Kim Bôi, Hạ Bì và một số xã được cấp trên quyết định xây dựng thành An toàn khu (ATK) vì đây là địa điểm thuận lợi cho việc phòng thủ và tiến công địch cũng như sau này trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn tỉnh Hòa Bình. Tôi và chị Hà trong Ban nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được Ủy ban Kháng chiến Hà Nội cử lên Hòa Bình xây dựng ATK. Chúng tôi công tác tại hai xã Kim Bôi và Hạ Bì. Khi ấy, Kim Bôi còn là nơi rừng thiêng nước độc, nổi tiếng về sốt rét ở Hòa Bình. Với tuổi hai mươi, chúng tôi không ngại câu nói thời bấy giờ:

Yêu nhau cho thịt, cho xôi

Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì

Chúng tôi đến Kim Bôi vừa đúng dịp giáp Tết, bà con trong bản đang chuẩn bị đón Tết như mọi năm. Nhà mổ lợn, nhà nấu bánh chưng. Một vài nhà đã nấu xong bánh. Mọi người dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên xong xuôi, không khí Tết đã về đến các gia đình.

leftcenterrightdel

Khu vực Kim Bôi, Hòa Bình với địa hình hiểm trở, được chọn để xây dựng An toàn khu trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Thiên Bình.  

Tổ công tác chúng tôi cũng vui vẻ chuẩn bị đón Tết. Trưởng bản cùng hội phụ nữ đang soạn sửa đón Tết thì bỗng nhiên một anh dân quân xã hớt hải chạy về báo: “Giặc Pháp đã về đến dốc Cun rồi!”. Từ dốc Cun đến Kim Bôi rất gần. Lúc này, con đường chưa bị dân quân phá để chặn bước địch. Tình thế cấp bách, tôi, chị Hà và tổ công tác vội vàng đi vận động bà con sơ tán vào rừng sâu. Mọi người khẩn trương dọn đồ, ai mang được gì thì mang. Có người mang xoong chảo, có người mang gạo thịt. Một số nhà đã kịp nấu xong bánh chưng nên mang đi. Có nhà chưa nấu bánh thì mang cả nếp, cả lá đi. Có nhà còn đem theo được cả cái đùi lợn. Nhiều bà mẹ có con nhỏ, phải địu con trên lưng, hai tay xách đồ đạc. Do điều kiện gấp rút, mọi người chỉ mang được ít đồ đạc cần thiết.

Chúng tôi rút vào sâu trong rừng. Mọi người chọn dựng lán ở một chỗ có nhiều gốc cây to, tán rộng để tránh máy bay địch. Thanh niên đi du kích hết, trong bản lúc này chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, nhưng mọi người dựng lán rất nhanh. Chỉ trong vài ngày, bà con đã ổn định xong chỗ ở. Tuy ở rừng nhưng mọi người vẫn chuẩn bị đón Tết, trong các lán đều có bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ có những cành hoa rừng khoe sắc. Các cháu học sinh còn kiếm được giấy hồng để các cụ viết câu đối và khẩu hiệu đón Tết.

Nhiều nhà chưa kịp gói bánh chưng cũng bắt đầu tất tả gói bánh. Rừng sâu, điều kiện thiếu thốn, không gói thêm được bánh chưng vuông, mọi người thay bằng bánh tày. Bánh được gói bằng lá dong, gói dài thành từng đòn. Tôi và chị Hà cũng được bà con cho ăn bánh tày. Mở bánh ra, thật ngạc nhiên làm sao: Nhân bánh là đậu xanh với… cá! Hỏi ra, tôi mới biết, thịt mang theo quá ít, chỉ đủ kho. Bà con xuống suối bắt cá về, gỡ xương, xào với lá rừng làm nhân. Tôi không biết bà con lấy thứ lá gì, chỉ nhớ nó có mùi thơm rất đặc biệt. Cắt bánh ra đã ngửi thấy mùi thơm của nhân. Bánh ăn rất ngon, lại thơm, làm tôi cứ nhớ mãi.

Ngày 15-4-1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Hòa Bình. Du kích các xã Hạ Bì, Tú Sơn phá hỏng đoạn đường từ dốc Cun đến xã Kim Bôi, chông, bẫy được cài khắp các cánh đồng. Trên các con đường Thanh Nông và Thanh Lương, lực lượng vũ trang và nhân dân đào hào, hố sâu để cản bước tiến của địch. Tinh thần kháng chiến của nhân dân ngày càng cao.

Năm ấy, tôi đón Tết với bà con Kim Bôi trong rừng sâu. Cỗ Tết chỉ có ít thịt lợn kho, rau rừng, măng nấu cá tép… Tuy là cái Tết “chạy Tây” nhưng vẫn có bánh chưng, bánh tày và câu đối đỏ. Không khí rất ấm cúng, vui vẻ. Đối với tôi, đó là cái Tết rất đặc biệt - cái Tết đầu tiên của những ngày đầu kháng chiến - một kỷ niệm không thể nào quên.

Nhà văn NGUYỆT TÚ