QĐND - Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… là một trong rất ít nhà thơ, nhà báo ở nước ta thường được mời ngồi ghế chủ khảo các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Gần đây nhất, anh là Trưởng ban giám khảo (BGK) cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, tổ chức thành công đêm chung kết tại Phú Quốc-Kiên Giang hồi tháng 12-2014 vừa qua.

Tiến sĩ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc với "Hoa hậu nhà mình".

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân về việc vì sao anh lại có được cái “duyên” ấy? Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cho biết:

-Người ngồi “ghế nóng” này lâu nhất phải kể đến nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh. Lần này, tôi và nhà báo, nhà thơ Hữu Việt được mời tham gia BGK gồm 5 người. Có lẽ trước hết là nhờ “duyên báo”, “duyên thơ”. Bởi giữa thơ ca và cái đẹp luôn vương vấn với nhau. Có lẽ sự thẩm định cái đẹp cũng cần đến sự nhạy cảm, tinh tế của thơ và sự tỉnh táo chuẩn mực của báo chí. Chúng tôi là những người “ăn theo” cái “duyên” ấy và sự “ăn theo” ấy của tôi bắt đầu từ năm 2010, khi được mời làm Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Vinpearl Land Nha Trang, với sự tham gia của rất nhiều thí sinh là người Việt Nam đang sinh sống và học tập ở nhiều nước trên thế giới.

- Anh có thể tiết lộ đôi chút chuyện “bếp núc” của BGK các cuộc thi hoa hậu mà anh từng tham gia?

- Mỗi thành viên BGK đều có thể phát hiện những nhân tố mới của cái đẹp ở góc độ này hay góc độ khác, ở thời điểm này hay thời điểm khác. Điều quan trọng là mọi người cùng tôn trọng lắng nghe để cùng thẩm định và hội tụ mọi nhân tố về cái đẹp, từ đó cùng hướng vào những giá trị cốt lõi. Nếu có những quan điểm không đồng nhất với một vài quan điểm khác thì phải soi xét lại, kiểm nghiệm lại, tuyệt đối không cứng nhắc áp đặt hay bảo thủ, bất chấp ý kiến của người khác.

Các thí sinh dự vòng chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2014.

- Có sự cố hay sự việc nào trong khi chấm thi hoa hậu khiến anh ấn tượng mãi?

- Đó là sự cố tại một cuộc thi hoa hậu cách đây 4 năm, khi ban tổ chức (BTC) và BGK phải đưa ra một quyết định khó khăn là tước danh hiệu “Người đẹp Áo dài”, giữa lúc các cuộc thi của vòng chung kết đang diễn ra thì phát hiện thí sinh nhận giải này đã từng phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Khi chúng tôi gọi em lên đối chất, em thừa nhận đã từng “sửa mũi do bị ngã”. Dù là lý do gì thì cũng vi phạm quy chế của cuộc thi. Nhưng thông tin như thế nào đây để hạn chế thấp nhất tổn thương cho em trong trường hợp báo chí sẽ lên án là hành vi gian dối? Em mới 19 tuổi, cú sốc trước dư luận sẽ quật ngã em và không biết chuyện gì sẽ xảy ra… BTC đề nghị tôi trực tiếp gặp báo chí để thông báo quyết định này. Gần 50 nhà báo đang đợi... Sau khi thông báo quyết định của BTC, tôi với tư cách một nhà báo, xin các đồng nghiệp của tôi không làm tổn thương em thêm một lần nữa bởi những lời kết tội nặng nề. Theo tôi, ta không nên dùng cụm từ “tước danh hiệu” mà là “rút lại danh hiệu”. Tôi vừa dứt lời, một tràng vỗ tay hoan nghênh của các nhà báo vang lên. Lòng nhân ái đã gặp nhau và sau đó diễn biến ổn thỏa.

- Thi hoa hậu là một sinh hoạt văn hóa mới có ở nước ta hơn hai mươi năm nay, nhưng “tốc độ” phát triển khá mạnh. Theo anh, đó là điều đáng mừng hay đáng ngại?

- Sự thực thì chỉ có hai cuộc thi mang thương hiệu “cuộc thi hoa hậu” được công nhận và cấp phép; đó là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt. Còn lại chỉ là các cuộc thi người đẹp. Cảm nhận của tôi là chúng ta đang “loạn thi” người đẹp. Nhiều cuộc thi người đẹp này nọ cứ bị nhầm lẫn là thi hoa hậu quốc gia và các loại danh xưng cứ loạn cả lên.

