Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tân Nhân-ca sĩ hát Xa khơi nổi tiếng, thuộc thế hệ những nghệ sĩ-chiến sĩ tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bà tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh-Huế.

NSƯT Tân Nhân thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, bà tham gia đưa tin tức và rải truyền đơn trong phong trào cách mạng của học sinh-sinh viên cố đô. Bị lộ, bà được đưa lên chiến khu ở miền tây Thừa Thiên. Năm 1949, bà tham gia Đoàn Văn công Quân đội, phục vụ ở Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào khi vừa tròn 16 tuổi. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cuối năm 1954, bà được chuyển về Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Với giọng hát nữ cao trữ tình, đậm chất miền Trung, ca sĩ Tân Nhân đã đi vào tâm hồn chiến sĩ và nhân dân với nhiều ca khúc đậm chất dân ca và trữ tình cách mạng, như: Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Tình quê, Ru con (dân ca Nam Bộ), Tình quê hương của Trọng Bằng, Chim Pongkle của Nhật Lai, Bên nôi con mẹ hát của Lê Lôi, Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Nhớ của Lê Yên v.v.. Đặc biệt, với ca khúc Xa khơi được thu âm vào thập niên 1960, đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Tân Nhân, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi dù đã hơn nửa thế kỷ…

Năm 2012, kỷ niệm 5 năm ngày mất của NSƯT Tân Nhân, một ấn phẩm mang tên “Tân Nhân và Xa khơi” do con cháu, bè bạn của bà phối hợp với NXB Lao động phát hành, khiến công chúng hết sức bất ngờ: Thì ra, ca sĩ Tân Nhân từng âm thầm làm thơ và có nhiều bài thơ hay. Chẳng hạn, bài thơ gửi mẹ (tiếng Bình Trị Thiên gọi là mạ) có tên là “Cố hương”, bà viết năm 1970 ở Kioctehgul khi cùng Đoàn Nghệ thuật Việt Nam qua biểu diễn ở Lúc-xem-bua (Bỉ) mà thời học sinh của bà gọi là nước Bảo. Lời thơ giản dị, mộc mạc, nhưng chứa chan cảm xúc, như:

Mạ!

Con được đến một làng miền Nam nước Bảo

Lòng bồi hồi con bỗng nhớ quê mình

Nhìn bắp trổ cờ nhớ cồn bắp trước làng

Cứ những sáng tháng năm con lên chòi giữ quạ

 

Nhìn bát ngát những cánh đồng xanh um thuốc lá

Nhớ mạ trồng đám thuốc lá “côi nam”

Giữa ngày mùa cao ngất những đụn rơm

Vẳng tiếng chim ca giục giã bồn chồn…

Theo nhà văn Châu La Việt (bút danh làm báo là Trương Nguyên Việt), con trai cả của NSƯT Tân Nhân, thì “những bài thơ này của mẹ tôi chỉ để ở sổ tay, chứ không in hay đăng ở đâu, dù với danh tiếng của mẹ tôi những năm tháng ấy, để được đăng hay giới thiệu rộng rãi những bài thơ này không phải là vấn đề khó khăn. Sau này, khi đã lớn tuổi, giã từ sân khấu và vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, mẹ tôi mới gom lại tất cả các bài thơ làm trên những chặng đường kháng chiến, những chặng đường nghệ thuật… từ những cuốn sổ tay ngả màu vàng ố của mình, để chép lại thành một tập thơ mà bà đặt tên là “Nắng và Đời”, có hơn 80 bài…”.

Được biết, trên giá sách của gia đình NSƯT Tân Nhân thời bao cấp có rất nhiều tập thơ, phần lớn là sách của các nhà thơ với những lời đề tặng rất trìu mến và trân trọng. Có cả những tập thơ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Trường Chinh (Sóng Hồng), Lê Đức Thọ, Tố Hữu… cùng nhiều nhà thơ danh tiếng thời ấy, như: Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên cùng là đồng hương Trị Thiên; nhà thơ Xuân Quỳnh-nữ diễn viên múa xinh đẹp cùng Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương… Được tặng thơ không chỉ vì Tân Nhân là ca sĩ nổi tiếng cả tài lẫn sắc, mà còn vì bà là nghệ sĩ ngâm thơ đã thể hiện rất thành công nhiều tác phẩm của các vị ấy trên sân khấu và trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ. Có lẽ, đó cũng là nguyên cớ dẫn Tân Nhân đến với thơ mỗi khi muốn giãi bày nỗi niềm riêng sâu kín…

Có chuyện rằng, sau ngày thống nhất, ca sĩ Tân Nhân về thăm cố hương, gặp lại Hải Bằng-nhà thơ nổi tiếng xứ Huế (tên thật là Văn Tôn), vốn là một đồng chí cùng ở Chiến khu Ba Lòng thuở trước. Ngày ấy, Hải Bằng là chiến sĩ vệ quốc Chi đội Trần Cao Vân (nay là Trung đoàn 101, Sư đoàn 325) chiến đấu ở Trị Thiên, yêu thơ đến nỗi làm thơ cho vào hũ chôn ở chiến khu, hẹn ngày chiến thắng sẽ về đào lên xuất bản. Lần ấy, cố nhân hội ngộ buồn vui, Hải Bằng có thơ tặng Tân Nhân rằng:

Biển động hay là biển vẫn yên?

Nghe trăng rạo rực nước triều lên

Nhìn em trong cõi “Xa khơi” ấy

Cửa Việt buồm căng một dáng thuyền…

Và nghệ sĩ Tân Nhân đã họa lại:

Biển không động, cũng không yên!

Trời nước mênh mông một bóng thuyền

Trăng tròn trăng khuyết đời ấm lạnh

Giữa chốn “Xa khơi” chẳng ngả nghiêng…

Một câu chuyện vui vui, cảm động, nhiều ngụ ý chỉ những người trong cuộc với nhau mới biết, nhưng qua đó công chúng cũng hiểu thêm phẩm chất thi sĩ tài hoa của NSƯT Tân Nhân!

ĐÔNG HÀ