QĐND - Trong lúc soạn lại thư từ, giấy tờ của gia đình, tôi vui sướng và cũng rất ngạc nhiên khi tìm được trong những kỷ vật cha tôi (danh họa Nguyễn Phan Chánh-SKNC) giao lại cách đây hơn 30 năm: Một tấm bằng Sơ học yếu lược của tôi từ năm 1934; tấm bằng certificate đề năm 1941, chữ triện còn đỏ chót. Lại thêm một tờ giấy của cụ Phan Võ-Bố chánh Hà Tĩnh chứng nhận tôi đỗ đầu tỉnh Hà Tĩnh khi 15 tuổi… Qua nhiều cuộc tản cư đi sơ tán trong mấy chục năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, những tờ giấy mỏng đã ố vàng nhưng vẫn nguyên vẹn nhắc tôi nhớ lại những ngày thơ ấu và tuổi học sinh với hình ảnh cha tôi còn hiển hiện…

Bức tranh "Người bán gạo" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Trong trí nhớ trẻ thơ, ngày ấy hình ảnh của cha thật đáng kính nhưng lại xa vời. Cha tôi là con trai đầu trong một gia đình nhà Nho truyền thống. Ông nội tôi mất sớm, cha tôi vừa học chữ Nho, chữ Pháp vừa tìm cách kiếm sống giúp gia đình. Mặc dù nặng gánh gia đình, nghề nghiệp ổn định, ông vẫn muốn theo nghề hội họa. Năm 30 tuổi, “tam thập nhi lập”, cha tôi xin thôi chức giáo học ở Trường Tiểu học Đông Ba Huế. Ông là thí sinh duy nhất của Trung Kỳ trúng tuyển vào khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Bức tranh nhập môn của cha là bức tranh đàn cò trắng bay trên cánh đồng lúa.

Năm 1929, cha tôi tham dự cuộc thi tem Đông Dương. Cha tôi vẽ một nông dân quần xắn quá gối, tay trái cầm nắm mạ, tay phải cấy lúa. Trên đồng lúa mới cấy, các cụm mạ xén đều, rải rác trên mặt ruộng lấp xấp nước. Xa xa, phía chân trời, những tia nắng hắt lên. Khung con tem được trang trí bằng mô-típ dân tộc: Hai cạnh đứng có hoa văn đường kỷ hà, gợi nhớ dáng cột nhà Việt Nam. Một đường vòng cung ở cạnh trên như tạo dáng bầu trời. Tem của Nguyễn Phan Chánh giành giải nhất cuộc thi. Con tem đầu tiên do người An Nam vẽ đã xuất hiện trên bì thư năm 1929. Tem đề tên "La Rizière" (Ruộng lúa) nhưng người ta quen gọi tem “Người đi cấy”. Tiền thưởng cuộc thi là 90 đồng Đông Dương. Lúc đó một yến gạo giá chưa đến 3 đồng.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Hồi ấy, cha vẫn đang học ngoài Hà Nội. Một hôm, đang chơi trong nhà, tôi nghe tiếng bà nội gọi:

- Tuệ, thầy mi đã về.

Tôi còn nhớ hình ảnh ông lúc đó: Cặp mắt sáng, nghiêm nghị và giọng nói ấm áp. Tối hôm ấy, trong bữa cơm, cha nói:

- Cả nhà sửa soạn ra Hà Nội. Tôi đã thuê được nhà ngoài đó rồi.

Cuối năm 1930, cha tôi đón cả gia đình ra sống ở Hà Nội. Năm ấy, tôi vừa tròn sáu tuổi.

