả một hậu phương thay chồng vẫn ngày ngày ngóng chồng từ mặt trận trở về. Những người vợ khát khao hòa bình, hạnh phúc, áo ấm, cơm no…
Mùa xuân này Lý Sơn đã có lưới điện quốc gia, Lý Sơn đã là Hòn Đảo Ánh Sáng. Dòng điện Tổ quốc nay đã bừng sáng trên hòn đảo tiền tiêu. Hơn 20.000 người dân cùng một giấc mơ giữ trọn biển, đảo quê hương trên một con tàu lớn giữa mênh mông sóng cả. Và, họ nhận ra: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, những ngày biển động, Tổ quốc hiện ra phía mặt trời.
Hà Nội, cuối năm Giáp Ngọ 2014
Tùy bút của HỒ ANH THẮNG