QĐND - Tuy bận nhiều công việc ở Hội Cựu chiến binh và Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng, nhưng Đại tá Mai Phước Liệu vẫn dành thời gian để kể cho chúng tôi nghe về trận đánh chiếm quận lỵ Điện Bàn (Quảng Nam) vào đêm Giao thừa Xuân Mậu Thân 1968…
 |
Đại tá Mai Phước Liệu. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhớ lại trận đánh 47 năm trước, Đại tá Mai Phước Liệu chậm rãi kể: Lần ấy, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng trinh sát thực địa. Đây là cứ điểm địch bố phòng nghiêm ngặt, có máy bay từ Đà Nẵng yểm trợ; bên trong có xe tăng, xe bọc thép và hỏa lực mạnh. Đêm ấy, tôi chỉ huy lực lượng trinh sát dẫn đường cho Đại đội 1 là mũi thọc sâu chủ công đánh chiếm phía bắc quận lỵ. Sau 3 giờ hành quân, chúng tôi đến vị trí triển khai vào lúc 12 giờ đêm 30 Tết Mậu Thân, thời điểm này các gia đình đang cúng Giao thừa. Chúng tôi ẩn mình trong vườn nhà dân, trong những bụi cây, lũy tre ken dày. Kim đồng hồ chậm rãi nhích dần. Đúng 1 giờ sáng Mồng Một Tết, chúng tôi được lệnh đồng loạt nổ súng tấn công quận lỵ. Lúc này, đồng chí Quang (Phó đại đội trưởng) chỉ huy tổ bộc phá có nhiệm vụ mở đường thọc sâu, nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ hướng lô cốt đen và khu nhà bạt Mỹ. Đại liên địch từ lô cốt bắn điên cuồng, đồng chí Quang cùng một đồng chí khác hy sinh, đồng chí Đức bị thương nặng. Đồng chí Nghĩa (chiến sĩ B40) bị đạn địch găm vào ngực, máu chảy xối xả. Nghĩa hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 17. Tôi chộp lấy khẩu B40 của đồng chí Nghĩa, lợi dụng địa hình, địa vật bắn hai quả đạn vào lô cốt đen và nhà bạt. Hai tiếng nổ lớn xé toang màn đêm, ụ súng địch ở lô cốt câm lặng. Đại đội trưởng Nguyễn Đức Hiền chỉ huy bộ đội xung phong đánh thẳng vào hướng bắc và tây bắc. Sau hai ngày quần lộn đánh nhau với địch, ta rút về khu vực thôn Bồng Lai. Trên đường rút lui, chúng tôi tiếp tục đánh chạm trán với một đại đội địch, ta tiêu diệt 17 tên ngụy...
Với thành tích trong trận đánh quận lỵ Điện Bàn, Mai Phước Liệu được cấp trên bình bầu chiến sĩ thi đua. Tháng 11-1968, ông cùng 30 anh hùng, dũng sĩ miền Nam được ra miền Bắc học tập. Trong thời gian học tập trên đất Bắc, kỷ niệm thiêng liêng nhất của Mai Phước Liệu là được gặp Bác Hồ. Ông kể: “Ngày hôm ấy, tại ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Kỳ. Bác Hồ mặc bộ đồ ka-ki giản dị, chân đi đôi dép cao su. Bác ân cần hỏi thăm từng người. Đến lượt tôi, Bác nhẹ nhàng hỏi:
- Mới ra Bắc chưa quen khí hậu, cháu có lạnh không?
Biết tôi quê ở Điện Bàn, Bác xúc động hỏi thăm tình hình đồng bào, đồng chí, rồi căn dặn: “Quê cháu có gương anh Trỗi, chị Lý anh hùng lắm. Cháu đã theo gương anh Trỗi, chị Lý tham gia cách mạng thì phải gắng học thật tốt, sớm trở về giải phóng quê hương". Tôi cảm động thưa với Bác: “Quê cháu ngày đêm mong Bác mạnh khỏe, sớm được đón Bác vào thăm miền Nam!”. Bữa cơm chiều hôm ấy tuy đạm bạc nhưng ấm áp, nghĩa tình. Cơm gạo tám thơm với cá trích kho tộ, rau muống luộc chấm tương, một đĩa cà pháo và ít đậu phộng rang, vậy mà tôi cảm thấy ngon đến vô cùng"…
Đã hơn 46 năm kể từ ngày được vinh dự gặp Bác Hồ, nhưng hình ảnh và lời nói ân tình của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của người anh hùng xứ Quảng. Người đã “truyền lửa” cho ông phấn đấu rèn luyện trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, cũng như trong cuộc sống hôm nay. Năm 2012, ông Mai Phước Liệu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG