QĐND - Những ngày cuối năm, từ phố núi Đà Lạt mù sương, chúng tôi xuôi về miền “đất nắng” Ninh Thuận, xứ sở của dê, cừu và những cư dân sống đời du mục. Từ đỉnh đèo Ngoạn Mục cao gần 1000m phóng tầm mắt về hướng đông, vùng đất Ninh Thuận hiện lên như một bức tranh rực rỡ với đồng cỏ bao la xen lẫn những đồi cát trắng, dòng sông Cái uốn lượn như dải lụa và tháp Chàm nghìn năm tuổi rực đỏ trong nắng chiều.
Tại khu tập trung nhiều trang trại dê, cừu ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, chúng tôi gặp Tapô Soan, 25 tuổi, chàng trai người dân tộc Raglai. Buổi sáng, khi vợ dọn chuồng và chăm lũ cừu đẻ, Tapô Soan xách túi đựng cơm, can nước, cùng hơn 150 chú cừu rời trại. Cuộc sống của Soan là những chuỗi ngày tiếp nối cùng đàn gia súc rong ruổi khắp núi đồi vùng Bác Ái. Suốt ngày dãi dầu cùng nắng gió, khuôn mặt Tapô Soan sạm đen, mái tóc cháy vàng, chỉ có ánh mắt, nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ.
 |
Một đàn cừu ở huyện Bác Ái trên đường ra đồng. Ảnh: MINH QUỐC
|
Ngoài tiền công gần 2 triệu đồng/tháng, những người chăn dê, cừu thuê được thu gom toàn bộ phân của dê, cừu bán cho những người trồng rau, hoa, cây cảnh và có “cổ phần” vài con trong đàn để thêm phần trách nhiệm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, tổng số đàn dê, cừu của Ninh Thuận hiện lên tới 160.000 con. Trong một số lễ hội truyền thống của người Chăm như: Ka-tê, Ra-mư-wan, cầu mưa… dê và cừu vẫn được sử dụng như những vật hiến tế quan trọng để dâng lên các thần linh.
Với những người như Tapô Soan, nghề chăn dê, cừu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sự nối tiếp dòng chảy văn hóa truyền thống của cha ông. Hàng trăm năm qua, trên những thảo nguyên đầy nắng và gió, người Chăm, người Raglai đã sống đời du mục. Bây giờ, những thế hệ con, cháu của họ vẫn tiếp tục cuộc sống ấy. Hình ảnh từng đàn dê, cừu cặm cụi trên những đồng cỏ và những túp lều đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất này.
Dù có lúc chạnh lòng vì cuộc sống khó khăn, nhưng đồng cỏ và đàn gia súc giống như sợi dây vô hình, như tiếng gọi từ sâu thẳm níu kéo họ. Mặc cho những khốn khó bủa vây, những người du mục hôm nay ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái vẫn lạc quan sống và không ngừng nuôi dưỡng những ước mơ. Cậu bé Đảo Văn Huynh hào hứng khoe món quà bố mẹ hứa sẽ mua tặng trong mùa xuân năm nay, đó là một chiếc xe đạp mới để con đường gần 5km từ trang trại đến trường không còn xa; còn Tapô Soan ước mơ sẽ xây được một căn nhà nhỏ và sở hữu một đàn dê của riêng mình.
Chia tay xứ sở xương rồng và cát trắng, trong tâm trí tôi văng vẳng giai điệu bài hát “Giấc mơ Cha-pi” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Ở nơi ấy, họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng, mưa, có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui…”. Và tôi cầu chúc cho “Giấc mơ Cha-pi” của những người du mục mà tôi đã gặp sớm trở thành hiện thực.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG