Lúc này, tình hình biên giới Tây Nam rất căng thẳng, quân Pôn Pốt tràn qua kênh Vĩnh Tế tàn sát đồng bào ta ở Tân Biên, Bảy Núi.

Cuối tháng 12-1978, chiến dịch tiến công giải phóng Cam-pu-chia mở màn, quân ta và quân bạn tiến như vũ bão. Bọn Pôn Pốt chống trả quyết liệt, nhưng cũng không kháng cự nổi, phải rút chạy dần lên hướng Bắc. Quân đoàn 4 vượt qua sông Mê Công, chiếm tỉnh lỵ Kông Pông Chàm, rồi tiến về chiếm thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7-1-1979. Lá cờ Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia bay phấp phới giữa thủ đô. Lúc này, lớp học chuyên gia được lệnh sang Cam-pu-chia ngay để tiếp quản các tỉnh và thủ đô vừa giải phóng. Mỗi tỉnh, thành phố có một đoàn chuyên gia khoảng 10 người sang giúp một tỉnh của bạn. Riêng tỉnh Hải Hưng chúng tôi được tổ chức thành hai đoàn về hai tỉnh. Tôi ở Đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Ngọc Văn, Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách sang tỉnh Xvây-riêng (hay còn được gọi là Xoài Riêng).

Ngày 13-1-1979, xe đưa đoàn chúng tôi rời Sài Gòn đến Cửa khẩu Mộc Bài. Ngôi nhà xây của trạm gác biên giới bỏ hoang, trơ lại mấy bức tường lỗ chỗ vết đạn, mái ngói đổ sập. Mấy túp lều căng vải bạt ni-lông dựng tạm trên nền đất trống trải rộng mênh mông, cây cối xác xơ cháy trụi. Đường biên giới còn trơ lại từng đoạn cọc sắt thép gai ngả nghiêng xiêu vẹo. Hàng cây thốt nốt đứng chơ vơ dưới bầu trời yên ắng, cùng với những rặng xoài trùng điệp che phủ những ngôi nhà sàn hoang vắng không một bóng người. Xe đi một mạch từ biên giới đến thị xã Xoài Riêng. Chúng tôi đến một ngôi nhà sàn rộng và ở cạnh đoàn của tỉnh Long An do anh Tư Mâu, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Sau ít ngày thì hợp lại thành “Đoàn chuyên gia tỉnh Xoài Riêng” do anh Tư Mâu làm trưởng đoàn.

leftcenterrightdel

Đoàn chuyên gia tỉnh Hải Hưng sang giúp bạn Cam-pu-chia chụp ảnh lưu niệm tại chùa Pnum Dôn-pênh, Phnôm Pênh, tháng 4-1982 (đồng chí Phạm Quang Minh đứng hàng đầu, thứ hai từ trái sang). Ảnh do nhân vật cung cấp.  

Ngày Tết Nguyên đán đầu tiên trên đất Cam-pu-chia, chúng tôi vẫn sống trong ngôi nhà sàn vắng lặng. Các đồng chí lãnh đạo đoàn bàn tổ chức cho anh em ăn Tết. Anh Tư Mâu cử cán bộ về Long An mang sang một ít thực phẩm gọi là cải thiện thêm. Bạn cũng rất thông cảm với ta. Các đồng chí đã từng sống ở Việt Nam, hiểu biết ít nhiều về phong tục tập quán Việt Nam, biết ngày Tết Nguyên đán đối với dân tộc Việt Nam là thiêng liêng lắm. Các đồng chí đã bàn giúp ta ăn Tết nhưng lực bất tòng tâm. Bọn Pôn Pốt hủy diệt đến mức trên mặt đất hầu như không còn sự sống. Bạn rất băn khoăn nhưng không có cách nào giải quyết. Đi Xà Rươn mới ngoài 20 tuổi, kiếm được một chiếc xe Jeep cũ ở đâu không rõ, tự lái đưa hai chiến sĩ bảo vệ xuống các phum, ấp suốt hai ngày mới về, mang theo hai con ngỗng đến thẳng nhà chúng tôi ở. Anh nói với tình cảm chân thành: “Cháu biết các chú rất buồn, nhớ nhà trong ngày Tết, cháu cùng anh em xuống phum, ấp mấy ngày nay cũng chỉ kiếm được hai con ngỗng. Cháu xin biếu các chú Hải Hưng ăn Tết, vì các chú ở xa không về nhà được. Còn các chú Long An ở gần, có thể về thăm nhà, nên nhường cho các chú ở Hải Hưng”. Lời nói của Đi Xà Rươn làm chúng tôi xúc động mà nguôi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà.

Thu xếp xong công việc, tối 29 Tết, anh Tư Mâu tranh thủ về thăm gia đình ở huyện Đức Hòa. Hôm sau anh mang sang cho chúng tôi quả dưa hấu đặc sản và bánh tét Long An. Thế là ngày Tết cổ truyền tưởng chỉ có rau muống, cá khô, thuốc lá “Vàm cỏ”, vậy mà cũng có nhiều món ăn dân tộc, chỉ thiếu giò lụa, bánh chưng xanh miền Bắc. Chúng tôi mời bạn cùng ăn một bữa cơm đoàn kết thân mật vào sáng Mồng Một, với cả ý nghĩa chào mừng đất nước Cam-pu-chia được giải phóng.

Sáng Mồng Một Tết, trời trong xanh nắng dịu. Chúng tôi lập bàn thờ Tổ quốc, có mâm ngũ quả, mâm cơm cúng tổ tiên. Bạn cùng vui hân hoan chào đón Xuân về và mừng thắng lợi một năm qua vượt bao khó khăn bỡ ngỡ, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, bước đầu đi vào xây dựng lại cuộc đời mới, xóa dần nỗi đau diệt chủng. Không khí đón Xuân chan hòa ấm áp giữa bạn và ta đã hòa cùng một nhịp. Bạn chúc ta, ta chúc bạn, ngôn ngữ bất đồng nhưng hiểu nhau qua nụ cười, gương mặt, nói với nhau lõm bõm vài câu rồi cười tươi. Cuộc vui đón Xuân kéo dài hết bộ phận này đến bộ phận khác. Những anh lính trẻ cười vui râm ran. Một vài cô gái ở tổ ngân hàng tuổi mới đôi mươi chưa xa nhà bao giờ không kìm nổi nỗi nhớ, đang vui liên hoan, vội chạy về giường nằm ôm đầu sụt sịt. Sau khi được các chú, các anh chị an ủi động viên mới chịu ra cùng tập thể hòa chung niềm vui đón Tết...

-----------

SONG THANH (ghi theo lời kể của Thượng tá Phạm Quang Minh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 3, thành viên Đoàn chuyên gia tỉnh Hải Hưng sang giúp bạn Cam-pu-chia cuối thập niên 1970).