Hằng ngày, cha đi dạy vẽ ở trường Bưởi. Cha mang từng chồng bài trên tập giấy Croquis (giấy trắng dày, to) về chấm điểm. Cha tôi chấm điểm bằng bút chì xanh đỏ. Đầu tiên, ông viết điểm bằng bút chì đen. Sau khi so sánh các bài, cha mới viết điểm lần cuối bằng bút chì đỏ. Tôi thích nhìn cha vẽ. Bức tranh “Chơi ô ăn quan” bắt đầu từ một buổi chiều thứ bảy ở làng Kim Liên. Tôi thấy cha cặm cụi vẽ bằng bút chì những ký họa các cô gái quê lứa tuổi mười bốn, mười lăm, mặc áo tứ thân ngồi theo nhiều tư thế khác nhau. Thỉnh thoảng, tôi đi theo xem cha vẽ ký họa các cô. Sau đó, về nhà, cha tôi căng lụa, pha màu, vẽ nhiều lần rất mất công. Vẽ xong, rửa tranh, đợi lụa khô, cha lại tô thêm lớp màu nữa. Tôi đứng xem phát chán, bỏ đi chơi. Tôi không nghĩ rằng, bức tranh ấy sẽ đi vào lịch sử hội họa, đánh dấu sự ra đời của tranh lụa hiện đại Việt Nam. Sau khi vẽ bức “Chơi ô ăn quan”, cha tôi đề lên đó bốn câu thơ chữ Hán. Cha tự dịch rồi ngâm cho chúng tôi nghe. Bức tranh được gửi đi dự triển lãm Đấu xảo Thuộc địa ở Pa-ri năm 1931. Tranh “Chơi ô ăn quan” cùng với “Lên đồng”, “Em bé cho chim ăn”, “Rửa rau cầu ao” của một họa sĩ An Nam xa xôi đã làm xôn xao giới họa sĩ Pa-ri.

Một lần vào ngày nghỉ, cha lên phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Ông mua về những tấm lụa Bombay trắng để lên khung tranh. Hai mẹ con đứng nhìn xuýt xoa. Cha xé hai mảnh lụa to cho mẹ con tôi làm khăn san. Mấy chục năm sau, tôi vẫn giữ mãi bức ảnh hai mẹ con quấn chiếc khăn bằng lụa.

Một buổi trưa, tôi đang chơi ngoài sân thì thấy cha từ xe tay bước xuống. Cha đi dạy về trễ hơn thường lệ. Nhìn sắc mặt cha có vẻ bực bội, tôi không dám theo ông vào nhà như mọi khi. Tôi nghe tiếng cha nói gì đó với mẹ, rồi tiếng mẹ thở dài, lại tiếng cha:

- “Bể niêu rồi”, mẹ con đưa nhau về Hà Tĩnh thôi.

Chiều hôm ấy, mẹ kể cho tôi nghe:

- Bức tranh “Hai chị em” bày ở triển lãm đã có người mua. Ông Tổng giám thị người Pháp rất thích bức tranh đó. Ông đòi cha vẽ lại bán cho ông ta. Cha trả lời: “Tôi là họa sĩ chứ không phải là thợ chụp ảnh”. Ngài có thể chọn bất kỳ bức tranh nào trong số tranh chưa bán. Tôi không vẽ lại bức tranh ấy”.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và các con, cháu.

 

Cha bảo mẹ: “Thật khó lòng được tiếp tục dạy ở trường Bưởi”. Cha đưa gia đình về quê rồi trở ra Hà Nội dạy tiếp đến hết năm.

…Chín tuổi, tôi đỗ Sơ học yếu lược, mẹ đẻ thêm em trai. Hôm mẹ sinh, cha vẫn ở Hà Nội. Một mình tôi đưa mẹ đi. Cha ở Hà Nội về. Cha đặt tên em là Oánh, trong chữ Hán cũng mang ý nghĩa “điểm sáng” như các tên Tuệ, Quang, Thiều. Cha thương mẹ có thêm con nhỏ, không người giúp việc vẫn phải bán hàng vải. Cha bảo tôi nghỉ học ở nhà giúp mẹ. Trên chiếc võng ở gian nhà dưới, tôi hát ru em ngủ. Ba đứa em trai tôi rất nghịch ngợm, hiếu động. Một lần cả ba đưa nhau ra bờ sông đá bóng, bị ngã xuống sông. Cha lôi về, bắt cả ba nằm sấp trên giường. Ông bỏ ra ngoài vót một cành liễu. Cha có thói quen không bao giờ đánh con khi nóng giận. Ông vót rất tỉ mỉ, vừa để cho nguôi giận, vừa để khi đánh, các con sẽ không xây xước. Cha đánh để dạy con, không phải để trút giận.

Cha không quên việc học của tôi. Tôi hiểu người luôn day dứt bởi mình bắt con gái nghỉ học. Chiều chiều, dưới giàn hoa thiên lý, cha dạy tôi những đoạn văn hay của nhà văn Pháp Alphonse Daudet. Cha là thầy dạy tiếng Pháp đầu tiên của tôi. Ông mua cho tôi những quyển “sách hồng” (Livres roses). Mỗi buổi tối sáng trăng, cha dạy tôi tập đặt câu bằng tiếng Pháp đến tận khuya. Cha không thích tính sợ ma, sợ bóng tối của tôi. Cha để chiếc ghế ra sau vườn cây rậm rạp. Đến khuya, cha bảo tôi đem ghế vào. Đi qua khu vườn tối om, tôi run lên, trống ngực đập thình thịch. Nhưng tôi không dám cãi lời cha. Dần dần, tôi không còn sợ bóng tối nữa. Cha dạy chúng tôi thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”...

Mùa hè năm 1940, cả thị xã ai cũng biết tôi đỗ đầu tỉnh. Vốn đất hiếu học, lần đầu có con gái đỗ đầu tỉnh, bà con rất tự hào. Gặp mẹ ở chợ, ai cũng chúc mừng. Bà con quen biết mang bưởi, mít sang cho. Cha đi vẽ ở Đức Thọ về rất vui. Nhưng lúc ăn cơm, nghe mẹ bàn chuyện cho tôi tiếp tục ra Hà Nội hay vào Huế học, cha cắt ngang:

- Thôi, con gái học rứa đủ rồi. Cho nó đi học xa, một mình mẹ nó phải trông nom cả ba đứa nhỏ, lại còn đi chợ, làm răng nổi.

Cha vẫn đi vẽ xa nhà. Ông thường đi rất lâu, có khi vài tháng mới về. Một lần đang ngồi sàng gạo, mẹ bảo tôi:

- Cha đi vắng rồi, theo mẹ nghĩ con cứ nên đi Huế thi. Con trai hay con gái, đứa nào học được cứ cho học.

Hơn ba trăm nữ sinh dự thi hầu hết là con quan, con nhà giàu. Trong ba mươi tư người đỗ có tôi, con một họa sĩ nghèo từ miền quê Nghệ Tĩnh xa xôi may mắn được đỗ đầu, nhận học bổng toàn phần. Sau khi tốt nghiệp Đồng Khánh và học tiếp một năm Quốc học, tôi hoạt động trong tổ chức Việt Minh và được đoàn thể cho về Hà Tĩnh tham gia giành chính quyền. Tôi lại được về đoàn tụ với gia đình. Sau Cách mạng Tháng Tám, cha tôi được cử làm Ủy viên Thường vụ Hội Văn hóa Cứu quốc của tỉnh. Cha hăng hái vẽ tranh cổ động, tuyên truyền, tham gia “tuần lễ vàng”...

Cha tôi say mê với hội họa, với tranh lụa nhưng tôi cũng luôn nhìn thấy ở ông hình ảnh một người cha chu đáo, tận tụy với gia đình. Cha yêu kính bà nội, yêu thương mẹ. Dù miệt mài vẽ tranh, đi xa về gần, nhưng lúc nào cha cũng hướng về gia đình!

Nhà văn NGUYỆT TÚ