QĐND - Trong buổi lễ mừng GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tròn trăm tuổi ở Hà Nội, GS Hoàng Chương-Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nhận định: “Nếu dùng chữ "hiện tượng” để chỉ GS Vũ Khiêu thì đúng là một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay. Đó là "hiện tượng lao động sáng tạo” không ngừng nghỉ, được toàn dân biết đến và được suy tôn như một bậc thầy, một giáo sư ngoại hạng về triết học và nhân văn”. Cận Tết Ất Mùi, chúng tôi “len” vào lịch làm việc vẫn dày đặc của vị GS khả kính ấy được chừng chưa đầy một tiếng đồng hồ để hầu chuyện ông, để hiểu thêm về “hiện tượng lao động” Vũ Khiêu…

Quê hương, dòng họ và kế hoạch đến tuổi 103

Phóng viên (PV): Thưa GS! Tết Ất Mùi này, GS tròn 100 Xuân. Khi người ta đã ở tuổi “trời cho” như vậy, ắt hẳn có nhiều suy tư, ngẫm ngợi về những gì đã qua. GS có lẽ là người không hẳn như vậy vì chúng tôi vẫn thấy ông miệt mài làm việc với trí tuệ còn rất mẫn tiệp và tinh anh. Năm 2010 khi đến gặp GS, chúng tôi thực sự thán phục khi nghe ông tâm sự là sẽ làm việc 5 năm nữa, nhưng đến nay, chúng tôi còn kinh ngạc hơn khi biết GS đang tiếp tục biên soạn những công trình nghiên cứu còn dở dang cho đến năm 103 tuổi. Động lực nào khiến GS có một quyết tâm phi thường như vậy?

GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ảnh: Tuấn Tú.

GS Vũ Khiêu: Tôi nghĩ rằng, trường hợp của tôi không phải là hiếm có và phi thường bởi vì tôi hiện nay đã được nghỉ hưu, không phải bận việc quản lý cơ quan như trước, cũng không phải theo đuổi công việc nào khác, ngoài những chương trình còn đang bỏ dở. Nội dung những công trình tôi biên soạn chỉ tập trung vào việc phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Tôi coi đó là trách nhiệm với đất nước của một công dân, một trí thức. Trước sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự cổ vũ của bạn bè, cách đây 2 năm, tôi đã bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và sẽ hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của trời. Tôi chỉ biết hứa là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó...

GS Vũ Khiêu, tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19-9-1916, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. GS nguyên là Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Triết học. Ông đã viết hoặc chủ biên hơn 80 cuốn sách và sáng tác hàng trăm bài thơ, bài phú, câu đối nổi tiếng. GS Vũ Khiêu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996), danh hiệu Anh hùng Lao động (2000), Huân chương chống Pháp hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất (2006), danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010)…

 

PV: Để thành một tên tuổi Vũ Khiêu-một học giả lớn, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ngoài nỗ lực của bản thân, có lẽ không thể không kể đến quê hương và gia đình của GS. Đất Nam Định là nơi có truyền thống hiếu học, làng Hành Thiện quê ông, cái nôi nổi tiếng với nhiều tên tuổi sáng chói trong bầu trời chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học Việt Nam. Về không khí học tập ở quê mình, GS hay nhắc đến câu thơ: Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Để anh đọc sách, để nàng quay tơ… Sinh ra, lớn lên trong làng quê có nhiều người hiếu học và thành đạt như vậy, phải chăng nó vừa tạo được phong trào học tập, môi trường học tập, nhưng cũng là áp lực buộc mỗi người phải nỗ lực, vươn lên?

