QĐND - Ngày 25 tháng Chạp, Ba Minh (tên thật là Nguyễn Trọng Lượng), Cụm trưởng Cụm điệp báo A26 đang hoạt động ở nội thành Sài Gòn thì được thủ trưởng Phòng Quân báo thuộc Cục Tham mưu-Bộ chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam (gọi tắt là Phòng Quân báo Miền) gọi ra căn cứ để nghe phổ biến một số tình hình và nhận các nhiệm vụ cụ thể mà Cụm điệp báo A26 cần thực hiện trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Tối 29 tháng Chạp, vừa quay trở lại nội thành Sài Gòn, Ba Minh liền khẩn trương tới gặp, truyền đạt mệnh lệnh cho Sáu Vân (tức Đinh Thị Vân, tên thật là Đinh Thị Mậu), Long Thành (tên thật là Đoàn Văn Hạ) và Lê Luận là 3 tổ trưởng điệp báo thuộc quyền. Riêng với cơ sở điệp báo Sáu Đốc (tên thật là Đinh Thế Phiệt) thuộc tổ điệp báo của Sáu Vân thì Ba Minh trực tiếp gặp, giao nhiệm vụ và bàn bạc kỹ lưỡng về cách thức tổ chức thực hiện, duy trì liên lạc bởi Sáu Đốc có một nguồn tin rất quan trọng là Đại tá Trần Đình Thọ, Trưởng phòng 3-Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn (tương đương Cục trưởng Cục Tác chiến trong Quân đội ta).
 |
Tổ trưởng điệp báo Đinh Thị Vân, người trực tiếp xây dựng và chỉ đạo Sáu Đốc (ảnh thẻ căn cước năm 1954). Ảnh: Phúc Ngọc |
Sáu Đốc được Sáu Vân bắc cầu quan hệ, xây dựng thành cơ sở điệp báo vào giữa năm 1955, khi còn là học viên Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Năm 1956, Sáu Đốc đóng quân ở khu vực Ba Lòng-tỉnh Quảng Trị, phụ trách một đại đội nằm trong tiểu đoàn do Trần Đình Thọ chỉ huy, rất được Thọ quý mến và tín nhiệm, một phần vì cùng người gốc Bắc, phần nữa vì Sáu Đốc tính tình cởi mở, phóng khoáng, tác phong xông xáo, gan dạ, cư xử thì luôn chững chạc, đúng mực. Nhưng kể từ khi Sáu Đốc phải giải ngũ vào năm 1959, hai người không còn duy trì liên lạc, Sáu Đốc lâu lâu mới hay tin về Thọ qua một số bạn bè cũ. Tới đầu năm 1965, qua nghe Sáu Đốc (mới chuyển từ vị trí nhân viên Sở thú lâm ở Phan Rang-tỉnh Ninh Thuận vào Sài Gòn, làm nhân viên một ngân hàng rồi làm kế toán viên tại Bộ Công chánh) báo cáo về các mối quan hệ có triển vọng điệp báo, Ba Minh đã chỉ đạo Sáu Đốc tập trung chắp nối, đi sâu quan hệ với Thọ, lúc ấy là trung tá, mới được điều từ vị trí tỉnh trưởng một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ lên làm Trưởng phòng 3-Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn, cả gia đình ở trong khu cư xá Chí Hòa. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự hướng dẫn sâu sát, nhạy bén của Ba Minh, Sáu Vân và sự quyết tâm, khéo léo của Sáu Đốc mà Sáu Đốc đã làm xong việc này, được vợ chồng Thọ quý mến, tin tưởng như thể người nhà, liên tục thu thập được từ Thọ nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, được cấp trên đánh giá cao, tặng thưởng liền hai Huân chương Chiến công giải phóng.
