QĐND - Trước khi đánh chiếm thành Nghệ An năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn do tướng Nguyễn Chích chỉ huy đã tiến hành đánh hạ đồn Bồ Đằng (nay thuộc xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Đồn Bồ Đằng là một căn cứ hiểm yếu, đặt dưới sự chỉ huy của tướng giặc Trần Trung-một viên tướng thâm độc và kiêu ngạo. Đồn đóng trên núi cao, bố trí liên hoàn nhiều trại để hỗ trợ, ứng cứu nhau. Quân Minh cho đặt nhiều bẫy đá để ngăn cản bước tiến của nghĩa quân.

Trong “cái khó ló cái khôn”, nghĩa quân đã biết sử dụng dê để đánh đồn. Sử sách còn ghi, nhân dân ở Quỳ Châu, Nghệ An đã đi khắp vùng thu gom hàng trăm chú dê về cung cấp cho nghĩa quân và giúp quân ta nắm bắt thông tin về cách bố phòng của quân địch. Khi có đủ dê, nghĩa quân dùng nến sáp ong buộc chặt vào sừng các chú dê rồi giấu kín đàn dê vào một hang đá, chăm sóc chúng cẩn thận chờ ngày xuất kích. Đến thời điểm đã định, lợi dụng đêm tối, sương mù dày đặc, nghĩa quân đồng loạt thắp lửa vào nến sáp ong rồi xô đàn dê ào lên núi cùng với tiếng hò reo để nghi binh. Quân Minh đang say giấc ngủ, choàng dậy thì thấy lửa lập lòe ẩn hiện trong sương đêm hòa với tiếng chân chạy, tiếng chiêng trống dồn dập, náo động cả một vùng. Chúng cho rằng, nghĩa quân đánh chiếm đồn nên lập tức giật bẫy đá. Hàng trăm khối đá lớn ào ào đổ xuống. Vốn là loài vật thính tai, nhanh mắt, lẹ chân nên đàn dê vừa nhảy, lách tránh đá, vừa tiến lên đồn trại giặc. Quân Minh hốt hoảng tung hết đống đá dự trữ để ngăn bước “đối phương”, nhưng đội quân dê vẫn không hề hấn gì, càng lúc càng áp sát đồn trại giặc...

Trong lúc quân địch đang hoang mang lo sợ thì nghĩa quân Lam Sơn từ bốn hướng xông lên với khí thế như vũ bão, nên chỉ trong chốc lát đã tiêu diệt gọn toàn bộ quân Minh đồn trú tại đây và chém chết tướng giặc Trần Trung, làm nên một: “Trận Bồ Đằng: Sấm vang chớp giật” mà tiếng vang còn vọng mãi theo lời văn “Đại cáo bình Ngô”.

ĐỨC TRUNG

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần)