QĐND - Ngay từ khi mới định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng tòa thành Thăng Long với Chính điện Càn Nguyên ở chính giữa và một hệ thống các cung điện như: Tập Hiền, Nhật Quang ở bên tả; Giảng Võ, Nguyệt Minh ở bên hữu; Long An, Long Thụy ở phía sau, Long Trì (Thềm Rồng) và điện Cao Minh ở phía trước…

Lý Thái Tông mới lên ngôi quyết định chuyển tòa Chính điện đi nơi khác, nhưng không thành công. Cuối cùng, ông vẫn phải dựng lại tòa Chính điện trên nền cũ của điện Càn Nguyên và đổi tên là điện Thiên An. Ông còn cho dựng các điện: Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ ở hai bên tả hữu; các điện Trường Xuân, Thiên Khánh ở phía sau; điện Phụng Thiên ở phía trước...

Từ sau năm 1030 cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XII, có khá nhiều lần nhà Lý cho “sửa sang các điện vũ ở Đại Nội”, xây dựng nhiều cung điện mới như: Thủy Tinh, Linh Quang, Kiến Lễ, Sùng Nghi, Vĩnh Thọ, Hội Tiên, Sùng Uyên, Huy Dương, Ánh Thiềm, Vĩnh Quang.

Thềm Rồng-Điện Kính Thiên, Hoàng Thành, Thăng Long. Ảnh: Như Ý.

Năm 1203, vua Lý Cao Tông cho “xây tân cung tại phía tây Tẩm điện, ở giữa đặt điện Thiên Thụy, bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Thiềm Quang, phía trước xây điện Chính Nghi… phía sau mở điện Thắng Thọ, ở trên xây gác Nguyệt Bảo… Bên phải gác Nguyệt Bảo đặt tòa Lượng Thạch…”. Đây là lần đầu tiên Chính điện và các điện, cung quan trọng nhất được chuyển ra cách trục chính tâm cổ truyền khoảng vài ba trăm mét, nhưng điện Thiên An vẫn được giữ lại làm nơi thờ cúng tổ tiên nhà vua. Chỉ hơn chục năm sau, vào cuối năm 1214, tân cung nguy nga, tráng lệ đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhờ có kết quả khai quật khảo cổ học hơn chục năm trở lại đây, giới nghiên cứu mới có cơ sở dự đoán dấu tích kiến trúc nhà Lý tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có nhiều khả năng là dấu tích còn lại của tân cung. Điều đáng nói là tân cung bị tàn phá, nhưng điện Thiên An lại hầu như không bị xâm hại. Sau loạn lạc, Lý Huệ Tông trở về thiết triều tại điện Thiên An. Năm 1224, ông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, rồi cuối năm 1225, Lý Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông)… tất cả đều diễn ra tại tòa Chính điện Thiên An.

Năm 1230, Trần Thái Tông quy hoạch lại kinh thành trên cơ sở thành Thăng Long thời Lý “trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và phía tây. Bên tả là cung Thánh Từ (cung Thượng Hoàng), bên hữu là cung Quan Triều (cung Nhà Vua)”. Tại khu vực trung tâm Cấm thành Thăng Long, ông cho trùng tu lại tòa Chính điện Thiên An. Đối xứng qua điện Thiên An và trục chính tâm ở hai bên (tả-hữu) là cung Thánh Từ và cung Quan Triều. Cung Thánh Từ bao gồm các điện Diên Hiền, Diên Hồng, Thụy Chương; các cung Vạn Thọ, Nhân Thọ, Bảo Nguyên, Thưởng Xuân… Cung Quan Triều có các điện: Đại Minh, Bát Giác, Song Quế, Hoàng Nguyên…

Các nhà khảo cổ học gần đây cho rằng, tuy kinh thành Thăng Long thời Trần được xây dựng và mở mang trên cơ sở kinh thành Thăng Long thời Lý, nhưng “về cơ bản diện mạo của kiến trúc kinh thành đã thay đổi hoàn toàn so với thời Lý”. Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại chưa có ai đưa ra được một tài liệu xác thực nào có thể cho phép nghĩ đến sự thay đổi vị trí của tòa Chính điện Thiên An trong suốt hơn 175 năm vương triều Trần. Tòa Chính điện Thiên An, tiếp nối Chính điện Càn Nguyên, chắc chắn được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng suốt từ khi khởi dựng (năm 1010), trải qua các triều Lý, Trần, Hồ và cả Minh thuộc nữa, dường như không hề có sự thay đổi vị trí.

Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi từ điện tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Thăng Long (khi đó là Đông Quan), lên ngôi Hoàng đế, dựng Quốc hiệu là Đại Việt, tuyên cáo Bình Ngô tại chính tòa điện Thiên An cổ kính (mới được đổi gọi là điện Kính Thiên). Đến cuối năm đó, ông cho tu sửa và làm mới điện Vạn Thọ, Tả, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính… Khu vực Cấm thành Đông Kinh thời kỳ đầu nhà Lê, việc cải tạo và xây dựng mới một số cung điện vẫn bám theo trục chính tâm của khu Cấm thành từ thời Lý-Trần. Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, trước khi tập trung cải tạo Hoàng thành và Cung thành, năm 1465 đã cho xây lại điện Kính Thiên, làm lại Thềm Rồng, dựng các điện Cẩn Đức, Tử Hà, Bảo Văn, Kim Loan, Bảo Quang… Trên căn bản quy chế của tòa thành Đông Kinh cùng tên điện từ đầu thời nhà Lê đến đời Cảnh Hưng vẫn được giữ như cũ. Tuy nhiên, theo kết quả khảo cổ học gần đây thì các công trình kiến trúc, đền đài cung điện thời Lê trung hưng có vẻ bề thế và hoành tráng hơn so với thời Lê sơ.

Thành Thăng Long thời Nguyễn được xây dựng theo kiểu Vauban, chu vi bên trong khoảng 4000m, về cơ bản trên quy mô của Cấm thành Thăng Long thời Lê. Trong thành còn có Kỳ Đài xây trên nền cũ của Tam Môn thời Lý và điện Thị Triều được xây dựng lại vào năm 1820 trên nền điện Thị Triều thời Lê. Năm 1841, điện Kính Thiên được vua Thiệu Trị cho tu sửa lại và đổi tên thành điện Long Thiên. Năm 1886, điện Long Thiên bị quân Pháp phá hủy để xây Sở chỉ huy Pháo binh (tức nhà Con Rồng hiện nay). Rồi năm 1897, thành Hà Nội cũng bị phá bỏ. Tuy thế, dấu tích nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Kỳ Đài, Hậu Lâu, Chính Bắc Môn, khu tường bao và 8 cổng Hành cung thời Nguyễn cùng các bản đồ, tranh ảnh và tư liệu còn lại cũng cho phép nhận diện “nền cũ lâu đài” không chỉ trục chính tâm thành cổ Hà Nội, mà cả khu trung tâm Cấm thành Thăng Long xưa.

Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1975, nhà và hầm D67 trong không gian điện Kính Thiên là Sở chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra các quyết sách, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi 40 năm trước, vị Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội năm 2010 đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới bởi vì “nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”. Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê tuy có mở rộng hay thu hẹp qua mỗi thời kỳ lịch sử, nhưng hầu như không có sự thay đổi đáng kể và về cơ bản vẫn là khu vực thành nhà Nguyễn thế kỷ XIX và khu trung tâm chính trị Ba Đình hiện nay. Trung tâm của Cấm thành Thăng Long sau lần xây dựng đầu tiên vào các năm 1010-1011 dưới thời Lý Thái Tổ, ít nhất còn có 7 lần tái cấu trúc hay xây dựng lại, thì gần như lần nào tòa Chính điện (Càn Nguyên-Thiên An-Kính Thiên) vẫn ở vị trí chính tâm.

Cấm thành Thăng Long là trung tâm chính trị-quyền lực đầu não quan trọng nhất của cả nước, nơi hội tụ và kết tinh trí tuệ và sức sống dân tộc Việt Nam, trong đó không gian điện Kính Thiên là trung tâm của trung tâm, là hằng số lịch sử-văn hóa dân tộc, mang giá trị nổi bật toàn cầu, nghìn năm qua đã thế và nghìn năm sau chắc sẽ còn như thế.

GS, TS, NGND NGUYỄN QUANG NGỌC (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô)