QĐND - Cao Bằng là một trong sáu tỉnh của nước ta có đường biên giới chung với Trung Quốc. Về khoảng cách, tính từ thủ đô Hà Nội thì các vùng Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, Sìn Hồ của Lai Châu là xa nhất, thế nhưng trong tiềm thức của nhiều người, nhất là trước đây, nhắc đến hai chữ Cao Bằng là khơi gợi xa xôi, hẻo lánh, phải chăng là do từ câu ca dao: Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng? Có lẽ đấy là lời căn dặn vợ của người lính thú Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài dưới thời phong kiến, trước khi phải từ biệt cửa nhà, quê hương để đi biền biệt vào nơi xa xăm không hẹn ngày trở lại. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng động từ “trẩy” trong “trẩy hội” với bao niềm vui và sự phấn chấn, thì trong quá khứ, cha ông ta đã dùng từ này không theo nghĩa ấy, mà hình như chỉ chuyến đi dài ngày với hun hút nỗi buồn lo…
Trong cuộc đời làm báo, làm văn, tôi đã có hơn chục chuyến lên Cao Bằng, có thể dùng từ“trẩy” với nghĩa nằm khoảng giữa của nghĩa từ “trẩy” ngày xưa và “trẩy hội” ngày nay. Tôi từng qua đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc theo đường từ Bắc Kạn, hay theo Quốc lộ số 4 từ Lạng Sơn qua Tràng Định, Đông Khê… để tới Cao Bằng. Hầu hết du khách ngày nay từ Hà Nội lên Cao Bằng chỉ qua một trong hai con đường đó. Riêng các nhà văn quân đội trong cuộc chiến tranh biên giới hơn 30 năm trước còn có một con đường khác để đến với Cao Bằng, đó là đường tránh đèo Giàng, đèo Gió, mà qua đèo Cô-li-a đến huyện Nguyên Bình trước khi đến Cao Bằng. Những ngày ấy, dù đi theo đường nào đi nữa, từ Hà Nội đến Cao Bằng cũng phải mất một ngày tròn, từ mờ sáng đến tối mịt mới tới nơi, đó là với điều kiện ô tô không “trở chứng”, nếu không mất cả hai ngày. Những lần đầu đặt chân lên Cao Bằng, tôi thấm thía sự xa xôi và cách trở đèo dốc, nhắc lại lời người lính thú trong ca dao mà lòng thương cảm.
 |
Thác Bản Giốc, một danh thắng nổi tiếng ở Cao Bằng. Ảnh: Minh Huệ.
|
Nhưng rồi khi có thời gian cùng sống với mảnh đất này, trong tôi hiển hiện một Cao Bằng khác hẳn, không chỉ “gạo trắng nước trong” mà non nước hữu tình, thật gần gũi và thân thương, nhất là khi đã được về thăm Pác Bó và khu rừng Trần Hưng Đạo, hai di tích quốc gia đặc biệt. Chúng ta quen gọi về Pác Bó là “về nguồn”. Vâng, nguồn của dân tộc từ mấy nghìn năm là ở Phong Châu-Phú Thọ; còn nguồn của cách mạng hơn 70 năm nay nằm ở Pác Bó-Cao Bằng. Đó là nơi mà mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã về đây-bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng và Bác chọn hang Pác Bó, cạnh đầu nguồn suối Lê-nin (tên do Bác đặt) để tổ chức và lãnh đạo cách mạng. Tôi đã nhiều lần vào hang Pác Bó, nhìn tấm phản dày Bác kê sát nền đá làm giường, nghe tí tách tiếng nước rơi từ thạch nhũ mà lòng cảm thương Bác những ngày tháng ấy. Ngay những ngày hè nắng ráo, lòng hang đã ẩm ướt và lạnh lẽo thì mùa xuân mưa dầm, những đêm ấy Bác ngủ làm sao! Ngày nay, di tích này được tôn tạo thêm nhiều hạng mục, đặc biệt là khu nhà thờ Bác Hồ trên đồi cao, khi nào cũng nghi ngút hương khói của những người hành hương về nguồn, thắp lên với tấm lòng tưởng nhớ và biết ơn. Dòng suối Lê-nin trong biếc không chỉ làm cho cảnh Pác Bó thêm hữu tình, mà là nguồn nước chính tưới mát ruộng lúa và cây trồng cả một vùng rộng lớn.
Khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi cách đây 70 năm, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã thành lập. Ở nước ta hiện nay, nhiều khu rừng bị xóa sổ, riêng hai khu rừng gắn bó mật thiết với quân đội và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn khi xưa, đó là khu rừng Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng và khu rừng Mường Phăng ở Điện Biên, một nơi Quân đội ta ra đời, một nơi chứng kiến một “Điện Biên chấn động địa cầu”, đưa đến việc kết thúc sự can thiệp của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Cao Bằng có nhiều thắng cảnh, với tôi, thác Bản Giốc là thắng cảnh số một. Tôi biết thác Bản Giốc cách đây chừng 60 năm từ những tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh. Phía trước màn nước trắng của thác, những người đàn bà Nùng chiều đi làm nương về, xếp thành hàng một, vai gánh gồng đi trong ánh chiều… Hát Then là làn điệu quen thuộc của cả vùng Việt Bắc, nhưng chưa thấy ở đâu, những cô gái duyên dáng áo chàm đen, tay gảy đàn tính say sưa hát như ở nơi đây, mượn thác nước làm màn và tiếng đàn tính rơi cũng trong veo như tiếng nước nhỏ giọt. Có lẽ huyện Trùng Khánh là địa phương có nhiều thắng cảnh nhất của Cao Bằng. Cách thác Bản Giốc không xa là hang Ngườm Ngao, một hang động tuyệt đẹp, có thể sánh cùng các hang động ở Vịnh Hạ Long, chỉ tiếc rằng ngành du lịch Cao Bằng chưa quảng bá, khai thác được bao nhiêu, để cho nhiều du khách còn khá xa lạ với thắng cảnh này.
Về ẩm thực, du khách đến Cao Bằng không thể quên được đặc sản vịt quay, hạt dẻ Trùng Khánh, rượu Sán Lùng… Ngày nay, người Hà Nội rất mê món này, nhất là khi ăn lẩu gà, có mấy người biết rằng, hàng trăm năm trước, người Cao Bằng đã dùng ngải cứu làm món canh hằng ngày, để cho dưới xuôi Lên đến Cao Bằng không sợ ốm/ Chợ bày ngải cứu bán thay rau! Còn món ăn này thì ngoài Cao Bằng ra, hiện nay không đâu có được: Đó là món ong non rang hoặc xào măng chua, tôi không chỉ ăn mà còn được "nhấm nháp" kỷ niệm tuổi thơ của mình…
Trẩy Cao Bằng! Mấy năm gần đây, đường sá được làm mới hoặc sửa sang, mở rộng, từ Hà Nội lên Cao Bằng thời gian xe chạy đã giảm đi một nửa, chỉ còn lại 6, 7 tiếng đồng hồ. Sáng ăn phở Hà Nội mà trưa đã dùng đặc sản Cao Bằng! Động từ “trẩy” càng ngày càng thoát xa cái nghĩa mà người lính thú ngày xưa đã dùng, để xích gần động từ “trẩy hội”. Dân Cao Bằng phóng khoáng và mến khách, nhất là khách miền xuôi lên thăm, họ “mời quả cả cây, mời rượu cả chum”, họ bảo rằng, đã uống đừng sợ say, có say đã có đệm dày mời ngủ, lên Cao Bằng là bằng rồi, là hết dốc, “đèo Giàng, đèo Gió đã lùi xa”, không còn gì đáng lo nữa!
Trẩy Cao Bằng là về cội nguồn của cách mạng, về thăm cái nôi của Quân đội ta và được chiêm ngưỡng bao danh lam thắng cảnh của một vùng biên cương phía Bắc sông núi hữu tình.
DƯƠNG NGUYÊN