leftcenterrightdel
Bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 
Phần thưởng sau trận bom

Năm 1950, với tư cách là đặc phái viên của Báo Sự thật, họa sĩ Phan Kế An tham gia Chiến dịch Đông Bắc. Ông đi với Trung đoàn 165, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh nghi binh đồn Bắc Hà (Lào Cai), nhằm thu hút địch về hướng Tây Bắc, “chia lửa” với các đơn vị chủ lực của ta đang chiến đấu ở Mặt trận Đông Bắc. Họa sĩ Phan Kế An nhớ lại: “Trung đoàn 165 ém quân trên một quả đồi cách đồn địch vài cây số. Trung đoàn trưởng Lê Thùy (sau này là Trung tướng) lệnh cho mỗi chiến sĩ phải tự đào một căn hầm trú ẩn. Tôi hì hục đào nhưng vì đất đồi nhiều đá, sỏi nên đào mãi mới được hố đất nông choèn. Bất ngờ, máy bay địch xuất hiện. Hình như chúng phát hiện ra nơi trú quân của bộ đội ta nên cho máy bay quần thảo trên bầu trời quanh ngọn đồi rồi liên tục giội bom. Tôi chạy vội xuống hầm tiểu đoàn trưởng trú bom. Dứt đợt ném bom, tôi đội hầm chui lên, bất chợt bắt gặp ánh nắng buổi chiều hắt vào sườn đồi. Xa xa, đoàn quân du kích người Mông đang đi, ánh nắng chiếu vào đoàn người. Cảnh đẹp quá, tôi liền lấy giấy bút ký họa. Ngay khi nhìn thấy cảnh tượng này, tôi đã nghĩ rằng chỉ có chất liệu sơn mài mới diễn tả hết được vẻ đẹp kỳ vĩ, rực rỡ của nó. Sơn mài dùng vàng mới thể hiện được cái sườn núi với ánh nắng dữ dội, đối lập với cảnh âm u của hoàng hôn đã đổ xuống dưới dốc núi và thung lũng. Trong kháng chiến không có điều kiện vẽ bằng chất liệu sơn mài nên trở về Hà Nội tôi bắt tay vẽ, đến năm 1955 thì hoàn thành bức tranh với tên gọi “Nhớ một chiều Tây Bắc”. Lúc bấy giờ, tôi đem bức tranh này cùng hai bức nữa đi dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, không ngờ cả ba bức đều được giải nhất”.

Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” vừa ra đời đã gây ấn tượng với công chúng bởi một vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Bức tranh đã tạo cảm hứng để nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác “Thả chiều vào tranh”, trong đó có những câu thơ: Nắng cứ hừng lên trong tranh vẽ/ Đoàn quân đi bóng ngả sườn non/ Mái nhà sàn chênh vênh vách núi/ Chiều rắc vàng, khảm bạc vào cây/ Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được ở trong tay...

Họa sĩ kiêm bác sĩ

Trong lần đi chiến dịch ấy, họa sĩ Phan Kế An không chỉ có được “Nhớ một chiều Tây Bắc” mà ông còn có một kỷ niệm vui khiến cho miền đất này luôn là nỗi nhớ trong ông. Ông kể: “Ngày ấy, Tây Bắc vừa lạ vừa quen. Người dân Bắc Hà hầu hết là người Mông. Tiếng Mông mình không biết, họ lại không biết tiếng phổ thông. Bộ đội đánh giặc phải dựa vào dân, nên phải tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào, giúp đỡ đồng bào hiểu và gần gũi với bộ đội. Hôm ấy, có một anh công tác đội về đơn vị báo có người phụ nữ trong bản sinh khó. Rồi anh bảo tôi: “Cậu đi với tớ xem có giúp được người ta không!”.

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, họa sĩ Phan Kế An giải thích rằng, chẳng là từ hồi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông phải học bộ môn cơ thể học, phải vào nhà xác nghiên cứu trên tử thi và học những điều về giải phẫu cơ thể. Nhiều sinh viên khác thì sợ, riêng ông lại bị môn này hấp dẫn. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp thấy thế đã tận tình hướng dẫn ông một số kiến thức về y học. Vì vậy, những năm đầu kháng chiến, trên Chiến khu Việt Bắc còn thiếu y tá, trong cơ quan có ai đau bụng, cảm mạo thông thường đều gọi họa sĩ Phan Kế An. Ông trở thành bác sĩ “bất đắc dĩ” vì thế...

Họa sĩ Phan Kế An kể tiếp: “Tôi vội vã đi theo anh cán bộ đội. Đến trước cửa gia đình sản phụ, đã thấy người nhà để cành cây ở cửa không cho ai vào. Trong nhà, thầy mo đang cúng lễ. Tôi đi theo anh cán bộ đội bước vào buồng. Người mẹ lúc này đã rất yếu, tôi phải dùng kéo cắt tầng sinh môn khoảng 5cm. Không biết tiếng, tôi phải nhờ người phiên dịch bảo người mẹ “cố rặn đi”. Đứa trẻ ra đời, là một bé gái. Tôi mừng quá!”. Cho đến bây giờ nhớ lại, họa sĩ Phan Kế An vẫn chưa hết bồi hồi. Ông cười: “May mà vừa ra đời, đứa trẻ đã cất tiếng khóc thật to, chứ nó mà không khóc thì tôi cũng chết. Mà may cho tôi là nó thò đầu ra chứ tay ra trước thì tôi cũng không biết xoay xở thế nào”.

VÂN HƯƠNG