QĐND - Danh xưng “Anh Bộ đội Cụ Hồ” là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu, gắn bó như một thuộc tính, một phẩm chất vẻ vang của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng. Đặt câu hỏi rằng danh xưng ấy đã có tự bao giờ và ai là người đầu tiên nêu ra ý tưởng cao quý đó, thật là khó. Còn lần đầu tiên được ghi chép thành văn vào lúc nào thì để các nhà thư tịch học sẽ lần tìm trong sách vở của các kho lưu trữ. Song, có điều chắc chắn được thể hiện ngay trong ngữ nghĩa thì danh xưng này gắn với lực lượng vũ trang (bộ đội) của Cụ Hồ. Chẳng mấy ai dùng danh xưng “Bộ đội Bác Hồ” hay “Bộ đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, điều đó giúp ta định vị được cái thời điểm hình thành lực lượng được vinh danh là “Bộ đội Cụ Hồ”, cũng là lúc ra đời của QĐND Việt Nam gắn với thời kỳ vận động của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chiến dấu viên Lữ đoàn 429 (Binh chủng Đặc công) thực hành vượt vật cản. Ảnh Nguyễn Xuân.

Cho dù trước khi lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị và giao cho người học trò của mình là Võ Nguyên Giáp tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được đánh dấu bằng cái mốc lịch sử của lễ thành lập diễn ra tại Khu rừng Trần Hưng Đạo vào ngày 22-12-1944, thì đã hình thành một số lực lượng vũ trang cách mạng như Đội du kích Ba Tơ ở Quảng Ngãi, hay các đội Du kích Bắc Sơn trên Chiến khu Việt Bắc... mà về sau này cũng hội tụ thành một lực lượng vũ trang thống nhất.

Cụ Hồ là cách gọi hay xưng hô mang đậm chất dân gian của người dân đối với vị lãnh tụ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, sau khi thành công đã trở thành nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam mới giành lại được độc lập vào mùa thu năm 1945. Cách gọi ấy theo thời gian tuy có được thay đổi để trở nên phổ biến hơn bằng cách trân trọng nhắc đến chức danh của nguyên thủ (Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh), hay bằng ngôi thứ thân mật như trong một gia đình, họ tộc là “Bác Hồ”, thì cách gọi “Cụ Hồ” cũng ghi dấu một thời kỳ mà đội quân ấy mới sinh thành và còn rất non trẻ.

Tuổi trẻ Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ảnh: Xuân Cường.

Trong pho sử trường kỳ dựng nước và giữ nước, người xưa từng nhắc đến những đạo nghĩa binh hay nghĩa quân của các cuộc nổi dậy tụ nghĩa chống xâm lăng hay chống áp bức như nghĩa quân Lam Sơn, nghĩa quân Tây Sơn... Nhưng khi việc nghĩa đã thành thì các đạo quân ấy chỉ còn là những lực lượng vũ trang bảo vệ ngai vàng và triều đại. Khi có giặc ngoại xâm, nếu đất nước có minh chủ thì nó là đạo quân vệ quốc, như thời Trần đánh giặc Nguyên Mông, còn như gặp vận nước suy thì nó mất sức chiến đấu, như đội quân của triều Nguyễn thời thực dân xâm lược...

Lực lượng vũ trang cách mạng của chúng ta ban đầu cũng tựa như những đạo nghĩa binh với hình tượng “nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng” của những chiến sĩ từ “Khởi nghĩa Nam Kỳ” đến “Nam Bộ kháng chiến”, hay như các đội du kích ở Ba Tơ, Bắc Sơn hay Chiến khu Trần Hưng Đạo miền Đông Bắc.

Nhưng ai cũng biết tiền thân trực tiếp của QĐND Việt Nam được ra đời từ chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và nét khác biệt, cũng là quan trọng nhất của đội quân này, thể hiện trong tên gọi được viết thành chỉ thị là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, với lời giải thích “nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”, là nòng cốt của cuộc chiến tranh nhân dân tiến hành trên cả nước, “tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Thực tiễn sự trưởng thành của đạo quân này đã minh chứng cho cách nhìn nhận tựa như lời tiên đoán đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về đạo quân này đã diễn đạt một cách giản dị nhưng vô cùng chính xác: “Từ nhân dân mà ra”. Sức mạnh khởi nguồn của nó chính là vũ khí tinh thần của lòng yêu nước và niềm tin vào mục tiêu của sự nghiệp chính nghĩa mà vì nó buộc con người ta phải cầm súng.

Trong những ngày đầu ra quân, đạo quân này mang vẻ đẹp không chỉ của những người nông dân hay thợ thuyền cầm súng mà có thể nói của toàn dân. Biết bao người trai trẻ thuộc tầng lớp trên, những trí thức được đào tạo trong nền giáo dục của chế độ cũ cũng tham gia đội ngũ. Có rất nhiều điều cần được ghi chép lại trong pho sử vô cùng phong phú của đạo quân này.

Từ Chiến khu Việt Bắc tiến về thủ đô Hà Nội, nơi nhân dân vừa mới giành được chính quyền, những chiến sĩ từ miền sơn cước được trang bị đủ loại vũ khí thô sơ được yêu cầu dừng lại ở bên kia cầu Long Biên, để chờ những bộ quân phục do những người dân khá giả ở những phố nhà giàu của Hà Nội tự nguyện bỏ tiền may sắm, rồi chuyển tới để lực lượng vũ trang tượng trưng cho một quân đội quốc gia tươm tất trong bộ đồng phục của dân ra mắt toàn dân. Một cuộc quyên góp được mang tên “Tuần lễ vàng” nhằm gây Quỹ Độc lập để trang bị cho quân đội quốc gia tiềm lực đủ sức gìn giữ độc lập quốc gia. Một buổi lễ trọng thể giỗ Đức Thánh Trần tổ chức trước Nhà hát Lớn Hà Nội với lời hô hào dân chúng không được mang vàng mã, chỉ mang đồ lễ là những gì thiết thực để cứu đói cho dân và bồi dưỡng cho quân, mà chỉ trong một ngày, có tới 5 tấn sản vật được dâng lên ban thờ của vị Anh hùng dân tộc đã hiển thánh.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc từ mảnh đất Thủ đô, Cụ Hồ hỏi các vị chỉ huy quân sự, liệu có thể giữ được thành phố hai tuần để có thời gian cho các cơ quan lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc rút lên chiến khu để xây dựng lực lượng trường kỳ kháng chiến? Mọi người tỏ rõ “quyết tâm” giữ được gấp đôi con số hai tuần. Cụ Hồ nhắc nhở rằng quyết tâm chưa đủ, phải "tín tâm" thì mới đồng tâm tạo nên sức mạnh trong hành động. Chính nhờ có “tín tâm”, tức là có một niềm tin đanh thép vào chiến thắng mà thủ đô Hà Nội, gồm những lực lượng nòng cốt tiền thân cho các lực lượng chính quy và tinh nhuệ nhất của QĐND Việt Nam, đã làm nên kỳ tích “60 ngày đêm” kìm chân giặc tại Mặt trận Hà Nội, tức là gấp bốn lần thời gian được nêu trong câu hỏi của Cụ Hồ v.v..

Tựa như đời sống của một con người, đó là gốc gác và cái thuở hàn vi luôn để lại những dấu ấn quyết định cho bước đường trưởng thành lâu dài của một con người, ý niệm về “Anh Bộ đội Cụ Hồ” cũng gắn với cái thuở ban đầu đầy sương gió, “nằm gai nếm mật nhưng lạc quan của một đạo nghĩa quân dấn thân vào con đường cứu nước.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người Anh Cả của QĐND Việt Nam-có lần nói với tôi một cách nhìn nhận về danh xưng “Anh Bộ đội Cụ Hồ” bằng hai yếu tố: Được dân nuôi dưỡng và Cụ Hồ dạy dỗ. Dân nuôi thì công sức thật mênh mông khó tả. Còn điều cao cả nhất mà Cụ Hồ dạy dỗ là “Trung với Nước-Hiếu với Dân”, 6 chữ vàng thêu trên lá cờ đỏ danh dự tặng cho lớp đào tạo sĩ quan đầu tiên của quân đội quốc gia mang tên một tấm gương sáng láng trong sự nghiệp giữ nước của tiền nhân: “Trần Quốc Tuấn”...

Trong những năm tháng đầy thử thách này, QĐND Việt Nam đã trưởng thành sau bảy mươi năm tôi luyện. Nhìn những chiếc máy bay SU30 vun vút trên trời cao, những chiếc tàu ngầm lớp Kilo rẽ sóng trên biển cả hay những giàn tên lửa S300 hiện đại vươn mình canh giữ bầu trời và bờ biển..., ta thêm vững tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhưng niềm tin vững chãi hơn lại chính là hình ảnh những chiến sĩ Cảnh sát biển kiên cường và bình tĩnh đấu tranh với những hành động lấn chiếm Biển Đông, những chiến sĩ Công binh tinh thông nghiệp vụ trong nỗ lực cứu hộ những đồng bào gặp nạn trong vụ sập hầm tại công trình thủy điện... Niềm tin vững chắc hơn chính vì ta vẫn thấy những “Anh Bộ đội Cụ Hồ” hiển hiện ở thế kỷ 21.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC