QĐND - Là năm đầy sóng gió của ngành ngân hàng trước những biến động của thế giới và khó khăn tích tụ nhiều năm của kinh tế trong nước. Với sự điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Chuyện ngân hàng vượt sóng cả năm 2014 đang là hành trang cho toàn ngành vững bước trong năm 2015…

Một năm nhiều kỷ lục

Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra vào cuối năm 2014, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình nở nụ cười thật thoải mái khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, với việc góp phần giữ lạm phát ở mức thấp kỷ lục trong hơn chục năm qua, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố. Năm 2014 cũng là năm mà NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của ngành ngân hàng. Ảnh: NGỌC QUYẾT

Tại hội nghị này, thống đốc cũng nêu lại sự kiện phức tạp ở Biển Đông trong năm 2014 để minh chứng cho sức bền của hệ thống ngân hàng. Theo thống đốc, vào thời điểm đó, nếu không có giải pháp kịp thời và nhất là nền tảng hoạt động ngân hàng không vững chắc, thì chắc chắn tác động của sự kiện này đối với hoạt động ngân hàng và nền kinh tế hết sức nặng nề. Lạm phát thấp kỷ lục nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng khoảng 13%, mở ra tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ và kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển.

Như vậy, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp ngành ngân hàng hoàn thành gần như đầy đủ các chỉ tiêu mà Đảng và Chính phủ cũng như ngành đặt ra. Năm 2014 cũng là năm thứ ba liên tiếp NHNN thực hiện đúng cam kết ổn định tỷ giá, mức biến động không quá 2%. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh so với đầu năm 2014. Thị trường vàng trong năm qua cũng giữ kỷ lục về sự bình ổn. Nếu như những năm trước đây, tình trạng đầu cơ làm giá khiến thị trường vàng thường xuyên “nổi sóng” gây bất ổn, tác động tiêu cực đến điều hành chính sách, thì năm 2014, khi mà thị trường vàng thế giới có nhiều biến động, bất ổn thì thị trường vàng Việt Nam vẫn ổn định.

Phía sau của sự thành công

Điều hành chính sách tiền tệ góp phần đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định giá trị đồng tiền. Thực hiện giảm mặt bằng lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Quản lý hiệu quả thị trường vàng, ngoại tệ, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với lộ trình và bước đi phù hợp đạt được mục tiêu ổn định hệ thống. Đó là thành công lớn của NHNN

Việt Nam trong thời gian qua. Thế nhưng, phía sau sự thành công đó là không ít mồ hôi, công sức và cả nước mắt của ngành ngân hàng. Việc chấn chỉnh quản lý thị trường vàng là một ví dụ. Mấy năm trước đây, người dân đã quá quen thuộc với cảnh từng dòng người chen lấn, xô đẩy mua-bán vàng theo trạng thái tâm lý. Mỗi người dân, mỗi gia đình có tiền tích lũy lại mang ra mua vàng về cất trữ, xét trên từng cá nhân thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế thì số tiền tích lũy đó không mang lại giá trị cho xã hội và là nguyên nhân của hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Để giải quyết câu chuyện đó, NHNN Việt Nam đã đứng trước sự lựa chọn, một là để như trước đồng nghĩa với việc buông lỏng thị trường vàng. Hai là đưa thị trường vàng vào khuôn khổ quản lý, nhưng sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt, thậm chí sự hiểu lầm của dư luận vì động chạm đến câu chuyện lợi ích. NHNN Việt Nam đã chọn phương án thứ hai, thực tế năm qua đã kiểm nghiệm phương án đó là đúng đắn.

Việc kiểm soát tỷ giá cũng vậy. Trước kia, trong thời gian dài, thị trường Việt Nam đã từng tồn tại hai tỷ giá (tỷ giá chính thức của ngân hàng và tỷ giá thị trường “chợ đen”). Sau khi nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thể hiện quyết tâm xóa bỏ “thị trường đen” về tỷ giá. Lúc bấy giờ, nhiều người đã hoài nghi về quyết tâm đó của thống đốc. Để đạt được mục tiêu đó, thống đốc đã chỉ đạo hệ thống NHNN đổi mới chính sách quản lý thị trường ngoại hối. Thực tế mấy năm gần đây, tỷ giá đã ổn định, tình trạng đô-la hóa nền kinh tế được hạn chế. Điều quan trọng, người dân và doanh nghiệp đã yên tâm và tin tưởng vào chính sách quản lý ngoại hối của NHNN.

Thời cơ và thách thức

Năm 2015, được xác định là năm có nhiều thời cơ bên cạnh những thách thức mới của ngành ngân hàng. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành ngân hàng năm 2015 là không đơn giản. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015 dưới 5%, trong khi tăng trưởng kinh tế 6,2%; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, nếu có điều kiện giảm tiếp lãi suất... “Nếu so với năm 2014 thì cảm thấy dễ, nhưng qua phân tích chỉ số khoa học thì chỉ tiêu đó cao”-Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định.

Theo nhận định của NHNN, năm 2015 có nhiều cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, kinh tế thế giới được dự báo sẽ khởi sắc hơn, trong khi nước ta đang tiếp tục ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại đối với khu vực và các nước trên thế giới... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít thách thức đan xen, nhất là kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nguy cơ lạm phát vẫn luôn rình rập... Tất cả những khó khăn đó sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ.

Hai trong số những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2015 là tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, thực chất là giảm bớt các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu. Đây là hai vấn đề rất khó bởi lẽ khi thành lập thì dễ, khi giảm đi thì khó do động chạm đến lợi ích. Mặt khác, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tích tụ từ rất nhiều năm trước. Thực tế, sau hơn hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cho thấy, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được bảo đảm; nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý; việc tái cơ cấu được tiến hành đồng bộ, quyết liệt với những giải pháp phù hợp. Trước đây, quan điểm của NHNN là để các ngân hàng tự nguyện, nhưng thời gian tới, sau khi hệ thống ngân hàng ổn định lại, NHNN sẽ thực hiện theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém và các tổ chức tín dụng lớn cùng tham gia vào quá trình này.

ĐỖ PHÚ THỌ