Ruộng Kim Ngân nằm ở chân núi Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Gần 1.030 năm trước, nhằm thúc đẩy chủ trương khuyến nông, vị vua khai sáng triều Tiền Lê đã chọn mảnh ruộng dưới chân núi Đọi và đích thân xuống ruộng cầm cày. Từ ấy, các đời vua sau của Việt Nam vào dịp đầu Xuân thường về cày tại ruộng Kim Ngân. Tục lệ đẹp này dần được cư dân trong vùng tôn đắp, phát triển thành Lễ hội Tịch điền-một lễ hội nhớ về cội nguồn văn hóa lúa nước Đồng bằng cổ Bắc Bộ.
Từ xưa, “núi Đọi-sông Châu” đã thành biểu tượng của vùng đất cổ Hà Nam. Tọa trên đỉnh núi Đọi, ngôi chùa Đọi hướng về Nam, cũng như tâm thức dân gian trong vùng xưa nay luôn hướng về “núi thiêng” với câu truyền ngôn “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại”.
Phía sau ngôi chùa từng phát lộ móng của tòa Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh và nhiều vật liệu thời Lý dùng xây dựng bảo tháp. Đầu thế kỷ 15, tòa bảo tháp 300 tuổi bị giặc Minh hủy hoại hoàn toàn, chỉ sót lại tấm bia đặt trong bảo tháp. Cũng là nạn nhân của “ba sạch”: Giết sạch, đốt sạch, phá sạch, tấm bia đã may mắn thoát khỏi nạn tận diệt tàn độc của đám sói lang vì không dễ đập vỡ, nên được đời sau phục dựng ngay phía trước Tam bảo trong khuôn viên chùa Đọi.
Cùng với những cổ vật tiêu biểu phát lộ trên đất Hà Nam như Trống đồng Ngọc Lũ, bia này cao 2,5m, rộng 1,5m, dày 0,3m, văn bia khắc chữ Hán lưu giữ nhiều thông điệp lịch sử quý giá cho muôn đời. Trong 20 tấm bia đá thời Lý thu thập trên khắp Việt Nam, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh-cổ vật vô cùng quý giá cả về niên đại ra đời, cả về thông điệp lịch sử trong văn bia từ gần 900 năm trước, cả về cách thể hiện là bia cổ duy nhất khắc lối chữ Phi Bạch. Bia Sùng Thiện Diên Linh được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Thông điệp từ tấm bia cho biết:
Vua Lý Nhân Tông (1066-1128)-vị vua thứ tư triều Lý, năm 1118, ngài qua vùng này, sau đó ngài cho dựng ngọn bảo tháp trên đỉnh Đọi Sơn, đặt tên là “Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp”. Ngài sai Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn bài bia ký, Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ làm mẫu cho thợ khắc bia, đích thân ngài viết tiêu đề bia “Đại Việt quốc Lý gia đại tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” (Bia Sùng Thiện Diên Linh của vị Hoàng đế thứ tư triều Lý nước Đại Việt). Tiêu đề do vua viết bằng lối chữ cổ Phi Bạch có từ thời Hán. Được biết, lối chữ Phi Bạch này ban đầu chỉ dùng cho vua quan trong thi cử, đến như các nhà thư pháp cổ cũng chỉ được phép viết chữ Phi Bạch lên lụa trắng sang trọng, về sau, lối chữ Phi Bạch mới được sử dụng rộng rãi trong đời thường và thể hiện trên nhiều chất liệu khác.
Bia lập ngày 6 tháng 7 năm 1121 (Tân Sửu), được đặt giữa tòa bảo tháp 13 tầng, xung quanh tháp mở 40 cửa đón gió và đặt 8 pho tượng 8 vị Kim Cương.
Bia lưu giữ thông điệp lịch sử phong phú, những điểm chính nói về sự nhiệm màu của Phật giáo, nguyên nhân Đức Phật Thích Ca giáng thế để thiết lập các giáo phái, về kinh Phật, kinh Bát nhã, đường hướng tu hành của Phật. Về việc vua tiền nhân khai sáng triều Lý dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, dựng chùa Một Cột, nói về sự ra đời danh xưng Thăng Long, về tên gọi làng trống Đọi Tam dưới chân núi; về sự thịnh vượng chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Lý, đặc biệt về cuộc đời vua Lý Nhân Tông với điềm lành từ khi Mẫu hậu mang thai nhà vua, đến khi nhà vua ra đời biểu hiện tướng mạo tốt, lớn lên có tài chế tác chiến thuyền và rùa vàng. Về mục đích xây dựng tòa Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh là để mong cho quốc gia trường thịnh...
*
* *
Vua Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, con của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Lê Thị. Ông ra đời tại kinh đô Thăng Long. Năm 1072, Lý Thánh Tông (vua cha) mất, Càn Đức lên nối ngôi khi mới 7 tuổi, trở thành vị vua thứ tư triều Lý. Chớp lấy cơ hội Đại Việt lập ấu vua, nhà Tống phát động chiến tranh hòng thôn tính nước ta. Người tính không bằng trời tính, trong hai năm 1075, 1076, với khả năng quân sự thiên tài của danh tướng Lý Thường Kiệt, quân và dân ta hai lần xua đuổi quân xâm lược Tống giữ yên bờ cõi. Thiên cổ lưu danh sự kiện này với bài thơ “Nam quốc sơn hà” được hậu thế coi là Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Việt Nam.
Vì sự thịnh trị lâu dài của quốc gia Đại Việt, năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường-đây là khoa thi đầu tiên, còn gọi là “minh kinh bác học”, chọn được 10 người tài, trong đó Tiến sĩ Lê Văn Thịnh thủ khoa. Năm 1077, vua Lý Nhân Tông cho mở cửa Quốc Tử Giám-mở ra trang mới cho nền giáo dục đại học phong kiến Việt Nam.
Về bang giao, vua Nhân Tông chủ trương thông hiếu với các nước láng giềng. Ngay sau khi đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi Đại Việt, nhà Lý cử Đào Tông Nguyên đem 5 con voi đã được thuần dưỡng làm quà tặng nhà Tống, đồng thời thỏa thuận sẽ trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu cho nhà Tống. Năm 1089, nhà Lý tiếp tục cử Thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh sang trại Vĩnh Bình để cùng người Tống bàn về cương giới, theo đó, nhà Tống trả lại cho Đại Việt 6 huyện và 3 động; nhà Lý trả lại cho nhà Tống các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu cùng số tù binh, hàng binh của 3 châu Khâm, Liêm, Ung đã bị bắt khi Lý Thường Kiệt mang đại quân sang ngăn chặn cuộc chiến tranh do nhà Tống phát động nhằm vào Đại Việt. Song, ý nguyện muốn yên ổn hòa bình của nhà Lý không thành, quân dân Đại Việt một lần nữa lại phải cầm vũ khí đứng lên bảo vệ quyền độc lập tự chủ thiêng liêng của dân tộc.
Vua Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi, ngài chọn Lý Dương Hoán-con trai của Sùng Hiền hầu làm Thái tử kế vị, Lý Dương Hoán lên ngôi lấy hiệu Lý Thần Tông tiếp tục đưa Đại Việt và triều Lý phát triển hưng thịnh.
*
* *
Lại nghĩ về vùng người Sơn Nam mà trung tâm là tỉnh Hà Nam ngày nay. Kết quả khai quật khảo cổ học cho biết, người nguyên thủy xuất hiện ở Hà Nam trên dưới một vạn năm, tương đương với đầu thời kỳ đồ đá mới văn hóa Hòa Bình, đồ gốm văn hóa Bắc Sơn. Rời bỏ núi rừng hoang vu cùng thói quen hái lượm, người Việt cổ tiến về xuôi trồng lúa nước, khai khẩn lập ấp dựng làng, trở thành chủ nhân đầu tiên của vùng châu thổ sông Hồng. Là nơi người Việt cổ sống tập trung sớm nhất, Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó Hà Nam là vùng trũng) được coi là quê gốc của văn hóa Việt.
Cuộc sống cộng đồng làng xã nêu cao tính tự quản, ý thức ứng xử thân thiện với môi trường, sớm tạo cho các thế hệ cư dân Hà Nam ý thức tôn đắp những giá trị văn hóa thuần Việt, gạn lọc những giá trị nhân văn tinh túy, vứt bỏ những phù phiếm nhố nhăng. Hầu hết các làng xã ở Hà Nam dường như đều có chùa thờ Phật, đình thờ Thành hoàng và các tiền nhân có công đức lớn trong hình thành, phát triển hương, làng.
Hà Nam là điểm giao lưu giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước, nơi phát tích của hơn 100 lễ hội truyền thống. Tục thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) từ gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, Hà Nam là địa phương sau Bắc Ninh có nhiều chùa thờ Tứ pháp. Tục thờ Mẫu gắn với nghệ thuật chầu văn-một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của người Việt. Với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, vào 17 giờ 15 phút giờ địa phương, tức 21 giờ 15 phút giờ Việt Nam ngày 1-12-2016, nghi thức tín ngưỡng này chính thức được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bài và ảnh: GIAO HƯỞNG