QĐND - Trong ngôi nhà cạnh Quốc lộ 1A thuộc tổ 8, phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, bên cốc chè tươi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thuận, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Vận tải (nay là Trường Trung cấp Nghề số 13, Tổng cục Hậu cần) kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về Tết Mậu Thân năm 1968 ở Trường Sơn...
 |
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thuận.
|
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thuận năm nay đã hơn 70 tuổi, tóc bạc trắng như cước, nhưng tác phong nhanh nhẹn, khỏe khoắn, đặc biệt, lòng nhiệt thành của người lính từng "vào sinh ra tử" gần 10 năm ở nơi “túi bom đạn” Trường Sơn vẫn không hề suy giảm. Ông quê ở Xuân Bắc, Xuân Trường (Nam Định) và nhập ngũ tháng 6-1965. Sau gần một năm huấn luyện, đến tháng 10-1966, ông có mặt tại Trường Sơn, trong đội hình vận tải cơ giới của Đại đội 8, Tiểu đoàn 55 (Binh trạm 42, Đoàn 559). Ông kể, trong cuộc đời quân ngũ, kỷ niệm về đêm Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968 với ông và đồng đội là không thể nào quên. Khi ấy, đội hình xe vận tải của Tiểu đoàn 55 tập trung vượt trọng điểm đoạn ở sân bay A Lưới thì pháo ta bắn cấp tập vào TP Huế tới mấy chục phút. Những quả đạn pháo nối tiếp nhau vút lên trời, xé toang màn đêm, tạo thành vệt sáng rực, trông như những con “rồng lửa”, trút xuống đầu quân thù trong nội thành...
Ông chia sẻ: Lính Trường Sơn gọi chiến sĩ lái xe là “phi công mặt đất”. Lái xe chỉ đi trong đêm và đi bằng đèn gầm. Mỗi xe có một lái chính và một lái phụ. Chiều tối chuẩn bị xe và bốc hàng từ Kho K61 sau đó hành quân đi Tà Lương. Cả đêm lái xe chỉ đi được hơn 60km để rồi đến gần sáng hôm sau lại phải dỡ hàng, dỡ xăng dầu khỏi thùng xe, ngụy trang cẩn thận sau đó mới di chuyển xe đi chỗ khác để cất giấu. Sau khi nghỉ lấy sức, gần chiều tối lại bốc hàng và hành quân đi tiếp. Để “cõng” được hàng tới kho quy định, các lái xe phải vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, nhất là đoạn qua thung lũng A Sầu, A Lưới, dốc con Mèo, con Tôm... Quá trình vận chuyển trên đường, lái xe phải căng mắt, căng tai, tập trung tối đa tư tưởng nghe ngóng, quan sát máy bay địch và điểu khiển xe trong điều kiện hạn chế ánh sáng và đường cực kỳ khó đi. Dịp Tết cũng là mùa khô, là thời điểm các lái xe bước vào chiến dịch vận chuyển nên cứ vào dịp này, đơn vị lại phát động thi đua đột kích, tranh thủ thời tiết thuận lợi để vận chuyển được nhiều hàng ra tiền tuyến. Tết năm ấy, lái xe của đơn vị phải ăn Tết trên đường vận chuyển, đón Xuân ngay bên cạnh vô lăng, trong ca-bin. Tuy không được đón Tết đúng phong vị dân tộc, nhưng không ai tỏ ra băn khoăn, buồn chán. Bởi hơn ai hết, những người lính lái xe ở Trường Sơn khi ấy đều hiểu rằng, chỉ một phút lơi lỏng là phải trả giá đắt về tính mạng, phương tiện, hàng hóa.
Giọng Thượng tá Nguyễn Ngọc Thuận chùng xuống: Có nhiều lái xe đã hy sinh trên tuyến đường này. Ở tuyến lửa Trường Sơn, địch liên tục ném bom tọa độ. Do vậy, quãng thời gian đệm giữa hai lần bom địch nổ khi vượt trọng điểm của lái xe là quý hơn vàng. Ở A Sầu, A Lưới, A So, địch rải chất độc hóa học rất nhiều, có khi chúng ném cả những thùng chất độc to như phuy xăng xuống đây. Chất độc hóa học khiến da thịt bỏng rát, mắt cay xè như bị ném ớt bột vào mặt, không thể nhìn thấy gì. Để đối phó với chất độc hóa học của địch, lái xe phải dùng vải bọc kín mặt, đầu, chỉ để hở mỗi đôi mắt khi lái.
Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG