Từ khu trù mật Trung Tín đến nghĩa địa Trung Lương
Năm 1964, Thái Phước Hiệp làm Đội trưởng Đội tuyên truyền vũ trang với nhiệm vụ diệt ác, phá kìm, xây dựng cơ sở chính trị, hỗ trợ phong trào quần chúng; phối hợp với các đơn vị vũ trang tỉnh và chủ lực đánh địch trên địa bàn.
Tiếng là Đội tuyên truyền vũ trang nhưng lúc đó chỉ có 9 người, vũ khí thiếu thốn, lương thực hạn hẹp. Ông quan sát thấy có 6 người thợ rừng thường xuyên đi đốn gỗ, bèn hỏi chuyện làm quen. Biết những người này ở khu trù mật Trung Tín thuộc vùng tranh chấp giữa ta và địch, Đội trưởng Hiệp vô cùng mừng rỡ. Ông tìm đường bí mật đến làng này, đào hầm tại chỗ, ban đêm lên nắm tình hình. Trước tiên, ông vận động anh Hồ Lanh giả vờ theo địch, với mục đích nắm cho được Nguyễn Đức Bá, trung đội trưởng “nghĩa quân”. Sau đó, nhờ cách vận động khôn khéo, ông đã cảm hóa được Nguyễn Đức Bá và bày cách để anh tiêu diệt hai tên mật vụ cài cắm, vô hiệu hóa hoàn toàn trung đội “nghĩa quân”. Vùng tranh chấp trở thành vùng an toàn, từ đây đi qua các nơi khác không còn nguy hiểm như trước. Sau này trong trận Mậu Thân 1968, Nguyễn Đức Bá đã bị địch bắt và hy sinh trong tù. Sau đó, đồng chí Hồ Lanh cũng hy sinh.
Sau 4 năm xây dựng lực lượng ở khu trù mật Trung Tín, Đội trưởng Thái Phước Hiệp thấy cần phải nắm sát trung tâm đầu não hơn nữa. Cải trang thành người đi tìm bò lạc, dò la địa thế, ông thấy rằng chỉ có nghĩa địa Trung Lương, cách trung tâm thị xã 2km mới là nơi thích hợp đào hầm bí mật để từ đó móc nối với dân. Vậy là 5 đêm liền, ông cùng với anh em trong đội chọn một vị trí bằng phẳng, dưới tán cây lúp xúp và bí mật đào hầm. Vì xác định ở lâu dài nên hầm đào khá công phu, 3 ngách, có gỗ chống bên trong, được ngụy trang bởi tấm bia cũng là cửa mộ. 5 năm ở đây, đội đã đào 3 hầm như thế mà địch không hề phát hiện. Lợi dụng những bụi rậm, tối đến anh em nấu ăn, che chắn cẩn thận nhưng chủ yếu vẫn dựa vào đồng bào. Thật khuya, theo ám hiệu người dân để cơm ngoài chuồng heo, hoặc trên cành cây, anh em lên lấy ăn tại chỗ, sau đó mang về hầm cho ngày hôm sau, kể cả Tết.
Đại tá Thái Phước Hiệp đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2015. Ảnh: Hà My.
Nhớ đêm 30 Tết năm ấy có Bí thư Thị ủy Nguyễn Thế Vũ cùng ăn Tất niên trong bụi chuối. Bữa ăn có nhiều đồ ngon do đồng bào tiếp tế nhưng tối quá không thấy gì. Ông Hiệp nhanh trí lấy tay thử từng món ăn, xong rồi bỏ vào đũa gắp cho đồng chí Bí thư. Ông Vũ nói: “Tối thế mà cậu gắp đúng thịt, thật tài”. Có đêm đang ăn ngoài vườn thì trời đổ mưa. Chị cơ sở lấy tấm dù trùm lên cho ông Hiệp, còn chị chịu ướt. Bảo sao lại làm vậy thì nghe trả lời, chị ướt thì vào nhà thay, em còn đi vận động… Ở nghĩa địa, Tết đến, xôi chè trên mộ rất nhiều nhưng anh em không dám ăn vì sợ dân nghi ngờ. Chỉ đến khi người của ta giả vờ đi thắp hương và để lại ở khu vực riêng mới dám lấy.
Những trận đánh nở hoa trong lòng địch
Với kinh nghiệm khi gây dựng cơ sở ở khu trù mật Trung Tín, ông Hiệp bắt đầu từ những người lao động. Ông đến lò gạch và dần làm quen với người chủ lò, từ đây nắm được một cơ sở rất gan dạ là Nguyễn Văn Ba. Tối đến, ông và Ba khoác áo rằn ri vào trong Rạp hát Bình Minh (nay là Rạp 16-3), xem vị trí ngồi của khu vực lính hoặc sĩ quan, làm sao để khi đặt mìn không đụng đến dân. Phải 4 lần như thế chắc ăn rồi cài thuốc nổ hẹn giờ dưới gầm bàn, sau đó tạo lý do ra ngoài sớm. Mìn nổ, hàng chục sĩ quan và lính thiệt mạng. Nguyễn Văn Ba còn đánh câu lạc bộ sĩ quan ở đầu cầu Đăk Bla, được thưởng huân chương và sau này đã hy sinh.
Dưới sự chỉ huy của ông, Đội tuyên truyền vũ trang thị xã phục kích đánh thiệt hại một đại đội Mỹ (1967). Ngày 29-7-1967, có 3 máy bay HU-1A quần thảo để chuẩn bị đổ quân ở ngọn đồi thuộc căn cứ H16 huyện Kon Rẫy, ở bên kia đồi, Đội trưởng Thái Phước Hiệp dùng súng trường bắn cháy một chiếc, trong đó có 8 tên Mỹ... Thị đội Kon Tum phối hợp với Tiểu đoàn 304 liên tục chiến đấu 6 ngày đêm năm 1972, giải phóng khu Kron-Trung Nghĩa và sau đó đánh Điểm cao 800, tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch...
Nhiều lần ông thoát chết trong gang tấc. Đó là khi một đồng chí cơ sở dùng xe chở ông đi chậm để quan sát các cơ quan trong thị xã. Bỗng xe cảnh sát ùn ùn từ các phía chạy về chốt hết các ngã ba, ngã tư. Nghĩ đã bị lộ, ông bảo chở luôn về nhà. Thấy ai nấy rối ren lo sợ, ông trấn tĩnh mọi người, cứ làm như Việt Cộng chạy bừa vào, gia đình không biết. Thấy căn buồng của vợ anh này đang ở cữ kín đáo, ông nhanh chóng nép sau cánh cửa. Cảnh sát ập vào. Bà mẹ nói với chúng: “Cả gia đình ba đứa con đều theo quốc gia (ba anh em trong nhà là “nghĩa quân” nhưng là làm cho ta). Các ông còn hành hạ gì nữa”. Thấy bà nói cứng, bọn chúng ngó nghiêng kiểm tra, rồi rút. Thì ra bọn chúng đi vây ráp ngẫu nhiên để chuẩn bị đón Tổng thống Thiệu lên…
HỒNG VÂN