QĐND - Chuyện thứ nhất: Đàn bà dễ có mấy tay

Nhà soạn kịch tài danh Đoàn Phú Tứ (1910-1989), tác giả bài thơ nổi tiếng "Màu thời gian" (1940), yếu nhân tổ chức ra nhóm “Xuân thu nhã tập” (1942), một lần nhân xem cuốn "Thanh lịch"-một cuốn sách dạy phụ nữ về phép xã giao của nữ sĩ Vân Đài (1903-1964) do Nhà xuất bản Nguyễn Du in năm 1942, đã đùa một vế đối “chết người”: Thanh lịch Vân Đài, thanh lịch kịch. Câu đối đến tai tác giả "Về quê mẹ", bà đã không những không giận ông bạn vong niên, đồng nghiệp, mà còn ứng khẩu một vế đối cũng “ác” không kém gì: Ngã ba Phú Tứ, ngã ba hoa. “Ngã ba” là vở kịch nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ in từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Cách đối đáp của Vân Đài đúng như câu nói của người xưa. Đàn bà dễ có mấy tay!...

Tập thể tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Chuyện thứ hai: Ừ hay hai đứa chẵn đôi quan

Hồi ấy, quân hàm lên được đến cấp thượng tá là “oai” lắm vì cấp ấy phải do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) ký. Thế nên, việc hai nhà văn Vũ Cao và Từ Bích Hoàng được vinh thăng thượng tá, lại thăng vào đúng dịp cả hai nhà văn này đều tròn tuổi 50 (1922-1972) làm cả giới văn bút ở “phố nhà binh" vui. Nhiều người gửi hoa, làm thơ và viết câu đối mừng hai bậc đàn anh. Trong số những câu đối mừng, thú nhất câu của nhà văn Xuân Thiều. Câu đối như sau:

- Mình năm mươi, cậu năm mươi

Ừ nhỉ! Chúng mình tròn trăm tuổi

- Đây cấp tá, đấy cấp tá

Ờ hay! Hai đứa chẵn đôi quan

Đem trăm tuổi, đôi quan vào một câu đối mừng thọ quả là “táo bạo”, ấy thế mà lại rất đắc địa. Nghe nói, sau khi nghe câu này, nhà thơ Vũ Cao đã rất tâm đắc và cười thật lớn!

Chuyện thứ ba: Cao hổ cốt, vũ ba lê

Hằng năm, cứ vào dịp áp Tết là những anh em văn hóa văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc phố L‎ý Nam Đế (Hà Nội) lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít nhưng ngắm nghía thì nhiều. Một năm, nhà thơ Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ áo lính khác vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu, đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cũng là cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi, vừa ngâm nga:

- Cao Kính, Cao Hùng, Cao... hổ cốt

- Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ... Vũ...

Đang bí vần thì một anh bạn đi cùng đế luôn: Vũ... Vũ ba lê. Trần Nhương lấy làm tâm đắc lắm.

Chuyện thứ tư: Cứ năm đồng bạc một tuần

Rất tiếc là quãng trên dưới 20 năm trước đây, trên báo chí miền Bắc xuất hiện rất nhiều cây bút trào phúng, đả kích, nên trong câu chuyện “lưu truyền” này không biết rõ được cụ thể tên nhà thơ nào. Chuyện rằng, trên tờ nhật trình kia tuần nào cũng có thơ của ông. Thơ đả kích của ông đã kịp thời, lại sắc bén, hóm hỉnh, thông minh. Bạn đọc đương thời rất lấy làm hả hê, khoái chí, bạn bè thì không ngớt lời thán phục. Ở quán bia hơi đường Cổ Tân (Hà Nội), chiều nào cũng thấy nhà thơ của chúng ta ngồi nhâm nhi, ít thôi, có hôm chỉ... nửa vại, giá một vại lại có 3 hào! Một bữa cao hứng, ông kéo 4, 5 người bạn thơ đến vui cùng. Có người được bạn mời nhưng lại tỏ ra rất ái ngại vì sợ bạn mình... “cháy túi”. Biết vậy, nhà thơ giơ cao cốc bia và... ứng khẩu luôn:

Cứ năm đồng bạc một tuần

Âm mưu Mỹ-Thiệu vạch trần... uống bia

Chuyện thứ năm: Em tao, của nó, tùy mày

Những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhà văn Phù Thăng-tác giả của những: "Phá vây", "Biển lửa", "Con nuôi trung đoàn"... có một cô em (không rõ là em gái, em họ hay em nuôi) vô cùng xinh đẹp đến thăm. Nhiều nhà văn áo lính ở "phố nhà binh"-phố L‎ý Nam Đế, lúc ấy còn rất trẻ nên ngay từ những ngày đầu đã như bị “bỏ bùa mê”, có tới ba ông đã “trồng cây si” tại trận, trong đó có một nhà văn mạnh dạn đặt vấn đề không phải chỉ xin làm “con nuôi” mà muốn làm “em rể” của tác giả "Con những người du kích". Phù Thăng lấy làm băn khoăn lắm, không biết nên xử sự thế nào. Một bữa, có một người rỉ tai ông bảo “như thế, như thế, như thế”. Ông cười thật hiền tỏ vẻ đồng tình. Hôm sau, nhà văn trẻ nọ áo mũ chỉnh tề lại đến, lại đặt vấn đề xin “sớm” làm "em rể". Phù Thăng đón tiếp nhiệt tình. Gần tàn cuộc tiếp, ông ra một vế đối và bảo nếu đối được thì “gả liền” em gái cho. Đối rằng: Em tao, của nó, tùy mày... Bẵng đi mấy tuần, rồi mấy năm không thấy người xin làm “em rể” trở lại, cũng không thấy có vế đối hồi âm... Người con gái xinh đẹp kia đã đi lấy chồng, còn nhà văn nọ thì ra chiến trường đem theo một kỷ niệm thời trai trẻ vụng về như một hành trang của cuộc đời chiến đấu và cầm bút... Về sau, nhà văn Phù Thăng mới cho hay, người lính trẻ đó là nhà văn Nam Hà-tác giả câu thơ nằm lòng của tuổi trẻ một thời: Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt...

Chuyện thứ sáu: Mừng ông Mai Ngữ, "ghẹo" bác Hải Hồ

Năm 1998, anh em Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức mừng thọ hai nhà văn Mai Ngữ và Hải Hồ lên lão 70. Hoa và quà tất nhiên là nhiều rồi, cả rượu nữa, bởi hai ông đều là những nhà văn đàn anh, thuộc diện “khai quốc công thần” của tạp chí. Trong cuộc vui, nhiều kỷ niệm của một thời viết văn, làm báo gian nan, nghèo túng mà vui đã được nhắc tới, công lao đóng góp của hai “cụ” cũng được lớp hậu sinh kể ra. Như mọi lần tổ chức mừng thọ khác, nhà văn Xuân Thiều, tức “cụ” Tú Hói, thế nào cũng có câu đối-anh em đoán thế. Quả nhiên, khi cuộc họp mặt đã qua phần trịnh trọng, ông mới chậm rãi đứng dậy xin có mấy lời mừng chúc hai ông bạn già. Rồi ông xin phép được đọc tặng hai người đôi câu đối:

- Mai một gì đâu, ý chí kiên Trung nay vẫn Rạng

- Lê la là vậy, sức bền củ Ngọc vẫn còn Lưu

Mọi người nghe xong vỗ tay cười nghiêng ngả. Riêng nhà văn Hải Hồ, bấy lâu nay nổi tiếng là người có tài ứng phó, biến báo, thì mặt cứ đỏ bừng lên. Câu đối của Tú Hói không những đã nói ra được tên thật của hai ông (tên thật của Mai Ngữ là Mai Trung Rạng, tên thật của Hải Hồ là Lê Ngọc Lưu), vẽ ra được cái nết văn chương, nết sinh hoạt của hai ông, mà còn “ghẹo” được riêng ông một cách rất tếu táo, rất “đồ Nghệ”.

Chuyện thứ bảy: Chẳng phải đã ngờ oan

Không biết từ đâu truyền tới tai nhà thơ Thanh Tịnh đôi câu đối rất “tệ” thế này:

- Thanh, thanh, thanh. Thanh toán, thanh giường, thanh thiếu nữ.

- Tịnh, tịnh, tịnh. Tịnh sừng, tịnh gỗ, tịnh nam mô.

Nhà thơ “uất” lắm, điểm mặt “tác giả” của nó thì không ai ngoài mấy “tướng” người nhà dọc Lý Nam Đế. Nhưng cái phố dài có hơn 1000m này có biết bao nhiêu là bậc “đệ tử” toàn cỡ có hạng cả, biết là ai? Đang bí, bất ngờ có người rỉ tai: “Lê Kim đấy, bác trị cho nó một chưởng!”. Nghe xúi, Thanh Tịnh “săn” Lê Kim một cách rất tích cực. Gặp tác giả "Ba thằng một cái chăn bông", Thanh Tịnh dứt khoát sẽ “chơi” cho một đòn. Nhưng chờ mãi không gặp dịp thì một bữa, tác giả "Quê mẹ" đang diễn thuyết về cái sự về hưu với những câu như thành ngữ, tục ngữ kiểu: Tuổi tuy hưu trí, chí không hưu... thì ở dưới bỗng có tiếng đế lên: Đa tình, đa cảm mưu... Thoắt nhìn xuống, biết đích thị là Lê Kim, ông buông một câu: Đúng rứa, đúng rứa!... chẳng thể ngờ oan!

Chuyện thứ tám: Nhạc "cụ" mất nhạc "cô" còn

Mùa đông năm 1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn hòng “cất vó” cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí để bảo toàn được lực lượng. Nhưng sự bảo toàn kia, chủ yếu là nhân lực, tức là người, tính mạng, còn cơ sở vật chất thì có chỗ, có nơi bị địch phá hoại khá nặng nề. Đoàn Quân nhạc Việt Nam là một trong những nơi chịu nhiều thiệt hại. Địch đã đánh vào căn cứ của họ. Tài sản chung, riêng gần như mất sạch, mất cả kèn. Lính kèn mà mất kèn khác nào lính bộ bị mất súng, lính tăng bị mất xe. Buồn lắm! Đang còn trong cảnh tưởng như tay trắng ấy thì nhà văn Nguyễn Công Hoan đến thăm đoàn. Nhà văn hiện thực phê phán lớn nổi tiếng là khôi hài ấy đã động viên anh chị em quân nhạc bằng hai câu thơ ứng tác:

Nhạc “cụ” mất rồi thôi cũng được

Nhạc “cô” còn lại thế là may

Nghe xong câu thơ, tất cả cùng cười rộ lên. Các nhạc “cô”: Huỳnh Thị Hường, Lưu Quý Nhân, Bùi Thị Nhân, Bùi Thị Thái, Bùi Thị Dung ...-những nữ nhạc binh thì đấm nhau thùm thụp và cười đến trào nước mắt.

HOÀNG THỤY LÂM