QĐND - Trong lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại, từ thập niên 1960 đã nổi tiếng hai “bộ tứ” huyền thoại. Đó là: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) và “nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái). Ngoài ra, còn hai họa sĩ “có hạng” nhưng không đứng trong “bộ tứ” nào là Lê Phổ và Nguyễn Phan Chánh. Mỗi họa sĩ mang một tài năng riêng, một phương thức thể hiện riêng, nhưng có một hình ảnh được phần lớn các họa sĩ này thể hiện. Đó là chiếc áo dài dân tộc.
“Thiếu nữ bên hoa huệ”-một trong những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của danh họa Tô Ngọc Vân-có lẽ cũng là bức vẽ người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài nổi tiếng nhất Việt Nam. Kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh mô tả hình ảnh một thiếu nữ đài các mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu mơ mộng về phía lọ hoa huệ trắng. “Thiếu nữ bên hoa huệ” có bố cục chặt chẽ đến hoàn hảo, thể hiện đầy đủ các xúc cảm. Kiệt tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân nổi tiếng đến mức, ở Việt Nam, dù nhiều người không mấy quan tâm đến hội họa cũng biết đến bức tranh, bởi “Thiếu nữ bên hoa huệ” là một trong số những tác phẩm bị sao chép nhiều nhất trên mọi chất liệu, kích thước.
 |
Bức tranh “Tuyết Mai” của họa sĩ Dương Bích Liên
|
Ngoài “Thiếu nữ bên hoa huệ”, danh họa Tô Ngọc Vân còn để lại nhiều kiệt tác mà trong đó, luôn hiện hữu những tà áo dài, như: “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thiếu nữ”, “Hai thiếu nữ”, “Bốn thiếu nữ”, “Buổi trưa”, “Thiếu nữ bên tranh tố nữ”, “Hai thiếu nữ và em bé”…
Trong số những danh họa hàng đầu Việt Nam, họa sĩ thành công nhất với đề tài phụ nữ là Dương Bích Liên. Sự thành công ấy được cả giới mộ điệu với câu: “Phố Phái, gái Liên”. Trong kho tàng hội họa của mình, họa sĩ Dương Bích Liên để lại rất nhiều tranh về đề tài chân dung thiếu nữ trong chiếc áo dài, như: “Mùa thu thiếu nữ”, “Tuyết Mai”, “Thiếu nữ”, “Thiếu phụ”…
Là một họa sĩ say mê với đề tài phụ nữ, thế nhưng, Dương Bích Liên lại được coi là một người cô đơn “toàn diện”. Dường như ông không có bất cứ một ham muốn nào ngoài ham muốn sáng tạo: Không vợ con, không say sưa vật chất, không tiền gửi tiết kiệm, không địa vị chính quyền, chưa một lần ra nước ngoài hoặc triển lãm riêng trong nước. Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên giữa chốn phồn hoa, nhưng Dương Bích Liên chọn một cuộc sống ẩn dật, xa lạ với những nơi tụ họp, những lễ nghi gặp mặt. Chính ông cũng thừa nhận: “Cô đơn là số phận của đời tôi”.
Trong gia tài của danh họa Trần Văn Cẩn, đề tài phụ nữ trong trang phục áo dài cũng chiếm một vị trí quan trọng. Đó là: “Thiếu nữ áo vàng”, “Em Khánh”, “Mùa đông sắp đến”, “Hai thiếu nữ trước bình phong”… Về đề tài phụ nữ, những bức họa này tuy không nổi tiếng như bức “Em Thúy” nhưng đã góp phần khắc họa chân dung danh họa Trần Văn Cẩn-một nghệ sĩ cách mạng lãng mạn.
Trong lịch sử hội họa Việt Nam, Nguyễn Tường Lân được coi là một người bí ẩn. Ông mất khá sớm, khi mới 40 tuổi (năm 1946), nên những tài liệu nói về Nguyễn Tường Lân rất ít. Ngay cả những tác phẩm của ông còn lại đến ngày nay cũng chỉ một số ít đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Và cũng như những danh họa lứa đầu tiên của nền hội họa Việt Nam, đề tài người phụ nữ trong chiếc áo dài dân tộc chiếm một vị trí đáng kể trong tranh của Nguyễn Tường Lân. Trong số đó, bức họa “Hiện vẻ hoa” nổi tiếng nhất. Năm 1935, tờ Ngày nay từng bình phẩm: “Trong bức họa “Hiện vẻ hoa”, cô con gái mặc áo dài ngồi yên lặng dưới rèm cửa vừa cuốn của Nguyễn Tường Lân, người ta nghĩ đến những mỹ nhân, nét bút linh diệu, nhẹ nhàng của họa sĩ Tàu và Nhật Bản. “Trên đường Bắc Kạn” cũng là một bức họa đẹp, nét vẽ giản dị, màu không nhiều. Ông Lân năm nay đã tỏ ra là một họa sĩ có bản năng, các hình màu đã rõ rệt, không còn mịt mù như trước nữa”.
Cùng Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Tường Lân, các danh họa những thế hệ đầu của nền hội họa Việt Nam đều ít nhiều đưa hình ảnh người phụ nữ trong trang phục áo dài vào tác phẩm của mình. Đó là sự kết hợp hoàn mỹ giữa mỹ thuật châu Âu và nền nghệ thuật dân tộc lâu đời với hàng ngàn năm văn hiến.
NGUYỄN TRỌNG CHI