QĐND - Tận hưởng “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” trong những ngày Tết thời nay bỗng nhớ lại thời xưa “thịt chẳng có, dưa thì khú, nhưng đầy ắp tình người”. Có thịt mỡ, dưa hành đôi khi thừa mứa chính là nhờ công cuộc Đổi mới. Các bạn trẻ có thể không thật tường lắm câu chuyện: “Thực chất Đổi mới là gì, sao nhắc tới nhiều vậy?”. Các chuyên gia từng lý giải cặn kẽ lắm rồi nhưng Tết nhất mà “xài” cái món lý luận khô khan thì thật khó... Xin chia sẻ những hoài niệm một thời đã qua để bạn đọc trẻ dễ hình dung.

Trước Đổi mới, năm hết Tết đến, mỗi người, mỗi nhà được “phân phối” với cái giá rẻ như bèo một gói hàng Tết, thường bao gồm một hộp mứt với mấy viên mứt lạc, mấy miếng mứt bí, mấy lát mứt khoai, một miếng bóng lợn to bằng vở học trò, một gói mì chính xinh xinh, vài viên hồ tiêu, một bao thuốc lá “Điện Biên” và một gói chè Hồng đào-những thương hiệu từ lâu không còn nữa. Sau Đổi mới, ai cần gì cứ ra chợ mua theo kiểu thuận mua vừa bán. Xem như vậy thì một trong những đặc trưng của công cuộc Đổi mới là chuyển từ cơ chế người tiêu dùng đi xin, Nhà nước ban phát sang cơ chế thuận mua vừa bán.

Công cuộc đổi mới đã giúp TP Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc. Ảnh: Nguyễn Thành Luy.

 

Nhưng điều gì đã đẻ ra hàng hóa dồi dào để có thể mua-bán dễ dàng? Đơn giản là nhờ ở hai “cây gậy thần”. Một là, để cho mọi người dân tự do làm ăn theo khả năng của họ và theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thời chúng tôi, ngoài các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã (kể cả cắt tóc, cửa hàng ăn…) hầu như mọi việc làm ăn khác đều bị cấm. Tết đến, công đoàn cơ quan thường phải cử đại diện lọ mọ về hợp tác xã kết nghĩa vận động họ bán cho yến gạo nếp, chú lợn con đem về gói bánh chưng cho tập thể. Để đèo được những thứ hàng quý hiếm ấy về phải xin đủ loại giấy chứng nhận của chính quyền, nếu không sẽ bị thuế vụ tịch thu! Cái cách quản lý như vậy thời đó gọi là “ngăn sông cấm chợ”. 

Sau khi Đổi mới, mọi chuyện như vậy đều bị xóa bỏ; thay vào đó là chính sách cho phép mọi người, mọi thành phần được tự do làm ăn kinh doanh những việc luật không cấm-một nguyên tắc nay đã được ghi vào Hiến pháp 2013, còn hàng hóa được tự do thông thương, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu!

“Gậy thần” thứ hai là cơ chế thuận mua vừa bán theo quy luật cung-cầu thay cho kiểu mua-bán trước đây. Vốn là, trước thời Đổi mới, sản phẩm làm ra Nhà nước thu mua với giá rất rẻ rồi đem phân phối lại cho người dân với giá rẻ như bèo. Điều đó không khuyến khích được người sản xuất, còn người tiêu dùng thì dù có cần hay không cũng giành cho bằng được, tiêu dùng vô tội vạ những gì được coi là “của chùa”. Sau Đổi mới, hàng hóa được trao đổi đúng với giá trị, qua đó, khuyến khích người sản xuất thi nhau làm ra nhiều sản phẩm với giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn để bán có lãi, còn người tiêu dùng chỉ mua những gì cần làm cho mối quan hệ cung-cầu cân bằng hơn.

Bây giờ nghe nói chắc các bạn trẻ sẽ thắc mắc: Đơn giản thế mà sao quá trình chuyển đổi vật vã, khó khăn đến vậy? Số là, từ một nước còn rất lạc hậu, chúng ta muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội với chế độ công hữu và Nhà nước phân phối mọi thứ để bảo đảm công bằng. Thực sự thì đó là con đường chưa có “dấu chân người”, nên ta phải học tập mô hình của Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Vả lại, chúng ta phải đối mặt với đủ loại giặc ngoại xâm cường bạo, không tập trung tổng lực sức mạnh của cả dân tộc thì khó bề thắng nổi. Nhưng đi vào xây dựng hòa bình, cơ chế đó không ăn nhập với một nước còn ở trình độ phát triển rất thấp, triệt tiêu động lực làm ăn. Bây giờ nói thì dễ chứ thời ấy những điều đơn giản như vậy đã in sâu vào tâm trí, đâu có dễ thay đổi! Chính vì vậy nên đã phải trải qua biết bao sự trăn trở, thậm chí tranh cãi “sứt đầu mẻ trán” mới đổi mới được tư duy, tức là đổi mới cách nghĩ, cách làm cho khớp với thực tế khách quan và các quy luật tự nhiên.

Như vậy chưa đủ. Muốn khơi dậy sức dân-bảo bối quan trọng nhất, ta còn mở rộng dân chủ theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đương nhiên là dân hưởng. Ngày nay, theo dõi các buổi chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm trên hội trường Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, làm quen với các loại văn bản pháp quy ùn ùn được ban hành, hoa mắt theo dõi đủ loại báo in, báo hình, báo mạng, mới thấy nước ta đã tiến những bước dài đến nhường nào trên con đường dân chủ và pháp quyền.

Thế rồi, hầu như ngày nào cũng có những đoàn ở mọi cấp từ khắp năm châu bốn biển tới thăm nước ta và các đoàn nước ta đi thăm hết nước này đến nước khác, tham dự đủ loại hội nghị, diễn đàn nhỏ to, bỗng lại nhớ một thời đất nước bị bao vây, cô lập bịt bùng, không mấy ai đến thăm, ít khi các đoàn ta có mặt và có tiếng tại các diễn đàn toàn cầu, mới càng cảm thấy tự hào, hãnh diện cho vị thế của đất nước trong thời Đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nhưng cuộc sống có bao giờ ngừng chảy, cuộc sống bây giờ lại đòi hỏi nhiều điều tốt hơn. Về lượng thì kinh tế nước ta đã tiến khá nhanh nhưng về chất thì xem ra còn phải cố gắng nhiều lắm để mọi người được ấm no hạnh phúc, đất nước không tụt hậu ngày càng xa với nhiều nước, ngay cả những nước xung quanh. Tuy nhiều người dân đã được sống đầy đủ, thậm chí dư dật nhưng cũng còn những người sinh sống không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào miền núi mà ngay ở các đô thị, thậm chí cả ở trung tâm, vẫn còn nhọc nhằn, thiếu thốn lắm. Vì vậy rất cần thu hẹp nhanh, mạnh hơn nữa khoảng cách giàu-nghèo.

Thêm nữa, gần đây xuất hiện những con số làm ta nóng lòng, sốt ruột. Ví dụ, 15 người của ta mới sản sinh ra lượng sản phẩm bằng 1 người Xin-ga-po; năng suất lao động của 2,5 người Việt mới bằng 1 người Thái Lan… Dân ta có kém thông minh và không khéo tay đâu cơ chứ! Không biến khẩu hiệu đã có từ lâu: Khoa học và công nghệ, giáo dục là “quốc sách hàng đầu” thành hiện thực thì không thể vượt lên về chất lượng và hiệu quả. Như vậy chưa đủ, một nhu cầu bức bách nữa là đổi mới căn cơ hơn nữa thể chế quản lý nhằm khơi dậy tối đa sức dân, không phân biệt thành phần, cái gì hiệu quả thì khuyến khích, cái gì chỉ gây thua lỗ tiền của nhân dân thì quyết bỏ. Một yếu tố có ý nghĩa quyết định nữa là mỗi chúng ta phải “tái cơ cấu phong cách làm ăn”: Đi sớm về muộn chứ không đi muộn về sớm; làm ăn luôn tay chứ không chè thuốc, tán gẫu; tỉ mẩn chỉn chu chứ không qua loa đại khái; nghĩ ra cái mới, cái riêng biệt chứ không chỉ mông má, sao chép của thiên hạ. Phải chăng, những điều đơn giản đó chính là những bí quyết của người Nhật, người Hàn, người Xin-ga-po… làm cho nước họ bứt phá làm giàu? Và những điều trên phải chăng là cốt lõi của chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà ta đang theo đuổi?

Quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân nên những chuyện làm ăn nói trên cũng là chuyện của quân đội; vả lại nước có giàu quân mới mạnh, ngay việc quân cũng cần nâng cao năng suất và hiệu quả, quyết không làm theo thói quen “nước sông công lính”. Quân đội ta đã 70 năm tuổi, đất nước cũng sắp 70 Xuân; cả dân lẫn quân nhất thiết phải gồng mình tiến lên chính quy, hiện đại. Chỉ có vậy mới có thể ăn những cái Tết ra Tết, Việt Nam tiến lên đài vinh quang không chỉ về chiến đấu mà cả về xây dựng làm giàu!

VŨ KHOAN (Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)