Vừa đến đơn vị, đồng chí Dân Nam, Chính ủy Sư đoàn, nói ngay: “Hiện tại, công việc ở Sư đoàn bộ rất bận rộn vì phân chia thư từ hậu phương gửi qua; các loại bánh tét, kẹo mứt… đóng thùng chuyển lên các hướng cho bộ đội và cử cán bộ lên các chốt tiền tiêu đón Tết với anh em. Nếu các đồng chí cùng đi lên chốt của Tiểu đoàn 220 thì rất tốt, nhất là các đơn vị phía trước. Ở đó anh em mình cực khổ lắm nhưng cũng anh hùng lắm, chắc chắn sẽ có nhiều chuyện hay để viết”.
Thế là đoàn lên đường đến Tiểu đoàn 220 theo hướng dẫn của chiến sĩ Quốc Tiến. Trên đường đi, Tiến dặn: “Các thủ trưởng phải chú ý ba điều là mìn lá, bộ binh địch phục kích và pháo binh tập kích. Những đoạn đi theo đường mòn thì các thủ trưởng theo vết chân em, thấy em dừng lại thì nép vào một bên, thấy em vẫy tay khi qua các đoạn lộ địch thường hay bắn pháo thì các thủ trưởng vượt nhanh nhé!”.
Sau hơn hai giờ lúc đi, lúc chạy, lúc dừng, chúng tôi đã đến Tiểu đoàn 220 chốt giữ bên sườn núi dưới chân Đèo Gà. Nhìn hướng chiến đấu chính diện của tiểu đoàn khoảng 200m mà pháo địch cày xới cả ngàn mét đủ thấy ác liệt đến mức nào. Ngay phía trước Sở chỉ huy Tiểu đoàn cũng loang lổ vết pháo, phía trên nắp hầm chỉ huy, nhiều cành cây bị pháo phạt gãy nằm ngổn ngang. Tranh thủ trời còn sáng, nhà văn Nguyễn Chí Trung làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn để nắm tình hình và tham gia kế hoạch tác chiến, kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị. Còn tôi và Trọng Nghĩa gặp gỡ và chụp ảnh một số chiến sĩ. Hầu hết anh em đều đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa đầy một tuổi quân nhưng chiến đấu rất gan dạ và lập công xuất sắc. Như chiến sĩ Lê Văn Lê đánh giáp lá cà, quần nhau với địch rồi mưu trí bắt sống tên lính Pôn Pốt; chiến sĩ Lê Văn Đinh bình tĩnh dũng cảm nhặt lựu đạn địch ném vào chiến hào, tung ngược ra tiêu diệt địch; chiến sĩ Trần Đức Thống hai lần bị thương nặng vẫn nằng nặc xin chỉ huy ở lại tiếp tục chiến đấu...
Đại tá Nguyễn Duy Khải xúc động kể lại kỷ niệm về sự hy sinh của đồng đội.
Khi tôi hỏi năm nay ăn Tết trên chốt, các chiến sĩ có suy nghĩ gì và nhớ nhà lắm không, thì một chiến sĩ có nước da trắng hồng, dáng vẻ thư sinh ngồi ở góc hầm phía sau Lê Văn Lê bật dậy liến thoắng: “Nhớ lắm chứ, thủ trưởng. Nhưng chúng em chưa ai có người thương nên nỗi nhớ cũng đỡ phức tạp. Hơn nữa, chúng em mới có một cái Tết xa nhà thì nhằm nhò gì so với thủ trưởng tiểu đoàn đã 6 năm sang giúp bạn, có được đón Tết cùng gia đình đâu. Chúng em đang tập trung nhất là phải hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự cũng như nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, cụ thể là phấn đấu thành những chiến sĩ gang thép ngay trên chốt này”. Tôi hỏi: “Cái tên “Chốt thép” có từ khi nào và ai đặt cho nó vậy?”. Một chiến sĩ có nước da bánh mật ngồi cạnh tôi giải thích: “Lúc đầu ở đây gọi là “Chốt tiền tiêu”, rồi “Điểm tựa”. Khi chiến công của tiểu đoàn được nhân lên; khi các đoàn phái viên của mặt trận, quân khu, đoàn thể từ hậu phương tới và cả các nhà văn, nhà báo lên thăm, mọi người đã đặt cho nó là “Chốt thép” chứ không phải chúng em tự phong đâu ạ!”.
Trở lại Sở chỉ huy Tiểu đoàn, tôi hỏi Tiểu đoàn trưởng Tiêu Hoàng Sơn và Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Công: “Các anh chuẩn bị cho bộ đội ăn Tết được những gì rồi, vật chất tinh thần có khá không?”. Bằng chất giọng Nghệ Tĩnh, anh Công chia sẻ: “Vật chất năm nay cũng tương đối anh ạ. Trung đoàn vừa gửi lên cho chúng tôi một con heo. Chúng tôi còn có cả gạo nếp, đậu xanh và đặc biệt là lạp xưởng từ Tiền Giang gửi sang. Anh thấy chúng tôi có một điểm tựa hậu phương vững chắc không? Chúng tôi cũng vừa nhận được thư chúc Tết của Tư lệnh Quân khu, anh em đọc nghe chung rồi dán lên vách hầm. Và đây là những bức thư nghĩa tình từ các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Cửu Long, Minh Hải gửi đến (vừa nói anh vừa rút trong cặp ra một xấp thư), chúng tôi sẽ chia thư này đến từng hầm để anh em đọc. Mấy tờ báo Quân khu 9 anh cho chúng tôi đang phân phát xuống các đại đội”.
Anh Tiêu Hoàng Sơn đứng trên cửa hầm chỉ tay về phía trước nói: “Những cánh rừng, tán cây cách trận địa của tiểu đoàn chừng một hai trăm thước là nơi mà bọn trinh sát, bộ binh, biệt kích Pôn Pốt thường hay rình rập. Nếu mình chỉ phòng ngự một cách bị động, không cảnh giác bung ra truy quét là rất dễ xảy ra chuyện. Vì vậy, cùng với việc thay nhau trực chiến, chúng tôi phải cử những tổ thường xuyên hoạt động bên ngoài chốt để chặn đánh địch từ xa. Giống như nhà máy, công xưởng, ở trên chốt chúng tôi ăn Tết theo ca, có khi có bộ phận không được ăn Tết…”.
Đêm hôm đó, lúc tiếng pháo Giao thừa trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi cũng là lúc chúng tôi quây quần bên chiếc đài bán dẫn trong một căn hầm nghe Chủ tịch nước Trường Chinh chúc Tết và cùng nhau ôn lại những cái Tết trong quân ngũ. Sau khi kể về 9 cái Tết xa nhà trong 11 năm bộ đội, anh Hoàng Sơn tiết lộ: “Tôi đã có người yêu, đã nhiều lần hứa tổ chức đám cưới nhưng bọn Pôn Pốt đâu cho mình về. Hơn nữa, từ đây về huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải quê tôi xa quá, thôi thì ta cố gắng chờ đợi thêm vài năm nữa, dẹp xong bọn diệt chủng về cưới cũng chưa muộn”. Cả căn hầm dậy lên tiếng vỗ tay tán thưởng.
Mùa xuân trên chốt tưởng như thế là trọn vẹn. Nhưng, sớm hôm sau, mới 7 giờ sáng Mồng Một Tết, khi các làng quê, thành thị đang chúc tụng nhau tận hưởng một mùa xuân thanh bình, thì ở điểm tựa này, trên "chốt thép" này, máu của chiến sĩ ta lại đổ. Đạn pháo của Pôn Pốt bắn xối xả vào đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 220 làm hai chiến sĩ trúng mảnh pháo, một chiến sĩ hy sinh. Sau khi nghe điện từ đại đội báo về cái tin đau thương đầu năm ấy, anh Nguyễn Văn Công đặt mạnh ống nghe xuống lặng đi cố kìm nén nỗi xúc động đang trào dâng. Rồi anh băng theo giao thông hào xuống đơn vị tổ chức giải quyết hậu quả và vĩnh biệt người đồng đội trẻ tuổi...
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã từng đến nhiều chốt và chứng kiến những câu chuyện như thế trên đất nước Chùa tháp để có những bài viết chân thật, sinh động chuyển đến bạn đọc. Tôi biết mỗi chuyến đi đều có thể gặp nguy hiểm, nhưng có đáng là bao so với đồng đội tôi ngày đêm bám chốt nơi núi rừng sâu thẳm ấy. Các anh đã dũng cảm chiến đấu và vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để chiến thắng, bởi các anh luôn tin ở điểm tựa từ hậu phương bao la của Tổ quốc; từ tình bạn quốc tế trong sáng, thủy chung.
Đại tá NGUYỄN DUY KHẢI (kể)
HỒ KIÊN GIANG (ghi)