QĐND - “Tết Kỷ Mùi 1979, sau nhiều năm xa nhà, tôi được nghỉ phép về quê ăn Tết, nhưng khi nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, tôi liền vội vã khoác ba lô về đơn vị”, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Nhớ lại 10 năm cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên đất bạn Cam-pu-chia, vị tướng biên phòng cười vui mà nước mắt lăn dài…
 |
Ông Nguyễn Kim Khanh (thứ hai, từ phải sang) tại Sở chỉ huy Trung đoàn 14 (Mặt trận biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan), năm 1984. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Dịp Tết năm ấy, ông Khanh và người anh trai đang đạp xe từ xã Lô Giang (huyện Đông Hưng) xuống thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chơi, lúc ghé vào quán nước bên đường, ông chợt sững người khi nghe đài thông báo chiến tranh đã diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc. “Tôi bàng hoàng như không tin vào tai mình, vậy là cả hai đầu đất nước đang có chiến tranh, tôi liền bảo với anh trai: Về thôi anh, đất nước có chiến tranh, quân nhân ở bất kỳ đâu cũng phải có mặt ở đơn vị”, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh nhớ lại.
Đêm ấy, ông Khanh sang ga Nam Định, tìm cách lên tàu Bắc-Nam để tới đơn vị (Trường Sĩ quan Biên phòng II, đóng tại Rạch Dừa, Vũng Tàu). Đến đơn vị, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kim Khanh được cấp trên điều sang Trung đoàn 14 (Bộ tư lệnh Công an vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng) phối thuộc với các đơn vị của Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ giúp bạn Cam-pu-chia. “Hồi đó, chúng tôi vừa phải chống chọi với sốt rét, vừa phải khắc phục khó khăn về lương thực. Khi gạo chở từ Đồng bằng sông Cửu Long đến biên giới, chúng tôi cũng không kịp làm kho, chỉ cưa cây làm sàn, kê cao khoảng 50cm, xếp gạo lên, rồi lấy ni-lông phủ lại. Gặp trời mưa, gạo mục dần, đến bữa đem vo thì những hạt mốc cứ nổi lều bều, cơm nấu lên sực toàn mùi mốc, chẳng hạt nào dính với nhau”.
Ăn gạo mục nhiều, ai nấy đều mắc bệnh phù thũng do thiếu vi-ta-min. Một lần, cấp trên đã cho máy bay chở thuốc B1 dạng bột vào cấp cho Trung đoàn 14. Nhà bếp lấy thuốc trộn với gạo để nấu cơm. Làm vậy, cơm rất đắng nhưng ai cũng cố nuốt để khỏi bị phù. Thiếu rau, họ thay nhau vào rừng kiếm. Do từng có nhiều năm chiến đấu ở các cánh rừng phía Nam nên ông Khanh biết khá nhiều loại rau, ông tỉ mẩn “biên soạn” thành các mục từ cho dễ nhớ. Chẳng hạn, vần B thì có bay (rau tàu bay), bướm (lá bướm nấu canh), bép (lá bép, có nơi gọi là cây mì chính, nấu canh rất ngọt), bứa (lá bứa nấu canh chua); vần M thì có măng, mài (củ mài), mì (củ sắn), môn (môn thục)... Các loại rau được ông Khanh lấy mẫu về và phổ biến cho các đại đội. Để cải thiện, anh em chiến sĩ quê Nam Bộ quen sông nước thường cắm câu, giăng lưới đánh bắt cá ở các con suối.
Ở Trung đoàn 14, các vật nuôi như: Chó, gà, lợn… cũng được cánh lính đơn vị chăn thả, nhưng vì thời tiết khắc nghiệt nên chó không thể sinh sản, lợn thì phải mắc màn để tránh muỗi, phòng bệnh sốt rét. Nhằm tránh địch phát hiện, những chú gà trống được đeo vào cổ một chiếc vòng sắt uốn từ dây thép gai để chúng không thể ngóc đầu lên gáy...
Nói tới chuyện mặc, ông Khanh bảo rằng, ngày ấy, quân phục do được làm từ vải tái sinh cộng với khí hậu ẩm ướt nên rất dễ bị rách. Chỉ vài lần vào rừng truy quét địch là một chiếc quần của bộ đội bị rách tướp đầu gối, đi vận tải vài ngày là một chiếc áo bị rách lưng, trong khi theo tiêu chuẩn hằng năm, mỗi người chỉ được cấp hai bộ. Vì vậy, anh em phải khắc phục bằng cách… xoay áo từ phía trước ra phía sau để mặc tạm, quần thì xoay từ sau ra trước để đầu gối khỏi bị xây xát.
Một hôm, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kim Khanh xuống kiểm tra Đại đội 6 và được mời cơm. Ăn xong, anh em quây quần bên nhau uống nước và hút thuốc lào. Mọi người hút thật ngon lành từ chiếc điếu làm bằng ống nứa, mỗi lần hút, ống kêu ùng ục. Ăn cơm với canh môn thục, lại nghe tiếng điếu cày kêu ùng ục, ông Khanh liền bảo anh em: “Cái vần “ục” này hay đấy. Bây giờ, chúng ta cùng làm thơ con cóc với vần “ục” nhé!”. Dứt lời, ông Khanh đọc: “Canh môn thục/ Hút ùng ục”. Thế là mỗi người thêm vào một ý: “Ăn cơm gạo mục/ Chấm với muối cục/ Chan canh môn thục/ Bụng sôi ùng ục/ Truy quét liên tục/ Không đi trên giục/ Qua suối nước đục/ Hay bị Miên phục”…
Trong lúc anh em gieo vần, ông Khanh chợt nhận ra ở ngay nơi đơn vị mình đóng quân, nếu muốn trở lại tuyến sau, nhất thiết phải qua một con suối. Con suối này rất lạ, dù mưa hay nắng thì nó vẫn chảy làm hai dòng, một bên trong và một bên đục. Ông liền nảy ra 4 câu: “Chan bát canh môn thục/ Cơm bay mùi gạo mục/ Giữa đôi dòng trong đục/ Chọn đường vinh hay nhục”.
Ít ngày sau, bài đồng dao vần “ục” do chiến sĩ đơn vị “sáng tác” đã lan ra khắp Trung đoàn 14 và được anh em nghêu ngao hát để động viên nhau vượt qua gian khổ, rèn luyện ý chí trong những năm công tác ở vùng biên nước bạn.
BÙI VŨ MINH