QĐND - Có nhiều dịp đi công tác với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tôi thấy ông thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, cả trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Nhiều người dân quen gọi ông là ông Tư, cách gọi thân thiết của người Nam Bộ. Trong những buổi gặp gỡ ấy, ông Tư luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao cho dân tin vào chính quyền, tin vào Đảng. Muốn vậy, phải làm cho dân bớt khổ, bớt phải chịu những trái ngang, bất công trong đời sống. Ông nói, Bác Hồ dặn rồi, cái gì có lợi cho dân cho nước là đúng, không có lợi cho dân, cho nước là sai. Chính quyền có vững được hay không là ở lòng dân.
Mà không chỉ có chính quyền mới cần tựa vào lòng dân. Bản thân ông Tư Sang, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, khi khoảng cách sinh-tử chỉ là một lằn ranh mong manh, đã không ít lần nhờ lòng dân để vượt qua hiểm nguy.
Ông kể rằng, ông đi học, rồi vừa dạy học ở Sài Gòn, Long An và hoạt động hợp pháp hơn 5 năm ở đó. Còn lúc nhỏ ở quê nhà, khoảng 12-13 tuổi cũng đã biết làm liên lạc cho cách mạng, rồi vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. “Tụi tôi sống chung với dân và cả địch, mở cửa nhà đi ra đường là thấy chính quyền và quân đội chế độ cũ và cả lính Mỹ nữa. Lúc nào trong đầu cũng có sẵn kịch bản để nếu bị địch bắt thì nói cho hợp lý. Năm 1954, dân quê tôi đều hy vọng sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, nhưng chẳng thấy đâu, chỉ thấy sau đó địch đàn áp khốc liệt. Tôi đi học, còn thấy cái máy chém kéo lê trên đường để đàn áp tinh thần nhân dân. Gia đình tôi bị địch quy là gia đình cộng sản, đêm bắt cả nhà vác chiếu đi bộ hơn mười cây số ra ngủ ngoài xã, sáng mới cho về. Đêm nào cũng thế. Nhưng chẳng ai sờn lòng. Những năm tháng ấy, lòng dân miền Nam, cả ở quê tôi, phân biệt địch- ta chỉ đơn giản ở chỗ cán bộ cách mạng sao mà đạo đức, nhỏ nhẹ, tình cảm, còn địch thì hống hách, dọa nạt, tàn ác, kéo lê máy chém đi khắp nơi… Sau này, khi đã trở thành cán bộ mới hiểu thêm rằng, trong những năm tháng ấy, có tỉnh có cả hàng ngàn đảng viên, chỉ sau mấy năm địch tàn sát, còn lại chỉ vài mươi người. Nhưng sức mạnh của lòng dân khi ấy nó ghê gớm, như cái lò xo, bị đè nén càng chặt thì khi bung ra càng mạnh. Chính sức mạnh ấy đã làm nên Phong trào Đồng khởi, làm nên những con người như chị Ba Định và rất nhiều con người nổi danh khác nữa. Ở quê tôi, cũng có một số người sau này trở thành Anh hùng. Nếu không có lòng dân như thế thì cách mạng không thể thành công”.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp bà con nuôi nghêu tại ngư trường Long Hòa-Trà Vinh ngày 2-3-2014. Ảnh: GIẢN THANH SƠN. |
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Tư Sang, có một giai đoạn ông bị địch bắt đày đi Biên Hòa rồi ra Phú Quốc gần 3 năm, tới tháng 3-1973 được trao trả theo Hiệp định Pa-ri, ra miền Bắc. Lần đầu tiên, ông Tư Sang tận mắt cảm nhận tình cảm nồng hậu của người dân ở hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Ông nói: “Thật ra, suy nghĩ về hậu phương thì tôi suy nghĩ lâu lắm rồi. Miền Bắc đến với tôi qua Đài Tiếng nói Việt Nam, khi ấy ở miền Nam thường gọi là Đài Hà Nội, và qua cán bộ tập kết ra Bắc trở về, cán bộ bám trụ miền Nam kể chuyện. Qua đó, tôi hình dung ra được miền Bắc thế nào, nghe tiếng Bác Hồ trên đài rồi hình dung ông Hồ Chí Minh là ai mà sao tuyệt vời như thế! Đến khi được ra miền Bắc, tôi ở vùng Sầm Sơn, Thanh Hóa, thấy dân miền Bắc đúng là hết lòng với miền Nam ruột thịt. Cả làng chỉ còn toàn phụ nữ, đàn ông ra trận hết rồi. Phụ nữ đi cày ruộng, thậm chí không có nón đội, mà lúc nào cũng vui, cũng hát. Ăn uống thì kham khổ, lương thực ngon đều để dành gửi ra chiến trường. Vậy mà chẳng thấy buồn, chỉ thấy hừng hực khí thế, tin tưởng vào ngày chiến thắng. Tôi nói với anh em trong đơn vị, thấy lòng dân mình ở hậu phương thế này thì biết là mình chắc chắn sẽ chiến thắng ngoài chiến trường. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác về sức mạnh của lòng dân những ngày ấy, cái quyết định dẫn đến thắng lợi, đến thống nhất non sông sau này”.
Nhưng khi nước nhà đã độc lập, thống nhất thì cũng như bao nhà lãnh đạo khác, ông Tư Sang lại có mối lo khác. Cũng xoay quanh chuyện lòng dân thôi. Đấy là chuyện dân có tin Đảng, tin vào chính quyền trong cuộc chiến chống đói nghèo, đưa đất nước đến giàu mạnh hay không. Ông nhớ lại thời những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước khủng hoảng kinh tế, dân đói, ăn bo bo, thậm chí còn không có đủ bo bo ăn. Nhưng dân phơi phới tin tưởng, dứt khoát rồi đây đất nước sẽ thoát khỏi khó khăn và phát triển. Cuối cùng thì đúng là đất nước đi vào Đổi mới và dần thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu. Cái đó là nhờ ở lòng dân tin Đảng, tin cách mạng.
Rồi bây giờ là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, cũng gay go, quyết liệt như bao cuộc chiến khác. Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc, người dân lại chia sẻ với người lãnh đạo đất nước những mối lo chung.
Ông kể: “Gặp tôi, người ta nói nhiều lắm, có lẽ trong từ điển có từ ngữ gì thì người ta cũng nói hết rồi. Vấn nạn, quốc nạn, nội xâm… Bởi một lẽ đơn giản thế này thôi, của cải là của nhân dân mà ai đó ăn cắp thì ai mà chấp nhận được! Đấy là phi đạo đức. Bức xúc của dân là đúng thôi. Tôi thấy đánh giá của dân rất công bằng. Cả đời người ta tâm huyết với cách mạng, nên người ta mới bức xúc. Thật ra thì công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cũng có kết quả chứ không phải không có kết quả gì, nhưng so với thực trạng thì tình hình còn phức tạp lắm. Nhân dân chưa hài lòng là có lý của lòng dân. Chưa thấy anh nào “hy sinh” trên chiến địa trong cuộc chiến này, chưa thấy anh nào phải vào bệnh viện với lý do tôi chống tham nhũng, chống lãng phí tiêu cực, nên tôi bị bệnh!”.
Trong cuộc đấu tranh này, một lần nữa, ông Tư Sang lại nhìn thấy sức mạnh của lòng dân, vốn đã theo ông trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Ông kể: “Tôi thấy dân rất tin Đảng, tin Bác Hồ. Rất nhiều lần, tôi nhìn dòng người hằng ngày vào thăm Bác Hồ ở Lăng, thấy họ vẫn tin Bác Hồ, tin ở lá cờ đỏ sao vàng. Họ cũng tin ở cội nguồn dân tộc là vua Hùng ở trên Phú Thọ. Cứ khi nào thấy chạnh lòng băn khoăn điều gì, tôi lại nhìn dòng người đi thăm Lăng Bác để thấy vững tin hơn. Rồi thấy trách nhiệm của những người lãnh đạo, trong đó có tôi, phải làm gì để người dân luôn tin vào mình, vào Đảng”.
Ông mỉm cười nói với tôi: “Cứ xem ông Nguyễn Trãi đấy, có làm vua đâu mà dân rất quý trọng. Ông ấy có câu “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, là chân lý muôn thuở, đúng đến muôn đời. Nhưng câu đó không chỉ dành cho dân thường, mà chính là dành cho quan chức, cho các nhà lãnh đạo. Lãnh đạo cấp cao thì càng phải hiểu sâu sắc điều này. Cái tôi sợ nhất là màu xám trong lòng dân. Mất lòng tin của dân là mất hết!”.
Tôi cũng nghĩ như ông. Và tôi tin ông, với cuộc đời mấy mươi năm đi theo và làm cách mạng, đã luôn biết tựa vào lòng dân để vượt qua bao thử thách khốc liệt, giờ đây biết dựa vào lòng dân để có được sức mạnh, tiếp tục công việc của một nhà lãnh đạo trước những thử thách mà đất nước đang phải đối mặt, để đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
YÊN BA