QĐND - Đầu năm 1947, mặt trận Huế vỡ. Giặc Pháp từ trong Nam kéo ra, từ Lào về đánh chiếm ba tỉnh Bình-Trị-Thiên. Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định lập ra trại kinh tế để chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng khoai, trồng lúa để lấy lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh Pháp. Trại kinh tế có tên là Phú Quý, đóng quân trước Chiến khu Thuận Đức (trại Phú Quý là tiền thân của Nông trường Việt Trung sau này). Tỉnh giao cho ông Phan Văn Thoại làm trưởng trại cùng một số anh chị em dân quân du kích lập lán, vỡ hoang; làm chuồng trại nuôi trâu, bò, ngựa, dê, lợn và gà, vịt… Đặc biệt có đàn dê hơn trăm con, trong đó có một chú dê đực được đặt tên là Tai Đen, lông mình màu trắng với hai tai màu đen, rất khôn ngoan.

Minh họa: Lê Hải

Giặc đóng ở thị xã Đồng Hới muốn đi càn phá trại Phú Quý cướp trâu, bò, lúa gạo và đánh sâu vào Chiến khu Thuận Đức thì chúng phải theo một con đường độc đạo lên phía Tây. Biết vậy, ông Thoại luyện cho bầy dê thói quen đi ăn thả rông ven con đường gần thị xã. Mỗi lần Pháp càn lên, bầy dê do chú Tai Đen có đeo mõ ở cổ dẫn đầu nhanh chân chạy về chuồng, báo động cho toàn trại kịp thời sơ tán, đi ẩn nấp và phục kích đánh Pháp.

Mấy lần đánh lên Phú Quý-Thuận Đức giặc đều bị bại lộ, Pháp và Việt gian biết nguyên nhân thất bại, chúng liền đổi kế hoạch đi càn ban đêm, lúc bầy dê đã ngủ. Không có Tai Đen khua mõ động rừng, giặc lẻn vào gần trại, du kích mới báo động thì đã muộn. Giặc đốt trại, bắt trâu, bò, lợn, dê. Tai Đen dẫn đàn dê chạy trốn, bị giặc bắn theo trúng đạn chết. Mặc dầu lúc đó cả chiến khu thiếu đói, nhưng không ai nỡ xẻ thịt Tai Đen. Họ đem Tai Đen đi chôn cất, lập bia mộ đàng hoàng. Trên tấm bia gỗ có mấy dòng chữ hắc ín viết: Mộ Dương Phú Quý (tự Tai Đen). Chú dê trinh sát bảo vệ tiền Chiến khu Thuận Đức đã qua đời và nhân dân biết ơn như thế. Tôi biết thời kháng chiến chống Pháp, có những con voi, con ngựa, con chó được tuyên dương công trạng. Thậm chí, có con voi, con ngựa được đặt tên người. Ông Trần Công Lục, nguyên Giám đốc Nông trường Việt Trung kể cho tôi nghe về cái chết của Tai Đen, giọng trầm ngâm và kết luận: “Thế mới biết dân chẳng quên công lao của bất cứ ai, kể cả công của dê, của chó… Nhưng kẻ nào làm hại dân, thì dân nguyền rủa muôn đời".

Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN