QĐND - Sau ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), trên Đường 19, địch còn chiếm giữ từ đồn Tầm vào phía Thanh An, còn lại là vùng giải phóng rộng lớn ở phía Tây do ta kiểm soát. Để chủ động đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, cấp trên bố trí lại vị trí các đơn vị. Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7mm (Sư đoàn 320) chúng tôi được về đứng chân ở khu vực làng Tre, cách cao điểm 426-điểm trao trả tù binh giữa ta và địch 4km về phía Bắc (ngày nay thuộc xã Ia Krel, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Đại đội 1 của tôi ở trong một khu rừng rậm rạp, có suối nước chảy quanh năm rất thuận lợi cho việc trú quân. Đây là hậu cứ để sau mỗi đợt chiến đấu, đơn vị lại về đây học tập, huấn luyện và tăng gia cải thiện đời sống. Mới hai mùa rẫy, vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, tiểu đoàn đã có số thóc dự trữ gần 50 tấn, còn ở các đại đội thì đậu, lạc, lợn, gà cũng kha khá. Vì thế, đơn vị ăn Tết khá thịnh soạn, có bánh chưng, giò mỡ, thịt gà, giá đỗ… đều là những thứ tự làm ra. Từ ngày vào chiến trường Tây Nguyên đến nay, đây là cái Tết đầy đủ nhất của chúng tôi.

Tác giả (đứng giữa) cùng đồng đội thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm ở thị xã Ayun Pa (Gia Lai). Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày 5-1-1975, chúng tôi rời hậu cứ hành quân về phía Nam. Đường hành quân xuyên qua những cánh rừng đại ngàn, có đoạn đi theo đường mòn Hồ Chí Minh. Trên đường hành quân, chúng tôi gặp những đoàn xe chạy giữa ban ngày cuốn bụi mù mịt chở lương thực, vũ khí và bộ đội vào phía trong, mỗi chúng tôi rộn lên một niềm tin chiến thắng. Sau gần một tuần liên tục ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi đã đến vị trí tập kết. Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh đi làm đường. Hành quân vượt hàng trăm cây số, tưởng đi tham gia đánh lớn, nào ngờ về đây để làm đường. Ai cũng buồn, nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ. Khu vực làm đường chủ yếu là rừng nguyên sinh, có cây gỗ to tới hai, ba vòng tay người ôm không hết. Ở đây rất nhiều thú rừng, nhiều nhất là bò, nai, thỏ, hoẵng. Có lần trên đường đi, chúng tôi gặp đàn bò rừng mấy chục con chạy ào ào trước mặt. Đơn vị tổ chức từng trung đội mở từng đoạn đường đã được công binh xác định. Chỗ bằng thì dọn cây, san lấp ổ mối. Cũng có chỗ phải xẻ núi, san đồi, xếp đá làm ngầm qua suối. Con đường chúng tôi mở mỗi ngày một dài, đường nọ nối với đường kia, có chỗ vươn ra sát Đường 14. Chúng tôi đâu có ngờ mình được tham gia xây dựng "trận đồ bát quái" xuyên rừng rậm, bảo đảm cho xe tăng, pháo binh ta bí mật, bất ngờ tiến công thắng lợi vào thị xã Buôn Ma Thuột sau này.

Tết Nguyên đán Ất Mão 1975 đến, chúng tôi được cấp trên tổ chức cho ăn Tết. Mỗi người được một chiếc bánh chưng, ba lạng thịt. Bác Tôn gửi tặng mỗi chiến sĩ ngoài mặt trận một bao thuốc lá Điện Biên, hai chiếc kẹo Hải Hà. Chúng tôi đón Giao thừa ở từng tiểu đội với tiếng suối reo và những câu chuyện tâm tình về gia đình, quê hương của mỗi người. Chỉ huy tiểu đoàn, đại đội thay nhau đến từng tiểu đội chúc Tết, vui Xuân cùng chúng tôi, không khí thật đầm ấm, vui vẻ và tin tưởng.

Sau Tết, chúng tôi tiếp tục huấn luyện bổ sung cho đến chiều 16 Tết, tức ngày 26-2-1975, thì làm lễ xuất quân. Đại đội tôi phối thuộc với Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 làm nhiệm vụ đánh cắt Đường 14 đoạn Chư Bao, cách Buôn Hồ về phía bắc 20 cây số. Liên tục những ngày sau đó, chúng tôi cứ đêm cơ động, ngày giấu quân bí mật trong những cánh rừng dọc hai bên Đường 14 phía nam Thuần Mẫn làm nhiệm vụ nghi binh, rồi bất thần quay lại đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ vào sáng 8-3, cắt đứt Đường 14, tạo điều kiện cho đơn vị bạn hai ngày sau tấn công làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Mấy ngày sau đó, chúng tôi đã có cuộc hành quân thần tốc bằng cả cơ giới và chạy bộ, có mặt ở thung lũng Cheo Reo vào sáng sớm 18-3, kịp thời cùng sư đoàn chặn đánh, truy kích, tiêu diệt địch rút chạy khỏi Tây Nguyên trên Đường số 7, góp phần kết thúc thắng lợi Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

NGUYỄN HÙNG TẤN