Trong trận tiến công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã chiến đấu hết sức quả cảm và anh dũng hy sinh. Hơn 20 năm sau, hài cốt của ông mới được đồng đội tìm thấy trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và cảm động...

Tình nguyện chặn địch để đồng đội rút lui

Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, các chiến sĩ Đội 5 biệt động tập hợp tại căn nhà số 436/58 đường Hoàng Đạo (nay là đường Trần Văn Đang, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập. Đêm hôm đó, toàn đội di chuyển đến căn nhà số 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) để lấy vũ khí.

leftcenterrightdel
Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thắp hương tại ngôi miếu nhỏ trên đường Nguyễn Du để tưởng nhớ đồng đội hy sinh trong trận đánh Dinh Độc Lập, tháng 1-2014. Ảnh: Duy Minh.   

Rạng sáng Mồng Hai, cả đội gồm 15 người xuất phát trên 3 xe ô tô và một xe gắn máy nhắm đến mục tiêu. Xe ô tô cuối cùng do ông Lê Tấn Quốc cầm lái chở Chỉ huy trưởng Trương Hoàng Thanh (tức Ba Thanh) và một số chiến sĩ khác. Chiếc xe đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng. Một số chiến sĩ của ta hy sinh ngay khi trèo qua tường rào vào trong dinh. Không thể xâm nhập vào bên trong do đã bị lộ, các chiến sĩ biệt động buộc phải nổ súng tấn công địch ngay bên ngoài cổng.

Chỉ sau 30 phút chiến đấu, với sự dũng cảm và mưu trí, các chiến sĩ Đội 5 biệt động đã diệt 3 xe và khoảng 20 tên địch. Bị tổn thất, địch tăng cường lực lượng, kéo đến mỗi lúc một đông, có cả xe bọc thép. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. Tới gần sáng, còn lại 8 chiến sĩ rút vào nhà số 56 đường Thủ Khoa Huân cố thủ trên tầng 3. Bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa), nữ biệt động duy nhất trong trận đánh trên kể lại: “Trong lúc quân ta bị địch bao vây, dồn lên cố thủ ở tầng 3, tình thế hết sức cam go, anh Bảy Rau Muống vừa xả súng về phía địch, vừa hét lớn: “Tôi xuống lầu dưới chặn địch. Các đồng chí nhanh chóng rút lui, đừng lo cho tôi”. Nói rồi anh xách AK lao ngay xuống cầu thang, nép mình vào tường bắn xối xả về phía những tốp địch đang khát máu tràn lên. Các chiến sĩ trong đội nhanh chóng vọt lên sân thượng, chạy qua ngôi nhà kế bên “mở đường máu” rút ra ngoài. Khi rút đến nhà số 108 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1), do tất cả đều hết đạn, không còn khả năng chiến đấu nên 7 đồng chí trong đội ở hướng này đã bị địch bắt.

Gần 20 năm nằm trên hiên nhà

Lần lượt những năm sau đó, các chiến sĩ tham gia trận đánh Dinh Độc Lập bị địch đưa ra xét xử, bị tuyên án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo… Riêng nữ biệt động Chính Nghĩa bị bắt và bị tra tấn dã man trong các nhà tù của Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Chí Hòa và cuối cùng là Côn Đảo. Năm 1974, Chính Nghĩa được trao trả tự do. Gần 50 năm sau trận chiến lịch sử ấy, ký ức về 1 ngày và 2 đêm quyết tử ở Dinh Độc Lập vẫn còn mãi trong tâm khảm của những chiến sĩ biệt động năm nào. Bà Vũ Minh Nghĩa bùi ngùi: “Khi anh Bảy lao xuống, được một lúc thì chúng tôi không còn nghe tiếng súng AK của anh nữa. Ai cũng nghĩ là anh đã anh dũng hy sinh, nhưng sau đó không ai tìm thấy thi thể anh. Cho đến khi ra tù, chúng tôi vẫn đau đáu, không hiểu vì sao anh mất tích”.

Mãi đến cuối năm 1986, gần 20 năm sau trận đánh ấy, trong lúc đập phá dãy nhà tại địa chỉ 86 Nguyễn Du (quận 1) để xây dựng lại, người dân phát hiện một bộ hài cốt ở trên mái hiên lầu 3. Bộ hài cốt vẫn còn ở tư thế ôm chặt khẩu AK đã hết đạn. Qua các dấu hiệu, đồng đội bàng hoàng, xúc động nhận ra, đó chính là anh Bảy Rau Muống. Vậy là trong trận đánh ấy, sau khi dũng cảm lao xuống đánh chặn địch, nghi binh cho đồng đội rút lui, anh đã bị thương. Khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh đã leo lên ngôi nhà này và anh dũng hy sinh do vết thương quá nặng. Anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Năm 1978, liệt sĩ Lê Tấn Quốc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhớ về người đồng đội quả cảm năm ấy, Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn xúc động rơi nước mắt: “Anh Bảy là một trường hợp rất đặc biệt của Biệt động Sài Gòn. Hành động dũng cảm, tư thế hy sinh và giấc ngủ dài gần 20 năm trên mái hiên của anh như là một kiểu “phong táng” của một người anh hùng. Anh mất đi nhưng hình tượng của anh thì sống mãi. Chúng tôi vẫn coi anh như vừa mới trải qua giấc ngủ dài trên mái gió. Chúng tôi đến đón anh về Đất Mẹ cho ấm áp chỗ anh nằm...”.

MINH NGUYỄN