QĐND - Vào dịp tháng 4 hoặc tháng 12, khi điều kiện cho phép, tại Hội trường Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân lại diễn ra cuộc gặp mặt giữa các cựu chiến binh Xô-viết từng giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh và những người bạn Việt Nam từng chung chiến hào năm xưa. Đó là cuộc gặp mặt ngập tràn cảm xúc, ấm áp nghĩa tình.

Quả thật, những người bạn chiến đấu, những chuyên gia quân sự Xô-viết có tâm trạng thật bồi hồi khi trở lại Việt Nam, mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu vì hòa bình. Có người đã thốt lên khi nhận ra “chính chiếc cầu này, con đường này chúng tôi đã từng bảo vệ”. Cũng có người bày tỏ rằng, họ không nghĩ Việt Nam lại phát triển nhanh đến thế và vui mừng khi được góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến tranh giải phóng ở Việt Nam. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của họ là được hội ngộ với những người bạn chiến đấu năm xưa, những người học trò Việt Nam mà họ yêu quý và luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của họ...

Chiều 3-12-2014, tại Hội trường Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, ông Nguyễn Mạnh Đàn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 274, Quân chủng Phòng không-Không quân đứng ngồi không yên. Chẳng là ông hay tin, người thầy của ông, chuyên gia Mi-kha-in Xi-mô-nốp (Mikhail Simonov), có mặt trong đoàn cựu chiến binh Nga và Bê-la-rút sắp tới thăm Bộ tư lệnh trong vài phút nữa. Ấy vậy mà khi thầy M.Xi-mô-nốp đứng trước mặt, ông Đàn vẫn cứ ngỡ mình đang mơ. Chỉ đến khi ông M.Xi-mô-nốp hỏi: “Này, anh có phải là Đàn không đấy? Có nhận ra tôi không? M.Xi-mô-nốp đây!”, thì người lính già như bừng tỉnh: “Tôi đây! Tôi nhận ra thầy rồi!”.

Sau cái ôm thật chặt, những câu chuyện “ngược dòng thời gian” của hai cựu chiến binh già đã khắc họa lại bức tranh một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam, cũng như tình đoàn kết quốc tế Việt Nam-Liên Xô. Đó là vào tháng 4-1967, thời điểm chiến tranh đang xảy ra ác liệt ở Việt Nam, chàng trai 28 tuổi M.Xi-mô-nốp đến Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn anh em. Chứng kiến cảnh máy bay Mỹ hằng ngày oanh tạc Hà Nội và các vùng lân cận, M.Xi-mô-nốp đã hiểu thế nào là chiến tranh. “Ngày đó, điều kiện làm việc thật khủng khiếp. Một ngày có tới 10 đến 15 trận oanh tạc của máy bay Mỹ, thiết bị kỹ thuật vận hành liên tục. Dưới cái nóng oi bức của mùa hè, lại ngồi trong ca-bin, chỉ cần sơ ý chạm khuỷu tay vào thành xe là bị bỏng ngay. Có lần, tôi suýt bị một mảnh đạn Mỹ rơi trúng đầu. Khi đó, tôi hiểu thế nào là chiến tranh và hiểu mình cần phải làm gì để giúp đỡ các bạn Việt Nam. Như thi hào V.Mai-a-cốp-xki (Vladimir Mayakovsky) từng viết: "Có thể quên cái gì đó và đã ở đâu, nhưng không thể quên mảnh đất từng chiến đấu vì nó". Vì thế, tình bạn giữa chúng ta, những người lính Việt Nam và chuyên gia Xô-viết, là bền vững nhất”.

Ông Nguyễn Mạnh Đàn và cựu chiến binh Bê-la-rút Mi-kha-in Xi-mô-nốp ôn lại kỷ niệm gần 50 năm trước.

Nhớ về người thầy của mình, ông Nguyễn Mạnh Đàn cho hay: “Thầy M.Xi-mô-nốp trước đây là chuyên gia hệ thống tên lửa của Trung đoàn Tên lửa 274, trấn thủ tại phía bắc của Hà Nội. Khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, hằng ngày thầy vẫn “lên lớp” trong ca-bin nóng nực, tận tình hướng dẫn các học trò Việt Nam cách điều khiển hệ thống tên lửa, cách sửa chữa khí tài bị hỏng, tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm vô hiệu hóa máy bay Mỹ…”. Được gặp lại người thầy Xô-viết khi đất nước đã hòa bình gần 40 năm là điều mà ông Đàn chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng điều đó nay đã trở thành hiện thực.

Trước cuộc gặp mặt ngập tràn cảm xúc giữa ông Đàn và ông M.Xi-mô-nốp, Hội trường Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân cũng là nơi chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ đầy duyên nợ, như cuộc gặp giữa cựu chiến binh U-crai-na Vin-xép-xki Vla-đi-mia (Vintsevsky Vladimir) và nữ phiên dịch Nguyễn Thị Hiền, nay là Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội); cuộc gặp giữa ông Ki-ri-lốp-xki-i Gri-gô-rin (Kyrylovskyi Grygoril) và cựu chiến binh Lương Văn Học… Nhiều cựu chiến binh Xô-viết chia sẻ, nếu không có lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của Quân chủng Phòng không-Không quân, có lẽ họ sẽ không có cơ hội gặp lại những người bạn chung một chiến hào năm xưa. Họ cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện hơn nữa để có thêm nhiều cựu chiến binh Xô-viết được trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa./.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH