QĐND - Cuối năm 1972, đơn vị chúng tôi-Đại đội trinh sát, Sư đoàn 7, đang chiến đấu ở Tây Ninh thì được lệnh hành quân về đánh địch ven sông La Ngà, dọc Quốc lộ 20 thuộc tỉnh Đồng Nai. Sau gần một tuần vừa hành quân, vừa chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã về vị trí mới. Vừa dừng chân, tôi nhận được lệnh của Tham mưu trưởng sư đoàn: Cho bộ đội dừng lại và đón Tết Nhâm Tý… Tham mưu trưởng còn căn dặn, phải cho bộ đội đào công sự chu đáo và sẵn sàng chiến đấu. Bởi khu vực này bọn thám báo thường xuyên hoạt động.
Khi đơn vị đã đào xong công sự và sẵn sàng chiến đấu, tôi hội ý Ban chỉ huy đại đội về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tổ chức để bộ đội đón Tết vui vẻ, bí mật… Sau khi kiểm tra lại quản lý đại đội thì “tài sản” của đơn vị không còn gì hơn ngoài mấy gói kẹo và lương khô. Tôi và anh Thắng, Chính trị viên Đại đội, thống nhất với nhau chia mỗi tiểu đội một gói kẹo và hai bánh lương khô 701. Trong chốc lát, các tiểu đội phó phụ trách hậu cần lần lượt đến nhận. Nhìn anh em đến cầm từng gói kẹo đón Tết mà Ban chỉ huy đại đội ai cũng ứa nước mắt vì vừa thương anh em và cũng thương cả chính mình nữa. Tuổi cán bộ đại đội và chiến sĩ đều xấp xỉ mười tám, đôi mươi, sức trẻ mà thường xuyên phải ăn cơm vắt sắn rừng, rau tàu bay, ngủ rừng và chẳng mấy khi được bữa no, ấy vậy mà luôn lạc quan và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc…
Tối 30 Tết, tôi cùng anh Thắng đi kiểm tra các trung đội xong, về lán chỉ huy thì thấy chiến sĩ liên lạc “kiếm” được một cành mai vàng và mấy bánh lương khô 702 nữa. Thấy tôi ngỡ ngàng, cậu liên lạc báo cáo, cành mai thì em chặt được lúc hành quân, còn lương khô 702 là phần thưởng của em ở Chiến dịch Lộc Ninh đấy ạ! Tôi ôm lấy chiến sĩ mà rưng rưng nước mắt vì cảm động. Hùng (tên chiến sĩ liên lạc) quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, học xong chương trình lớp 9/10 phổ thông thì xung phong nhập ngũ và vào chiến trường ngay sau đợt huấn luyện ngắn ngày. Trong Ban chỉ huy mỗi người một tỉnh, nhưng tôi với Hùng là đồng hương cùng tỉnh. Có lần, Hùng đã kể và cho tôi xem bức ảnh của chị gái là Hương, đang học năm thứ hai đại học sư phạm. Từ đó, khi biết chuyện chị gái Hùng, cán bộ trong ban chỉ huy thường gọi Hùng là cậu-tức là em vợ. Cánh lính chiến trường chúng tôi thường tếu như vậy cho vui và cũng để quên đi những gian lao, ác liệt ở chiến trường.
Đêm Giao thừa ở chiến trường, vui nhất vẫn là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng, rồi nghe chương trình phát thanh “dành cho chính quyền Thiệu-Kỳ”, chương trình phát thanh “Lá rụng về cội”. Những phút giây đón Giao thừa đó, chúng tôi thật sự xao xuyến và nhớ nhà. Năm ấy, tôi cũng chỉ mới ngoài 20, thả bút xong là vào chiến trường ngay, chưa có được giây phút nếm thử tình yêu và cũng chưa bao giờ phải xa mẹ. Thế mà giờ đây, tôi đã phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề sinh mạng của hơn 100 chiến sĩ… Là một đại đội trưởng, đêm nay tác chiến xa sư đoàn và cho bộ đội đón Tết nên tôi rất lo. Lo sao vừa cho bộ đội vui Tết, nhưng cũng phải sẵn sàng chiến đấu cao, nếu để sơ suất điều gì thì ăn nói ra sao với cấp trên...
Đêm 30 Tết, cả đại đội hầu như ai cũng thức trắng, còn Ban chỉ huy đại đội thì thường xuyên đi xuống các tiểu đội vui cùng anh em. Trưa Mồng Một Tết, ba chiến sĩ nuôi quân bẫy được một con chồn, thế là Tết của chúng tôi có thêm prô-tít. Để chuẩn bị cho bữa “tiệc”, trừ bộ phận cảnh giới sẵn sàng chiến đấu, mỗi tiểu đội cử hai chiến sĩ cùng bộ phận nuôi quân đảm nhiệm công tác hậu cần.
Rồi cũng xong cái Tết chiến trường. Tối Mồng Một Tết, đơn vị tôi lại vượt rừng già, vượt sông La Ngà hành quân đến vị trí mới. Trước đây, tôi đã từng được đọc về tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, hôm nay mới được nhìn tận mắt, quả không sai chút nào. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Đã hơn 40 năm rồi, nhưng tôi không bao giờ quên cái Tết chiến trường năm ấy. Tiếc rằng bây giờ, Hùng, Thắng và biết bao đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, không được hưởng Tết của Tổ quốc hòa bình, thống nhất và đổi mới như hôm nay.
ĐÀO HỮU NGUYÊN