Theo chỉ đạo của Ba Minh, cuối chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, Sáu Đốc đem tới nhà tặng vợ chồng Thọ một chậu cây cảnh rất đẹp. Thọ trầm trồ khen chậu cây, vui vẻ cảm ơn Sáu Đốc và bảo tình hình không có gì bất thường, vợ chồng Thọ dự định buổi tối đi chơi chợ hoa cho khuây khỏa rồi mới về lo cúng Tất niên, đón Giao thừa.
 |
Đại sứ Ca-bốt-lốt trước cảnh đổ nát của trụ sở chiến tranh tâm lý chiến lược Mỹ tại Sài Gòn, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
|
Trưa hôm sau, vợ chồng Sáu Đốc tới chúc Tết. Thọ vẫn ở nhà, vồn vã đón tiếp và cho biết mấy tỉnh Tây Nguyên có chút lộn xộn, chắc là do Việt cộng "khuấy động", các nơi khác thì yên ổn cả, vì vậy mà trừ số phải trực chiến theo quy định còn thì các sĩ quan vẫn được nghỉ Tết như những năm trước.
Sẩm tối Mồng Một, Ba Minh tổng hợp báo cáo của Sáu Đốc và các cơ sở điệp báo khác, báo qua điện đài về Phòng Quân báo Miền là kẻ địch chưa biết gì về việc ta sắp đánh lớn.
Đêm Mồng Một, rạng sáng Mồng Hai Tết, cả Sài Gòn rung chuyển bởi tiếng súng. Khoảng 10 giờ sáng Mồng Hai, Sáu Đốc tới thì chỉ gặp vợ Thọ ở nhà. Vợ Thọ đang rất bồn chồn, lo lắng. Sáu Đốc cũng làm bộ lo lắng, nói Sáu Đốc đánh liều tới là để hỏi Thọ xem tình hình ra sao, nếu cần thì Sáu Đốc sẽ đứng ra lo liệu cho hai gia đình cùng đi lánh nạn. Nghe vậy, vợ Thọ hết sức cảm động, lập cập bảo Sáu Đốc rằng hồi đêm, nghe thấy súng nổ ghê quá, Thọ liền gọi điện vào Bộ Tổng tham mưu thì được biết Việt cộng đang đánh mạnh ở sân bay Tân Sơn Nhất và mấy cổng vào trụ sở Bộ Tổng tham mưu. Thọ lập tức gọi xe tới đón nhưng đi tới ngã tư Bảy Hiền thì phải quay về vì tại đó hai bên đang giao tranh dữ dội. Mờ sáng, Thọ lại đi, sau đó gọi điện về nhà nói rằng đang ở trụ sở Biệt khu thủ đô trên đường Lê Văn Duyệt, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở nhiều nơi, vợ Thọ cần chuẩn bị sẵn sàng để đưa cả nhà chạy khỏi nơi bom đạn. Nghe lời Sáu Đốc, vợ Thọ gọi điện cho Thọ nói là đang có Sáu Đốc tới hỏi có cần đi lánh nạn hay không, nếu cần thì nên đi đâu để Sáu Đốc phụ giúp. Thọ trả lời là cảm ơn Sáu Đốc rất nhiều nhưng mọi người cứ bình tĩnh ở yên đó, chờ Thọ xem tình hình thế nào, đến chiều quyết định cũng chưa muộn.
Rời nhà Thọ, Sáu Đốc không quản ngại nguy hiểm, đi một vòng nắm tình hình ở các khu vực mục tiêu mà Ba Minh đã phân công rồi mới về gặp, báo cáo Ba Minh. Cả hai thống nhất nhận định quân ta đã đánh mạnh trên 4 hướng, vào hàng loạt mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn (sân bay Tân Sơn Nhất, trụ sở Bộ Tổng tham mưu, Dinh tổng thống, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Mỹ…), sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn đã phải chuyển về trụ sở Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô. Tin này được Ba Minh báo ngay về Phòng Quân báo Miền qua điện đài.
Y hẹn, 4 giờ chiều Mồng Hai Tết, Sáu Đốc tới nhà Thọ thì được vợ Thọ cho biết, Thọ vừa gọi điện về nhắn Sáu Đốc cứ yên tâm, hai gia đình chưa phải chạy đi đâu cả, vừa rồi chỉ có đặc công của Việt cộng là lọt được vào Sài Gòn và phần lớn số này đã phải rút lui hoặc bị tiêu diệt. Sáu Đốc lập tức về báo cáo Ba Minh rồi lại đi trinh sát. Qua đó, Sáu Đốc nắm được ở các khu vực Dinh tổng thống, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Mỹ, tiếng súng chỉ còn thưa thớt, lực lượng biệt động quân và cảnh sát dã chiến đang chốt chặt các ngả đường vào.
Trưa Mồng Ba Tết, Sáu Đốc tới nhà Thọ đúng lúc Thọ về ăn cơm. Thấy Sáu Đốc, Thọ mừng rỡ và cảm động ra mặt. Sáu Đốc gợi hỏi thì được Thọ cho biết:
- Việt cộng đã bất ngờ tiến công vào nhiều đô thị lớn, mạnh nhất là ở Huế và Sài Gòn. Chiến thuật của họ là kết hợp lực lượng đặc công đánh ở ngay bên trong với lực lượng chủ lực đánh từ bên ngoài vào. Tại Huế, tới giờ họ vẫn tạm thời làm chủ được tình thế. Tại Sài Gòn, lực lượng đặc công đánh rất quyết liệt một số cơ quan đầu não nhưng may là lực lượng chủ lực của họ không kịp thọc sâu vào ứng chiến. Nếu lực lượng này ứng chiến, tiếp chiến kịp thì chắc chắn Sài Gòn tiêu rồi. Nay, yếu tố bất ngờ không còn nữa, các lực lượng của Việt cộng cũng đã bị ngăn chặn, chia cắt. Ta đã mau chóng điều động nhiều đơn vị thiện chiến của quân lực quốc gia và của cả quân lực Mỹ về Sài Gòn, đã tập trung binh lực, hỏa lực ngăn chặn, không cho lực lượng chủ lực của Việt cộng di chuyển vào Sài Gòn. Cứ đà này thì chỉ 1-2 ngày nữa là lực lượng đặc công của Việt cộng ở Sài Gòn phải rút chạy. Tiếc là phía Mỹ chưa cho không lực tham chiến vì còn phải chờ sự phê chuẩn của Tổng thống Giôn-xơn. Nhưng tình hình sẽ sớm vãn hồi thôi, mọi người cứ yên tâm, chẳng cần di tản.
Sáu Đốc chăm chú nghe Thọ nói và tỏ ý phấn chấn. Khi Thọ nói xong, Sáu Đốc gật gù tán thưởng, vờ ngẫm nghĩ một chút rồi làm bộ lo lắng hỏi:
- Việt cộng vốn ngụy trang, che giấu lực lượng rất tài, thường "dương đông kích tây", "lai vô ảnh, khứ vô tung", liệu tới đây có thể tiến công bất ngờ một lần nữa hay không?
Thọ xua tay, lắc lắc đầu nói:
- Không, không, chẳng cần lo xa như vậy đâu! Hiện Bộ Tổng tham mưu đã nắm rất chắc về tình hình và lực lượng của Việt cộng. Ngoài một sư đoàn đang bị ta chặn đánh quyết liệt ở Hóc Môn, Việt cộng chỉ còn một sư đoàn nữa ở Biên Hòa và một số đơn vị lẻ ở Tân An, Phú Lâm. Nếu họ có thêm một sư đoàn và đánh thọc sâu vào ngã Phú Thọ Hòa thì chắc là ta không đối phó nổi...
Sáu Đốc về báo cáo Ba Minh rồi lại đi trinh sát. Phòng Quân báo Miền tiếp tục nhận được những tin tức quan trọng từ Cụm điệp báo A26.
Tối Mồng Ba Tết, Ba Minh nhận được lệnh tìm đường ra căn cứ báo cáo tình hình. Với câu chuyện ngụy trang là có người thân ở Hóc Môn bị chết, cần về ngay để lo liệu việc tang, Ba Minh đã vượt qua được tình trạng thiết quân luật và nhiều vòng kiểm soát gắt gao của địch, thoát khỏi Sài Gòn vào chiều Mồng 4 Tết, đến tối thì ra tới căn cứ. Làm việc với Ba Minh, thủ trưởng Phòng Quân báo Miền và thủ trưởng Cục Tham mưu đánh giá cao những tin tức mà Sáu Đốc khai thác được từ Trần Đình Thọ. Mồng 6 Tết, Ba Minh có mặt ở Sài Gòn, lại khẩn trương gặp, truyền đạt mệnh lệnh cho Sáu Vân, Long Thành, Lê Luận, Sáu Đốc…
Ngay sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ thu thập tin tức mà Ba Minh và Sáu Đốc được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng.
VŨ SÁNG