QĐND - Một chiều tháng 4-2014, vừa tan cuộc họp của đoàn công tác có các kiều bào tham gia để chuẩn bị ra thăm Trường Sa, một người đàn ông tuổi ngoài 60, trong tay cầm xấp ảnh, đứng trò chuyện với một số kiều bào. Giơ xấp ảnh lên chỉ trỏ, người đàn ông này khoe rằng, ông ta từng là thiếu úy thủy quân lục chiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa, khiến nhiều người ngạc nhiên. Đang mải nói, bỗng dưng ông nín bặt, bối rối, khi nghe giọng một người đàn ông khác cất lên: “Còn tôi là người chống đế quốc đây”…

 

Cựu thiếu úy thủy quân lục chiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa đó tên là Nguyễn Ngọc Lập. Còn người “chống đế quốc” là ông Nguyễn Huy Thắng, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, hiện đang sống tại Đức và làm việc cho tờ thoibao.de. Và câu chuyện về hai con người từng ở hai bên chiến tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đã được chính hai nhân vật kể lại trong hải trình thăm Trường Sa trên con tàu HQ 571.

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng là một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người trong đoàn công tác. Ông có đôi lông mày dài, quắc thước, ánh mắt luôn toát lên vẻ nhân hậu. Đặc biệt, ông là người rất lạc quan, yêu đời và luôn mở đầu các câu chuyện bằng những vần thơ do ông sáng tác.

Cái bắt tay giữa hai con người từng ở hai chiến tuyến. Nguyễn Huy Thắng, kiều bào ở Đức (bên trái) và Nguyễn Ngọc Lập, kiều bào ở Mỹ.

Thế nhưng, câu chuyện mà ông kể cho ông Lập và nhóm phóng viên chúng tôi nghe lại không bắt đầu bằng thơ mà bằng một kỷ niệm của hơn 40 năm về trước. Ông Thắng kể: Ngày 22-4-1972, sau những đợt tấn công ác liệt, đơn vị tôi gần như hết đạn, cả đại đội chỉ còn hai quả ĐKZ, 30 viên đạn và mỗi người còn 1 đến 2 quả lựu đạn. Trong khi đó, thế địch rất mạnh, chúng muốn bắt sống cả đơn vị. Trước tình thế nguy hiểm, tôi được lệnh dẫn một cánh quân di chuyển theo hướng về Quảng Ngãi. Khi đến Đường số 1 ở khu vực giữa làng Thế Long và Thế Lợi thuộc xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi thì đơn vị rơi vào ổ phục kích của địch. Một đồng đội lấy lựu đạn ném về phía địch, nhưng do mắc phải gùi sau lưng nên lựu đạn rơi ngay phía dưới chân tôi. Nhanh như cắt, tôi nhặt trái lựu đạn ném thẳng vào đám địch lố nhố phía trước. Nhiều tên địch chết, còn tôi thì bị thương ở ngực, máu chảy loang cả xuống đùi.

Trong khi đang lấy bông băng nhét vào vết thương để cầm máu, bất ngờ một tên lính ngụy gí súng vào lưng tôi và nói: “Thằng này bị thương ở đùi rồi”. Tiếng tên chỉ huy vang lên: “Bắt sống lấy nó!”. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi vùng dậy đánh một miếng võ trúng bụng tên lính, hất tung khẩu súng của hắn và chạy về phía ruộng lúa. Tôi nằm bẹp xuống ruộng, nín thở trong khi vết thương ở ngực vẫn rỉ máu. Bất chợt, tôi nhìn thấy một tên lính ngụy, tay lăm lăm súng chĩa về phía tôi. Khoảng cách giữa tôi và hắn thật gần. “Mình chắc chết rồi”, tôi thầm nghĩ. Nhưng không hiểu vì sao người lính ngụy lại nói: “Nó chạy mất rồi, không có ai ở đây cả!”. Rồi anh ta đi giật lùi, trước khi cùng toán ngụy lùng sục ở nơi khác.

Kể đến đây, giọng ông Thắng chùng xuống, mắt ngân ngấn nước khi nhớ tới những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh ngày hôm đó và cả người lính ngụy có hành động bất ngờ trên. Đến nay, ông vẫn muốn tìm người lính đó nhưng chưa được.

Câu chuyện của ông Thắng khiến người “chống Cộng” khét tiếng một thời Nguyễn Ngọc Lập cúi gằm mặt xuống. Khó nhọc cất lời sau câu chuyện của ông Thắng, ông Lập nói rằng, có nhiều đêm ông không ngủ được vì bị ám ảnh bởi quá khứ. Hình ảnh những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ bị binh lính của ông sát hại ở chiến trường Quảng Trị năm nào đã đeo bám ông suốt những năm ông học tập trong trại cải tạo cũng như sống ở Mỹ. “Đó là những giây phút khủng khiếp nhất mà tôi muốn quên đi”, ông Lập trăn trở.

Như hiểu được tâm trạng day dứt của ông Lập, ông Thắng vỗ vai: “Chiến tranh lùi xa rồi ông ạ. Điều quan trọng là chúng ta, những kiều bào đang sống xa Tổ quốc, phải làm gì thật có ích để cống hiến cho đất nước”.

Những lời nói chân tình của ông Thắng dường như giúp ông Lập vơi đi nỗi mặc cảm và thực sự có những thay đổi sau đó. Nếu như ngày đầu đi trên tàu HQ 571, ông Lập đi đâu cũng giơ tấm hình chụp một thanh niên mặc trang phục rằn ri quân lực Việt Nam Cộng hòa và nói: “Thiếu úy thủy quân lục chiến đấy, đã từng chỉ huy trung đội thủy quân lục chiến đầu tiên tái chiếm Thành cổ Quảng Trị và bị thương ở Triệu Phong”, thì sau cuộc đối thoại với người lính Cụ Hồ Nguyễn Huy Thắng, những lời “giới thiệu quá khứ oai hùng” của ông Lập dần thưa thớt và cuối cùng dừng hẳn. Có lẽ ông Lập thực sự thấm thía trước tình cảm của các thành viên đi cùng, sự ân cần chăm sóc của bộ đội trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông còn được ông Thắng chia sẻ từng viên thuốc chữa tiểu đường, huyết áp cao...

Chính sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 571 cũng như của cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng mà cựu thiếu úy thủy quân lục chiến Nguyễn Ngọc Lập mới hiểu ra rằng, trong mọi lúc, mọi nơi, tình người Việt luôn tỏa sáng.

Bài, ảnh: LINH OANH