QĐND - Việc xóa đói, giảm nghèo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố thế trận lòng dân, khuyến khích người dân bám đất, giữ làng, để vùng biên thùy luôn bình yên và ngày càng phát triển. Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đang được tích cực triển khai không chỉ giàu tính nhân văn mà còn mang ý nghĩa chiến lược quốc phòng-an ninh nơi biên cương.      

Còn nhiều mảnh đời gian khó

Cái nhà tranh, vách đất tối om và ẩm thấp của vợ chồng Và Mí Vư-Già Thị Giàng thôn Xủa Nhà Lử, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cứ ám ảnh tôi. Nhà họ nghèo nhất thôn. Trong nhà trống huếch trống hoác, không có đèn điện, không thóc, không gạo, không có đồ đạc gì ngoài tấm chăn cũ sờn, một nồi mèn mén (món ăn làm từ bột ngô hấp) và 3 bắp ngô treo trên xà nhà. Hai vợ chồng còn rất trẻ, chồng 20 tuổi, vợ 18 tuổi, đã có với nhau hai mặt con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ còn đỏ hỏn. Nghe chúng tôi hỏi bằng tiếng phổ thông, cả Vư và Giàng đều ngơ ngác, cười trừ, lắc lắc cái đầu rồi quay sang chờ trưởng thôn phiên dịch. Với một gia cảnh như vậy, với trình độ như vậy, làm sao để họ thoát nghèo? Phải chăng, bóng tối và món mèn mén đã phủ trùm cuộc sống của họ, sẽ tiếp tục phủ lên cuộc đời của con cái họ?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trao tặng bò giống giúp người nghèo vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. ảnh: Văn Phong

Vì thế, thật may khi hai vợ chồng Và Mí Vư-Già Thị Giàng được trao tặng một con bò từ chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Được tặng bò nhưng Và Mí Vư loay hoay mãi chưa biết cách dắt về. Con bò đang “tuổi ăn tuổi lớn”, đã khỏe lại còn rất bướng bỉnh, cứ đi theo hướng của nó, dù Vư có gắng sức lôi kéo thế nào, nó cũng mặc. Thế là mấy cán bộ của chương trình lại phải chạy ra vuốt vuốt vào đầu con bò cho nó dịu lại, rồi dạy Vư cách dắt, cách chăm sóc bò. Nhìn cảnh đó, Và Mí Lá-Trưởng thôn Xủa Nhà Lử, cười ngặt nghẽo, nói: “Thằng Vư chưa bao giờ có bò nên nó chưa biết cách dắt đâu”. Là trưởng thôn nhưng Và Mí Lá cũng chỉ mới 21 tuổi. Lá cho biết, cả thôn đều là người dân tộc Mông, có 37 hộ thì có đến 22 hộ nghèo, số còn lại cũng ở ngưỡng nghèo. Mỗi năm, thôn thiếu đói khoảng 2 tháng, lại phải chờ được Nhà nước cấp gạo. Nhà nào có bò thì sẽ thoát nghèo nhanh hơn.

Vợ chồng Và Mí Vư-Già Thị Giàng nằm trong số các hộ nghèo ở 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Bắc Trung Bộ được tặng bò giống trong thời gian vừa qua. Đó là một món quà quý giá, là tài sản giá trị nhất trong nhà họ. Mỗi con bò giống có giá khoảng 15 triệu đồng, vừa là tài sản, vừa là công cụ lao động, vừa có thể sinh sôi, sinh lãi. Bởi thế mà khi được nhận bò, chị Mà Tài Múi, người dân tộc Thanh Y, tại thôn Cao Thắng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã không cầm được nước mắt. Nắm được dây dắt bò mà chị vẫn ngỡ như đang mơ. Nhờ được tặng bò, chị và người nghèo trong thôn đã thắp lên hy vọng thoát nghèo.

Niềm hy vọng từ mùa xuân mới

Trong lần tham gia chuyến trao tặng bò giống tại tỉnh Quảng Ninh, tôi thấy hàng trăm người dân nghèo ngồi chăm chú nghe Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái, chuyên gia về giống gia súc, giới thiệu về cách chăm sóc, ích lợi và cơ hội thoát nghèo nhờ nuôi bò. ông Thái đã từng lặn lội sang Lào suốt thời gian dài để giúp lai tạo giống bò của ấn Độ với bò tại địa phương, kết quả đã ra được một loại bò vừa lớn, vừa có sức chịu đựng dẻo dai. Và cũng nhờ thế, năng suất lao động ở địa phương ấy tăng lên trông thấy, nhiều hộ thoát nghèo. “Bò là gia súc rất đa dụng: Làm sức kéo, làm hàng hóa, nuôi lấy thịt… Bò di chuyển tốt hơn trâu trên địa hình đồi núi, chịu lạnh tốt hơn, ít nhiễm bệnh hơn…”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Thái nói và kết luận, nuôi bò là hướng thoát nghèo rất tốt cho vùng biên giới.

Cách đây gần một năm, tôi đã được nghe Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nói về việc Viettel, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”… “Với cách làm của mình, chỉ trong khoảng hơn 2 năm (giữa năm 2014 đến hết năm 2016-PV), chúng tôi cam kết tạo ra quỹ bò 24.000 con để giúp các hộ nghèo 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Bắc Trung Bộ”-Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Lúc ấy, có lẽ không chỉ tôi mà nhiều người còn nghi ngại về quy mô của chương trình. Bởi, tính tất cả các chương trình trao tặng bò giống giúp người nghèo cho tới thời điểm đó thì mỗi năm, trên địa bàn cả nước chỉ có khoảng 800 con bò giống được trao tặng. Như vậy, với 24.000 con, nghĩa là chỉ trong hơn 2 năm, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” định trao số lượng bò mà chương trình từ thiện khác phải thực hiện trong khoảng 30 năm. Không những thế, một số chương trình tặng bò, thực tế chỉ là cho “mượn” bò để chăn nuôi lấy công làm lãi, bò cái được chuyển giao luân phiên giữa các hộ gia đình, bò đẻ xong lại được đưa đi. Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” tặng hẳn con bò cho người nghèo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất tâm huyết với chương trình này, đã đi nhiều tỉnh để tận tay trao tặng bò. Ngày 15-12-2014, khi trao bò tặng các hộ nghèo thuộc 3 xã: Chí Viễn, Đàm Thủy và Phong Nậm (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh giá, việc trao tặng bò giống giúp hộ nghèo với kinh phí chủ yếu từ phát triển các dịch vụ viễn thông là một sáng kiến tốt, vừa giúp cho người nghèo có “vốn” ban đầu để phát triển kinh tế, vừa giúp phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin ở các tỉnh biên giới.

Dù còn không ít khó khăn phía trước, nhưng với tấm lòng, với quyết tâm của những người làm Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, mùa xuân này có thể sẽ là điểm khởi đầu của cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn với nhiều hộ gia đình nơi biên cương của Tổ quốc.

HỒ QUANG PHƯƠNG