QĐND - Giáp Tết Ất Mão năm 1975, tôi và một số phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhận lệnh vào mặt trận.

Buổi tối, tôi gói ghém lại quần áo, giấy bút, sổ ghi chép… để xếp thêm mấy phong lương khô, túi thuốc tây… vào ba lô. Bé Diệp-con gái tôi bỏ bánh xà phòng thơm Ngọc Lan vào túi cóc cho bố. Nhà tôi gói thêm cho tôi nửa cân chè búp Thái Nguyên…

Nhà báo Trần Hữu Tòng (ngoài cùng, bên trái) và các nhà báo quân đội ở chiến trường miền Nam, mùa Xuân 1975. (Ảnh tư liệu)

Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe. Bốn giờ sáng, đợt gió mùa tràn về. Trời trở rét. Mưa dầm dề. Nhà tôi ủ ấm cho cu Quang rồi khoác vội chiếc áo bông bộ đội của tôi, tất tả chạy ra chợ Ngọc Hà đặt viên gạch vỡ trước quầy bán thịt để giữ chỗ. Sáu giờ, nhà tôi về với gương mặt phởn phơ ra vẻ mừng rỡ lắm vì đã mua được một cân thịt thủ lợn mà chỉ phải cắt năm lạng phiếu. Nhà tôi còn xếp hàng mua thêm được bốn bìa đậu phụ theo ô phiếu thực phẩm của gia đình. Bữa cơm tiễn tôi lên đường rôm rả hơn mọi ngày. Bé Diệp, cu Quân và cu Quang tranh nhau ngồi gần bố. Bé Diệp cứ nhất nhất giành chiếc áo bông cũ bố để lại. Nó bảo để đêm nó đắp cho nhiều hơi ấm của bố. Nhà tôi nói với các con: “Nhà mình giáp Tết có bữa cơm ngon tiễn bố đi xa, mẹ đã gạn tí mỡ trong thịt để rán đậu, nạc phần các con. Nhưng hôm nay, các con nhớ phải nhường bố đấy nhé…”. Vì hằng ngày, bữa ăn hiếm hoi lắm mới có món thịt, nhưng cũng chỉ để dành cho ba đứa bé. Còn vợ chồng tôi và bà mẹ già chỉ dùng nước kho thịt để chấm rau…

Ăn xong, bé Diệp vội ôm cặp đi học. Bỗng nó đứng sững lại, bỏ cặp xuống, rồi hai tay ôm chặt ngang lưng tôi. Mắt nó đỏ hoe: “Bố ơi, sắp Tết rồi, bố xin các bác ở nhà đừng đi nữa!”. Nhà tôi quay mặt đi, đưa tay áo gạt nước mắt. Rồi như để xua đi cái không khí bi lụy trước lúc tôi lên đường, nhà tôi cầm lấy chiếc máy ảnh Ki-ép tôi đang đeo chụp cảnh các con quấn quýt bên tôi. Suốt những cung đường vượt Trường Sơn vào mặt trận, hình ảnh các con nhắc nhau nhường bố miếng thịt trong bữa ăn; hình ảnh bé Diệp ôm ngang lưng tôi và sâu đậm nhất là gương mặt gầy của nhà tôi, hai hố mắt trũng sâu, thâm quầng vì nhiều đêm thức lo hứng từng xô nước luôn hiện ra trước mắt tôi...

Hôm đến Binh trạm Xê Công, tôi đứng sững sờ nhìn dòng sông trong xanh, nước dạt dào mát mẻ mà lòng cứ cuộn lên nỗi nhớ. Tôi nhớ đến cảnh khu tập thể Ngọc Hà, nơi tôi ở, những đêm khuya các gia đình phải chia giờ chờ nhau quanh vòi nước để hứng từng gáo. Nhà tôi tắm cho cu Quân, cu Quang mỗi đứa không được nhiều hơn một chậu. Bé Diệp, con gái được ưu tiên một chậu đầy, một chậu vơi. Đêm trước ngày ra đi, tôi với nhà tôi hứng hết giờ tiêu chuẩn của mình, nhà tôi vào ngủ với con, còn tôi chờ bà con hứng hết lượt để được lấy thêm. Tôi lấy đầy thùng phuy, đầy các xô, các chậu, đầy các nồi nhôm, ấm nhôm. Tôi mừng lắm, nhẩm tính phải ba bốn đêm sau, nhà tôi và bé Diệp mới phải thức khuya, chờ lấy nước.

Cỗ Tết năm ấy ở Binh trạm Xê-ca-bốc, mỗi nhà báo được ưu tiên nhận một tấm bánh chưng, một hăng-gô cháo đậu xanh và nếp hầm với thịt lợn rừng. Tay tôi xách hăng-gô cháo ngon mà lòng cồn cào thương nhớ cu Quang. Hằng ngày, cháu thường đòi ăn cháo sườn hầm. Không biết ngày Tết bận rộn, nhà tôi có xếp hàng mua được sườn, mua được mùn cưa để hầm cháo cho con không? Tôi nhớ bà mẹ già tóc bạc phơ. Mỗi lần đi công tác về, tôi thường mua mấy lá trầu, vài quả cau làm quà cho bà. Bà nheo mắt cười vui, chỉ còn lơ thơ mấy chiếc răng đen. Dạo trong năm, tôi nhặt xác máy bay B-52 rơi ở hồ Ngọc Hà, nhờ thợ gò cái ô đựng trầu cau và cái cối giã trầu tặng bà, nhân dịp bà tròn tám mươi tuổi. Tôi đặt hăng-gô cháo bên chiếc bánh chưng, rồi mở gói chè bốc một nhúm bỏ vào bi-đông nước nóng. Bát nước chè búp Thái có màu óng vàng đẹp như màu mật ong. Hương chè thơm ngát. Bỗng nước mắt tôi cứ trào ra. Ngồi trên sàn nứa, người tôi cứ dập dềnh như ngồi trên thuyền giữa biển sóng. Lòng tôi day dứt nghĩ đến nhà tôi, một mình lo toan gánh nặng gia đình với ba đứa con thơ dại, một bà mẹ già yếu, lại thêm công việc bề bộn ở cơ quan...

Tôi đi theo các mũi quân tiến công thần tốc đánh chiếm các chi khu quân sự, giải phóng thị xã Bình Tuy, tiêu diệt tuyến phòng thủ của địch, trấn giữ cửa biển Hàm Tân… Tôi đến với đơn vị chủ lực quân khu chặn đánh bọn giặc có cả lũ tướng lĩnh, các sư đoàn ngụy tử thủ tuyến phòng thủ Phan Rang tan tác tháo chạy dọc bờ biển vào đây. Chúng ẩn náu ở Đồi Dương, Văn Mỹ với bọn tàn quân ở Bình Tuy, Bình Thuận chạy xuống. Chúng có mưu đồ cướp tàu thuyền của dân chạy trốn ra biển, nhưng đã bị ta bao vây, bắt gọn.

Đứng trước cửa biển Hàm Tân mùa xuân lộng gió, tôi được chứng kiến một cảnh tượng suốt đời khắc sâu vào tâm trí. Đó là cảnh tan tác bại vong của lũ giặc. Xe nhà binh đủ loại, đủ kiểu; cái thì sóng lấp, cái thì cát vùi nằm chỏng chơ bên mép nước. Rồi súng to, súng nhỏ, súng ngắn, súng dài… vứt ngổn ngang. Rồi mũ lính chiến, mũ biệt động, mũ cảnh sát, mũ bảo an, mũ nồi, mũ của lính cướp trời cướp biển… lăn lóc. Rồi cả áo quần, lon, gạch, bông mai, quai chảo… của các sắc lính ngụy trôi nổi lều bều; thứ dạt bờ sóng khỏa, thứ lơ phơ trong gió cát, thứ vất vưởng móc vào gốc phi lao… Tất cả như một bãi củi rều sau trận lũ lớn. Hàng chục chiếc tàu, thuyền, sà lan, ca-nô… cái nghiêng ngả tròng trành, cái sóng xô mắc cạn, cái va vào nhau bẹp sườn, vỡ mạn. Lá cờ sọc dưa bị gió biển xé rách tả tơi bêu trên cây cột gãy của chiếc tàu há mõm. Phía bến thuyền, một chiếc trực thăng gãy cánh quạt, đầu chui trong cát, đuôi nhô lên như cánh tay chới với…

Khí thế tiến công, nổi dậy của nhân dân ta bừng bừng như sóng trào, bão nổi. Vùng đất Cực Nam gian lao mà anh dũng có biết bao điều kỳ diệu cuốn hút tôi. Tôi nghĩ rằng, đây là “thời cơ vàng có một không hai” của người lính làm báo. Ngày ấy, ở vùng mới giải phóng, hệ thống bưu điện của ta chưa thiết lập, tôi không có cách nào thông tin được với tòa soạn, với gia đình. Ở nhà có tin tôi mất tích. Bà mẹ già và vợ con tôi ngày đêm âu lo trông ngóng. Lúc thấy các anh trong đoàn đi đã có người trở về, gia đình tôi càng lo lắng bồn chồn…

Giữa lúc ấy thì tôi đi xe của đơn vị vận tải theo các cung đường giao liên, trở về. Tôi lò dò bước vào nhà lúc mọi người đang ngồi vây quanh mâm cơm chiều. Nhìn thấy tôi, tất cả quẳng bát đũa chạy ào ra ôm chặt lấy như sợ tôi lại biến mất. Riêng nhà tôi thì đứng sững, nước mắt chảy giàn giụa nhưng miệng lại nở nụ cười… Cu Quân nhảy cẫng lên. Nó nói to như reo: “Thấy không? Hôm cả nhà ăn Tết, con đã bảo mà. Chiến thắng rồi bố sẽ về!”.

Bốn mươi năm rồi, mẹ tôi đã về với tổ tiên. Cái cối giã trầu của bà, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Bé Diệp nay đã là tổng giám đốc một công ty thương mại được tặng thưởng “Sao Vàng Đất Việt”. Cu Quân theo chân bố trở thành chiến sĩ Sư đoàn 312 lên điểm tựa Vị Xuyên-Hà Giang giữ đất biên cương, được quân đội cho ra nước ngoài tu nghiệp. Cu Quang thơ dại đòi ăn cháo sườn ngày nào, cũng được Nhà nước cho đi học nước ngoài. Hằng năm, vào ngày Tết, ngày Lễ chiến thắng 30-4, cả nhà lại sum họp đầm ấm và mở tấm ảnh nhà tôi chụp ra xem, rồi kể lại những kỷ niệm ngày ấy. Tấm ảnh ấy cùng với các kỷ vật chiến trường, tôi vẫn để trong chiếc hăng-gô đựng cháo Tết ở Binh trạm Trường Sơn năm xưa...

TRẦN HỮU TÒNG (nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân)