QĐND - Ông yêu đơn phương Đặng Thùy Trâm. Nhưng với chị, ông là một người bạn thân thiết, bên nhau chia ngọt sẻ bùi trên chiến trường lửa đạn. Sớm Đà Lạt gió lạnh, lật giở những kỷ vật về Đặng Thùy Trâm, ông nghe như tiếng hát chị ngân nga từ hồi ức vọng về…
 |
Họa sĩ Phạm Mùi.
|
Cuối năm 1966, chàng sinh viên Phạm Mùi rời Trường Trung cấp Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội) khoác ba lô lên vai, cùng các văn nghệ sĩ lên đường vào chiến trường Quảng Ngãi. Trong đoàn còn có hơn 70 bác sĩ, y sĩ, trong đó có bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Mỗi lần đoàn nghỉ chân, nhạc sĩ Thanh Đính lại ôm đàn đệm cho Thùy Trâm hát. Tiếng hát cô bác sĩ trong veo, long lanh, nhảy nhót trên lá rừng hòa cùng nụ cười hồn nhiên, khả ái, khiến trái tim bao chàng bồi hồi. Họa sĩ Phạm Mùi cầm lòng không đặng, liền vội vã lấy giấy bút ký họa cảnh nữ bác sĩ đứng hát giữa núi rừng. Thùy Trâm phát hiện, thường chạy theo ông xin tranh. Ông tặng chị như món quà gói ghém cả tấm lòng.
Là một họa sĩ, Phạm Mùi có vốn kiến thức rất rộng về mảng văn hóa-nghệ thuật, từ văn học cho đến kịch, tuồng, chèo, cải lương, điện ảnh và dĩ nhiên, món sở trường hội họa. Còn bác sĩ Thùy Trâm lại là người lãng mạn, thích văn chương, nghệ thuật. Mỗi lần đi cùng Phạm Mùi, Thùy Trâm như cô sẻ non, ríu ra ríu rít hỏi chuyện nghệ thuật. Hỏi cái gì, Phạm Mùi cũng kiến giải đầy đủ, từ tốn khiến Thùy Trâm nửa ngạc nhiên, thú vị, nửa thầm khâm phục cậu họa sĩ nhỏ hơn mình một tuổi này.
 |
Bức họa bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở chiến trường của họa sĩ Phạm Mùi.
|
“Đoàn khá đông người nhưng Thùy Trâm thường thích đi với tôi. Chúng tôi tâm sự, bàn luận với nhau rất nhiều, từ chuyện gia đình đến chuyện văn chương. Tôi vui mừng khi mình là một người bạn đem đến cho Thùy Trâm niềm vui khi đi vào Nam. Về sau, tôi phát hiện Thùy Trâm có khả năng làm thơ, viết truyện ngắn, viết ký cũng rất tốt. Tôi càng mến Trâm khi biết cô dù tốt nghiệp trường y loại ưu, tương lai tươi sáng đang chờ nhưng Trâm sẵn sàng bỏ lại tất cả để vào chiến trường”-ông nhớ lại. Ngày tháng cùng hành quân ấy khiến tình cảm của chàng họa sĩ thêm sâu đậm, nhưng chẳng thể nói nên lời. Những lúc mắc võng giữa rừng, chị vẫn hay kể về anh Khương Thế Hưng. “Mùi biết không, anh Hưng để ý Thùy từ hồi Thùy còn đeo khăn quàng đỏ. Anh ấy lớn hơn Thùy 8 tuổi cơ mà. Hai gia đình thân nhau lắm”.
Xuất thân trong một gia đình trí thức, Khương Thế Hưng là chàng trai Hà Nội rất tài hoa, lịch lãm. Anh giỏi thơ văn, ngoại ngữ, sáng tác nhạc và hát rất hay, từng phụ trách Đoàn Văn công Quảng Ngãi. Về sau, anh chuyển sang làm Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 548. Gia đình Thùy Trâm cũng là gia đình trí thức ở Hà Nội. Vậy nên, ngẫm lại mình, chàng họa sĩ sinh ra từ đất Mộ Đức, Quảng Ngãi đành giấu chặt nỗi niềm. Vào đến Quảng Ngãi, Phạm Mùi được phân công về Ban Tuyên giáo. Thùy Trâm tìm gặp anh Khương Thế Hưng. Trái tim Thùy Trâm đau buốt khi chứng kiến anh Hưng thương tích đầy mình. Cơ thể anh có tổng cộng 12 vết thương và một mảnh đạn trong đầu... Anh Hưng đã nói lời chia tay Thùy Trâm bởi không muốn vì mình mà Thùy Trâm phải khổ! Trái tim Thùy Trâm như nghẹn lại.
Ghé thăm Bệnh xá Đức Phổ, nhìn Thùy Trâm đau buồn, Phạm Mùi thấy lòng mình thắt lại. Ông biết, dù có thế nào đi nữa, Thùy Trâm vẫn "một lòng một dạ" với anh Hưng, tình yêu của chị mãi mãi thủy chung, son sắt. Trong một lá thư viết ngày 15-2-1968 gửi cho một người bạn, Thùy Trâm viết về anh Hưng: “Đối với Thùy, anh thương với tình thương rất đỗi chân thành, anh tôn trọng và cảm phục trước tình yêu thủy chung của Thùy, nhưng chỉ có thế thôi. Con tim anh không còn những rung cảm sâu xa, những vần thơ thắm đượm tình yêu, những lời ca bay bổng ước mơ nữa rồi”. Thương Thùy Trâm, Phạm Mùi viết thư cho anh Hưng: “Trong chiến tranh, yêu một giây, một phút cũng rất quý, anh đừng đối xử với Thùy Trâm như thế!”. Ông Mùi nhớ lại: “Trong nhật ký, Thùy Trâm viết tắt tên anh Khương Thế Hưng là M. khiến nhiều người nhầm là tôi. Thực ra đó là tên viết tắt từ bút danh Đỗ Mộc của anh Hưng khi viết báo, làm thơ trên Báo Nhân Dân. Còn nhắc đến tôi trong nhật ký, Thùy Trâm đều viết là Mùi. Và có đoạn cô đã tỏ ra day dứt với lời tỏ tình của tôi".
Nói là tỏ tình nhưng thực ra đó là một bức thư mà Phạm Mùi chỉ cốt để an ủi và khuyên Thùy Trâm thoát khỏi nỗi đau buồn. Trong đó, ông viết đại ý rằng: Cuộc sống và chiến tranh ác liệt, tình yêu đem đến sức mạnh cho con người nên Thùy Trâm không nên đau khổ. Nếu như Trâm muốn quên anh Hưng đi thì nên yêu một người khác. Người đó có thể là những người đồng chí, đồng đội mà Trâm có tình cảm. Thùy Trâm đọc được cảm xúc của Phạm Mùi dồn nén trong thư và biết đó là một lời tỏ tình. “Hồi đó, trong số các đồng chí, tôi có vị trí đặc biệt trong lòng Trâm. Chúng tôi có sự nhạy cảm của người trí thức trước nỗi đau chiến tranh và cũng đa sầu, đa cảm như nhau. Tình cảm tôi dành cho Trâm sâu nặng không phải vì Trâm trẻ đẹp mà vì Trâm chia sẻ được những ưu tư, sâu sắc trong tâm hồn người trí thức, nghệ sĩ như tôi. Chúng tôi cùng vào chiến trường, cùng lý tưởng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong thâm tâm, tôi mong Trâm nếu không yêu mình thì sẽ yêu người đồng chí khác, có vậy tôi mới yên lòng khi Trâm không còn đau khổ”.
Thư gửi đi nhưng không có dòng hồi âm nào như những bức thư trước hai người gửi cho nhau. Phạm Mùi hiểu, vậy là Thùy Trâm không chấp nhận tình cảm của mình... Sau này, đọc trong cuốn nhật ký, Phạm Mùi mới thấy được sự dằn vặt của Thùy Trâm khi đối diện với lá thư ấy. Chị xem Phạm Mùi như một người bạn và không thể vượt qua giới hạn đó được nữa. Thời gian sau đó, những lá thư của Phạm Mùi gửi Thùy Trâm cũng thưa dần. Thùy Trâm trách trong nhật ký: “Sao kỳ này Mùi chỉ gửi tranh mà không gửi thư cho mình…”. Thỉnh thoảng, ông vẫn ghé thăm chị. Nhìn chị xanh xao, ông tặng chai mật ong rừng để chị bồi bổ. Nhưng Thùy Trâm đều dành chúng để chăm sóc anh em thương binh.
Tháng 6-1970, tin bác sĩ Thùy Trâm hy sinh làm chấn động cả tỉnh Quảng Ngãi. Trên đường đi công tác, chị bị địch phục kích. Phạm Mùi nghe như đất dưới chân mình nứt toác. Ông khụy xuống, khẩn thiết xin du kích cho mình đi tìm thi thể Thùy Trâm. Nhưng không ai đến được khu đó vì địch vây ráp dày đặc. Mãi sau này mới đem được thi thể chị về. Chiến tranh ác liệt, rất nhiều tranh và thư từ giữa hai người bị thất lạc. Nhưng bức thư Thùy Trâm gửi trước ngày hy sinh và bức ký họa lần gặp cuối, ông vẫn còn giữ lại được và coi đó là những kỷ vật vô giá của người con gái, người đồng chí mà ông đã yêu.
Giờ đây, trong ngôi nhà trên đường Mai Hắc Đế, thành phố Đà Lạt, đôi tay gầy guộc của lão họa sĩ 72 tuổi run run lật giở những kỷ vật ố vàng, được ép nhựa cẩn thận, cất kỹ trên nóc tủ. Trong khoảnh giấy của gần 50 năm trước, hình ảnh bác sĩ Thùy Trâm với nụ cười hiền hậu, ân cần chăm sóc thương binh hiện lên, phảng phất sương khói như trong dòng nhật ký của anh Khương Thế Hưng ngày biết hung tin: "Em dịu dàng là vậy, chưa biết nói nặng ai câu nào. Em dũng cảm là vậy. Giặc đốt hầm bí mật vẫn bình tĩnh cứu chữa thương binh. Cưỡi Hon-đa phóng qua trước rào lính địch để cấp cứu ca thương binh nặng. B-52 trên đầu, quân đánh bộ bên cạnh vẫn bình tĩnh băng bó thương binh, dìu đi khỏi vòng vây...”.
Tôi ngồi đối diện với ông, thấy ông lặng người đi rồi khóc. Ông cố quay mặt đi để những giọt nước mắt không rơi lên những trang giấy đã ố màu thời gian và khói bụi chiến trường, nhưng vẫn tươi nguyên màu của tình yêu và ký ức…
Bài và ảnh: HẠNH TRANG