Các cuộc thi người đẹp và ngay cả các cuộc thi hoa hậu, nếu tổ chức tốt, thí sinh tham gia cũng có ý thức tốt thì sẽ tôn vinh cái đẹp tốt; có tác dụng giáo dục, định hướng các giá trị thẩm mỹ tốt. Còn nếu lạm dụng nó thì cái đẹp sẽ bị sai khiến, bị trục lợi và dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội mà nhỡn tiền là những vụ “xì-căng-đan” bôi nhọ cái đẹp chân chính.

- Thông thường thì sau mỗi cuộc thi hoa hậu, dư luận công chúng rất đa chiều và ngày càng “quyết liệt” nhờ sự hỗ trợ của internet. Tất nhiên, chiều phê phán thường nhằm vào BGK. Kinh nghiệm “đối phó” của anh trước hiện tượng này?

- Tôi không nghĩ là phải “đối phó” trước dư luận của công chúng mà là sự chia sẻ thông tin để công chúng hiểu được bản chất các nội dung trong hoạt động của BGK cũng như của BTC cuộc thi. Có chăng là những mong muốn được công chúng chia sẻ, độ lượng với thí sinh trong nhận xét, đánh giá khi chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ các thông tin, để các em không bị tổn thương. Công chúng chấm hoa hậu trong đêm chung kết, đặc biệt trong giờ phút đăng quang, trong so sánh trực diện tương quan nhan sắc các gương mặt trong các tốp. Còn BGK phải trải qua một quá trình chọn lựa rất công phu, tỉ mỉ, soi chiếu nhiều tiêu chuẩn, từ chỉ số nhân trắc học đến khuôn mặt “mộc” trực diện, giọng nói, giao tiếp, ứng xử… để qua đó phát hiện những vẻ đẹp cả về hình thể và trí tuệ, tâm hồn... Những cái đó công chúng không thể nhìn thấy được trên sàn diễn với sự hỗ trợ của công nghệ trang điểm, thời trang, âm thanh, ánh sáng...

- Theo anh, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 có những ưu điểm gì so với các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây?

- Lần đầu tiên BTC áp dụng quy chế thành lập một BGK duy nhất, thay vì hai BGK (sơ khảo và chung khảo) như trước đây. Điều này tạo điều kiện cho BGK theo dõi các thí sinh rất sát từ các vòng thi để đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Một điều thú vị nữa là khi công bố ngôi vị Hoa hậu, hầu hết công chúng phản đối mạnh mẽ quyết định của BGK khi so sánh nhan sắc của hoa hậu và á hậu trong giờ phút đăng quang. Nhưng chỉ sau hai ngày, khi soi xét lại, dư luận lại rất đồng tình với kết luận của BGK và nhận thấy thí sinh Nguyễn Cao Kỳ Duyên hoàn toàn xứng đáng với vương miện được trao.

- Như anh vừa nói: Thi ca và mỹ nhân luôn “vương vấn” với nhau. Đã có bao nhiêu thi phẩm của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc ra đời từ những cuộc thi hoa hậu?

- Tôi có viết một chùm thơ trong thời gian làm giám khảo cuộc thi hoa hậu vừa qua: “Hà Tiên hội tụ”; “Ảo giác”; “Cái giá của hào quang”… Rất mong có dịp được giới thiệu với độc giả của Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, cũng là một cách bày tỏ những quan điểm cá nhân mà tôi vừa trao đổi trên đây.

- Một nhà thơ xứ Huế có bài thơ “Hoa hậu trong nhà” rất hay: “Hôm nay Hoa hậu muộn về/ Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười… (…)… Em thi Hoa hậu một mình/ Âm thầm vương miện, lặng im thơ đề”. Xin hỏi nhỏ: Anh có bài thơ nào cho “Hoa hậu nhà mình” không?

- Có mấy câu “thơ riêng” này, cũng vừa làm trong những ngày chấm thi Hoa hậu vừa qua:

        Ngắm bóng hồng lại nhớ em
Thương người cứ đứng bên thềm đợi anh
       Con tim dẫu có mong manh
Vẫn như trái đã níu cành lên hương...

- Xin cảm ơn anh và chúc mối lương duyên của nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc với các cuộc thi hoa hậu ngày càng tương ngộ, bền chặt!

BÙI ĐỨC THỌ (thực hiện)