QĐND - Các nguyên thủ luôn phải tạo cho mình những hình ảnh khuôn mẫu để làm chuẩn mực cho quốc gia. Tuy nhiên, trong cuộc sống, dù sao họ vẫn là những con người. Và đương nhiên, họ cũng có những hành động rất con người.

Nguyên thủ ga-lăng (ảnh 1)

Tối 10-11-2014, tại bữa tiệc chiêu đãi các lãnh đạo của APEC ở Bắc Kinh, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã đứng dậy và lấy một chiếc khăn choàng qua người cho bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cử chỉ ga-lăng của người đàn ông quyền lực nhất thế giới năm 2014 đã khiến cư dân mạng và truyền thông thế giới lên “cơn sốt”. Tờ Washington Post của Mỹ đăng bài viết, trong đó bình luận về một Pu-tin, trong vẻ nam tính không cưỡng lại được vẫn chứa đựng sự tinh tế và ngọt ngào. Hãng tin AP thì bình luận: “Đó là một cử chỉ ấm áp trong đêm lạnh”.

 

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Pu-tin cũng từng choàng khăn cho Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken.

Đàn ông đích thực không đánh phụ nữ (ảnh 2)

 

Cầu thủ bóng bầu dục Rây Rai đã chính thức bị Giải bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) treo giò vĩnh viễn. Nguyên nhân là do clip quay cảnh Gia-nai Pan-mơ, vợ cầu thủ này bị chồng đấm vào mặt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet. Ngay lập tức, Nhà Trắng đã ra chỉ trích nặng nề hành động bạo lực này. Theo đó, Tổng thống B.Ô-ba-ma xem trọng quyết định treo giò vĩnh viễn Rây Rai. Trong thông cáo báo chí của Nhà Trắng có đoạn: “Đánh một người phụ nữ không phải là điều mà một người đàn ông thực sự làm”.

Nguyên thủ cũng mê bóng đá (ảnh 3)

Mùa hè năm 2014, sự kiện World Cup tại Bra-xin đã khiến hàng tỷ tín đồ trái bóng tròn mất ăn, mất ngủ. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng không ngoại lệ. Trong đó, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đã sang tận Bra-xin để cổ vũ đội tuyển Đức trong trận đầu ra quân gặp đội Bồ Đào Nha. Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã nhảy cẫng trên khán đài khi chứng kiến đội nhà “đè bẹp” Bồ Đào Nha 4-0. Sau đó, bà còn vào tận phòng thay đồ, chụp ảnh cùng các tuyển thủ.

 

Ngoài Thủ tướng An-giê-la Méc-ken, dịp World Cup 2014 còn rất nhiều nguyên thủ thể hiện tình yêu của mình với bóng đá. Tổng thống Mê-hi-cô En-rích-kê Pê-na Ni-ê-tô đã bật dậy reo mừng trong chiến thắng 3-1 của đội nhà trước Crô-a-ti-a để giành vé vào vòng 1/8. Vua Bỉ Phi-líp-pê vào phòng thay đồ chụp ảnh cùng các tuyển thủ. Tổng thống I-ran Hát-xan Ru-ha-ni đã chia sẻ qua

twitter bức ảnh ông ngồi xem trận đội nhà gặp Ni-giê-ri-a ở vòng bảng. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma hào hứng phân tích khi theo dõi trận đấu giữa đội nhà với Bỉ ở vòng 1/8 tại Nhà Trắng. Tổng thống Cô-lôm-bi-a Hoan Ma-nu-en Xan-tốt tỏ ra phấn khích khi đội tuyển nước này đánh bại Hy Lạp. Vua Hà Lan Uy-lem A-lếch-xan-đơ và Hoàng hậu Ma-xi-ma chào đội tuyển từ trên khán đài danh dự trước trận gặp Ô-xtrây-li-a ở lượt hai vòng bảng. Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê chụp ảnh với hai trụ cột của đội tuyển là Mô-ri-xi-ô Pi-nin-la và Ga-ri Mê-đen khi bà đến thăm đội tuyển ở Bra-xin…

Tổng thống giúp dân nói tiếng Anh (ảnh 4)

Từ một quốc gia nghèo khó, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Để có được thành công ấy, tiếng Anh chiếm một vai trò đáng kể. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Pắc Cưn Hê lên nắm quyền, tiếng Anh ở Hàn Quốc càng phát triển nhanh chóng.

 

Để khuyến khích người dân học tiếng Anh, ngay sau khi trở thành Tổng thống Hàn Quốc, bà Pắc có một bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Anh trong một sự kiện quốc tế. Đây là điều chưa từng có bởi các đời tổng thống trước, tiếng Hàn Quốc luôn được ưu tiên lựa chọn. Với phong thái tự tin khi phát biểu bằng tiếng Anh, trước dân chúng, cùng những chính sách hợp lý trong cải cách giáo dục, Tổng thống Pắc Cưn Hê đã thuận lợi hóa việc học và sử dụng tiếng Anh ở Hàn Quốc chỉ trong một thời gian ngắn.

Thủ tướng xếp hàng mua gà rán (ảnh 5)

 

Là nguyên thủ một quốc gia giàu có nhưng Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long cũng không ngại xếp hàng tới 30 phút để chờ mua gà rán tại khu ẩm thực Rét-hin ở khu trung tâm của Xin-ga-po. Hình ảnh này được một người qua đường chụp lại rồi đăng lên trang facebook cá nhân và lập tức được lan truyền khắp các trang mạng. Người dùng internet hết lời ca ngợi vị thủ tướng, cho rằng ông có tính hòa đồng, thân thiện và lịch sự. Ông Lý Hiển Long sau đó cũng đăng tải bức hình chụp gian hàng gà rán lên facebook, đồng thời khen ngợi tiệm này làm ăn phát đạt và tạo được tiếng vang.

Tổng thống viết thư xin lỗi (ảnh 6)

 

Trong một bài phát biểu tại bang Uyn-côn-xin, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã nói rằng, người lao động có thể làm ra nhiều tiền nhờ vào việc sản xuất và buôn bán lành nghề, hơn là dựa trên một tấm bằng lịch sử mỹ thuật. Tuy sau đó, ông Ô-ba-ma đã có lời “chữa thẹn”: “Tôi yêu lịch sử mỹ thuật”, nhưng bà An Cô-lin Giôn, một giáo sư môn Lịch sử mỹ thuật ở Đại học Tếch-dát, vẫn không hài lòng. Vì thế, bà đã gửi thư điện tử đến trang web của Nhà Trắng để bày tỏ bức xúc về phát ngôn của ông Ô-ba-ma. 12 ngày sau, bà An nhận được lá thư phản hồi do đích thân Tổng thống Mỹ viết. Trong đó có đoạn: “An, cho tôi được xin lỗi về những phát ngôn không chuẩn bị trước. Tôi đang nêu ra quan điểm về thị trường việc làm, chứ không phải về giá trị của lịch sử mỹ thuật. Cho tôi gửi lời xin lỗi đến toàn khoa và xin hãy hiểu rằng, tôi đang cố gắng khuyến khích các bạn trẻ tích cực rèn luyện kỹ năng để sau này có một công việc thành công”.

NGUYỄN VĂN LUÂN (tổng hợp)