GS Vũ Khiêu: Câu thơ nói trên là của đồng chí Sóng Hồng, tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Câu thơ đã khái quát truyền thống học tập của làng Hành Thiện quê tôi. Làng tôi dân đông, ruộng ít. Ngày trước, những nhà giàu phát triển nông nghiệp không phải ở làng mình mà thường mua ruộng đất ở nơi khác, nhất là ở Giao Thủy và Hải Hậu để sản xuất. Cho nên trong làng, mặc dù gần như không có ruộng nhưng mỗi năm đến mùa gặt, có hàng trăm thuyền chở đầy thóc về làng. Ngoài những nhà giàu ấy ra, hầu hết người dân hướng về việc học tập và dệt vải. Hai câu thơ trên nói lên hạnh phúc và niềm tin của hai vợ chồng, của đại bộ phận nhân dân Hành Thiện là chồng đi học và vợ dệt vải. Nhu cầu học tập là một định hướng cho hầu hết nhân dân trong làng thời phong kiến, kéo dài đến thời kỳ Pháp thuộc sau này. Học tập và thành đạt từ học tập là con đường phổ biến của các gia đình ở đây. Học giỏi, thi đỗ và làm quan, Hành Thiện là một trong những làng nổi tiếng, nhất là ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Mặc dù Hành Thiện không có nhiều người đỗ đại khoa từ Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn trở lên như các làng nổi tiếng Đông Ngạc, Quỳnh Đôi, Cổ Am... Nhưng nếu tính từ tiến sĩ, cử nhân và tú tài thì Hành Thiện có lẽ là làng nhiều nhất, đông nhất nước. Đúng như bạn nói, môi trường, không khí học tập đã tạo một động lực và cũng là áp lực, buộc mỗi người phải nỗ lực vươn lên để thành đạt, thành danh.

PV: Còn dòng họ Đặng Vũ của GS thì thế nào? Câu thơ: Một nét văn chương, một nét nhà/ Một hồn thơ triết, một đời hoa của lương y Đặng Vũ Chương, một người bà con của GS, phải chăng là nhắc tới truyền thống gia đình dòng họ Đặng Vũ?

GS Vũ Khiêu: Họ Đặng Vũ là họ có nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao. Ông cụ trước tôi ba đời là Đặng Văn Tường tới tuổi 30 mà chưa đỗ đạt gì cả. Về sau, cụ lấy vợ là Vũ Thị Uyển, con một cụ cử nhân Nho học ở Trực Ninh. Cụ Uyển đã đem một không khí hiếu học về nhà chồng. Cụ chăm lo và khuyến khích chồng ăn học. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có hai con gái. Cụ Uyển bắt các con gái của mình phải chăm lo việc học của chồng. Hai người con rể của cụ về sau đều đỗ cao và làm quan to. Còn 4 người con trai của các cụ đều đỗ cử nhân hết, làng gọi là "gia đình tứ tử đăng khoa”... Trong chuyện này cần phải nói rằng, không chỉ nhờ cha dạy con mà còn ở phần rất lớn nhờ vai trò của bà mẹ dệt vải suốt ngày suốt đêm để nuôi chồng, con ăn học. Người làng tôi coi câu "Phúc đức tại mẫu" là một truyền thống của làng. Các bà mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng nên truyền thống hiếu học của cả làng tôi. Các cô gái ở làng ngày xưa cũng thường chọn những người có chữ để lấy làm chồng. Họ Đặng Vũ tôi không chỉ ở trong nước mà ra nước ngoài cũng học giỏi và thành đạt. Ở Pa-ri (Pháp), chú ruột tôi, cả trai, gái-dâu, rể có 27 bác sĩ, có một người cháu là Đặng Vũ Thiên Thanh nổi tiếng thế giới về nghiên cứu bộ não con người…

"Tôi chỉ còn vài xu thời gian”

PV: Đi qua một thế kỷ, bây giờ nhớ lại những cái Tết thời thơ ấu ở làng Hành Thiện, còn đọng lại trong GS những ký ức gì? Từ vùng quê của GS, nhìn rộng ra ở bình diện chung, theo GS thì hoàn cảnh xã hội đã làm biến đổi phong tục Tết như thế nào?

GS Vũ Khiêu: Tôi thấy rằng, những ngày Tết có thể nói là ngày vui nhất trong gia đình. Ngày trước, ở làng tôi cũng như nhiều làng quê Việt Nam, Tết đến, hầu như nhà nào cũng có cây nêu, tràng pháo, có thịt mỡ, dưa hành, đúng như câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Tối Ba mươi nấu nồi bánh chưng, bố mẹ, con cái quây quần quanh bếp và nếu có người con đi xa chưa về thì cả nhà vừa luộc bánh, vừa đợi con. Đó là hình ảnh quen thuộc ở làng tôi mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Giáo sư Vũ Khiêu tặng câu đối chúc mừng các em học sinh tại Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, học sinh đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ngày nay, một số phong tục Tết có những điều không hợp thời đã thay đổi hoặc mai một như đốt pháo, trồng cây nêu có treo con gà bằng gỗ… Đúng như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phê phán: Đời đã xác rồi còn đốt pháo/ Nợ gì trời đất còn trồng nêu. Nhưng cũng có những điều lạc hậu từ ngày xưa mà đến nay vẫn tồn tại như: Sang năm mới, người phụ nữ vẫn phải kiêng không được xông nhà, hai vợ chồng mà cùng đi chúc Tết thì chồng phải đi trước vì cho rằng phụ nữ mà vào nhà trong năm mới sẽ mang những điều đen đủi, không may mắn cho gia chủ. Đó vừa là mê tín, vừa là thể hiện sự "trọng nam khinh nữ". Cũng là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, khi chứng kiến điều vô lý này, đã mơ ước việc xông nhà phải là người phụ nữ: Tối Ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới/ Sáng Mồng Một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho thiếu nữ rước Xuân vào.

Tuy hoàn cảnh xã hội và một số phong tục Tết đã thay đổi nhưng đến nay tinh thần và ý nghĩa ngày Tết vẫn còn đó. Ngày Tết là ngày tụ họp con cháu trong gia đình, xác định một thái độ khi sang năm mới, mong muốn những điều không hay của năm cũ sẽ qua đi, những mơ ước tốt đẹp trong năm mới sẽ thành hiện thực.

PV: GS có thể chia sẻ về những ngày Tết của mình và gia đình?

GS Vũ Khiêu: Gia đình tôi có lệ đoàn tụ vào chiều tối Mồng Một Tết. Tôi sẽ chuẩn bị quà và cho bốc thăm. Các con cháu có thể trúng một chai rượu, một hộp bánh, một câu đối hay một phong bì lì xì nhiều nhất là 100 nghìn đồng. Riêng đối với tôi thì bao giờ cũng có một lọ hoa cắm nhành mai trắng đặt ở bên ảnh vợ tôi đã qua đời, với mấy dòng chữ như sau: Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối/ Một nhành mai nhỏ thức thâu canh...

PV: GS có lần nói: So với các bạn trẻ có tỷ phú thời gian, tôi chỉ còn vài xu thôi. Nhân dịp Tết đến, Xuân về, xin GS có đôi lời tâm sự với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân, nhất là các bạn trẻ?

GS Vũ Khiêu: Tôi năm nay 100 tuổi rồi, ra đi lúc nào không biết, so với các bạn trẻ còn những 70-80 năm nữa thì rõ ràng tôi chỉ còn vài xu thời gian trong túi, khi các bạn đang là tỷ phú. Vì còn vài xu như thế nên tôi rất tiếc thời gian, tranh thủ từng giờ, từng phút để làm việc. Nhưng các bạn trẻ, dù quỹ thời gian còn dài mà không biết tiết kiệm, không tiếc thì giờ là một điều vô cùng đáng tiếc. Tuổi để phát triển là tuổi trẻ, tuổi để khẳng định bản lĩnh, nhân cách con người giai đoạn 20-30 tuổi là thời gian quan trọng nhất. Đây là tuổi thể hiện sức mạnh, trí thông minh, chưa bị vẩn đục, chưa bị đau khổ của cuộc đời ám ảnh. Tiếc rằng, không ít bạn trẻ hiện nay còn chưa biết quý trọng thời gian, còn sa đà vào những cuộc chơi vô bổ, thậm chí độc hại. Tôi mong, thanh niên Việt Nam hãy quý trọng thời gian, khai thác, tận dụng từng giây từng phút của sức trẻ vì hạnh phúc, tương lai của mình, đồng thời nuôi dưỡng tiềm năng, năng lực để làm tròn trách nhiệm, bổn phận công dân, đóng góp điều thiết thực cho đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!

HOÀNG TIẾN - BÍCH TRANG (thực hiện)