Giáp Tết năm 1962, tôi nhận lệnh đi chuẩn bị chiến trường đánh cứ điểm Kon Plông (Kon Tum). Địch đánh hơi sẽ bị tiêu diệt liền rút chạy về Tiểu khu Măng Đen. Giáp Tết năm 1963, tôi đi chuẩn bị chiến trường tấn công quận lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi). Do hệ thống phòng ngự của địch kiên cố, địa hình phức tạp, không bảo đảm chắc thắng, ta hoãn kế hoạch. Giáp Tết năm 1964, chúng tôi được “ăn Tết” bằng một chiến thắng vang dội. Đơn vị tôi phối hợp với Đại đội 406 Đặc công tấn công sân bay Plei-cu, phá hủy 47 máy bay trực thăng và nã pháo trúng đội hình tiểu đoàn lính Mỹ đang ở lều bạt lộ thiên, làm chết và bị thương hơn 300 tên.
Giáp Tết năm 1965, những tưởng được ăn Tết trọn vẹn thì bất ngờ, tôi nhận lệnh đi chuẩn bị chiến trường để mở chiến dịch lớn giải phóng An Lão, Bình Định. Khi đó, tôi được chuyển về làm cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn 2 Bộ binh.
Đầu tháng 9-1965, Sư đoàn 3, Quân khu 5 được thành lập, mang tên “Đoàn Sao Vàng”; tôi được điều lên làm trợ lý Ban Tuyên huấn sư đoàn. Cùng thời điểm này, Sư đoàn Không vận số 1 của Mỹ mang tên “Sư đoàn kỵ binh bay” đổ bộ xuống Quy Nhơn, rồi kéo lên An Khê, lập căn cứ đóng quân ở vùng Tân Tạo.
Hành quân vào chiến trường. Ảnh tư liệu.
Giáp Tết năm 1966, Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương gặp riêng tôi, thân mật hỏi:
- Mình biết cậu đang làm cán bộ tuyên huấn, nhưng nếu giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một trận chiến đấu pháo binh, cậu có nhận không?
Tôi trả lời: “Thủ trưởng tin tưởng thì tôi sẵn sàng!”.
Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương nói rõ: “Sư đoàn kỵ binh bay” sẽ xuất quân hai lữ đoàn, giữ lại một lữ đoàn ở hậu cứ. Đồng chí Nguyễn Đôn, Tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị phải đánh địch cả ở phía trước và đánh vào hậu cứ của chúng. Thời gian rất gấp, không thể đưa cối 106mm lên kịp, phải đánh bằng cối 82mm. Sáng mai, cậu lên Gia Lai ngay, gặp anh Châu Khải Định, Trưởng phòng Đặc công quân khu…”.
Trong trận này, tôi được giao chỉ huy cụm súng cối 8 khẩu và bắn 320 viên đạn vào bãi đỗ trực thăng địch.
Sân bay Tân Tạo được địch bố phòng kiên cố, với 16 hàng rào thép gai các loại cùng hỏa lực dày đặc. Ba đêm liền, các mũi đặc công của ta chỉ vào được đến hàng rào thứ tư, thứ sáu. Trận đánh tưởng chừng phải bỏ dở, nhưng thật may, chúng tôi gặp được Nhon Chiu, một trung đội trưởng du kích là người địa phương, thuộc địa hình như lòng bàn tay. Với lòng căm thù giặc sâu sắc và rất dũng cảm, Nhon Chiu dẫn bộ đội đặc công mò theo con suối cạn chạy dọc giữa hai quả đồi, là nơi địch sơ hở. Trinh sát đặc công của ta lên được tận đỉnh Hòn Cong và chạm được vào khẩu đại liên của chúng. Vậy là, thủ trưởng quân khu quyết định “khai hỏa” ngay sau khi lệnh ngừng chiến của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hết hiệu lực.
8 đêm liền, tôi gần như thức trắng, chuẩn bị rất kỹ chiến trường, huấn luyện các chiến sĩ từ miền Bắc mới vào thuần thục động tác bắn 3 tầm, 3 hướng trong đêm; ban ngày tiếp tục luyện tập cho thật nhuần nhuyễn, chuẩn xác…
Đêm đó, khi vào trận, đặc công tiềm nhập thuận lợi. Giờ G quy định là 24 giờ và lấy ánh chớp trên đỉnh Hòn Cong làm hiệu lệnh tấn công. Trời rét thấu xương mà người tôi toát mồ hôi, phần thì lo bộ đội sơ suất, sẽ bị lộ, phần lo địch đi tuần tra, trong khi pháo đã lắp đặt xong, 320 viên đạn, ngòi nổ, liều thuốc… đã bày ra hết.
Quá 24 giờ vài phút, bỗng một ánh chớp lóe lên trên đỉnh Hòn Cong. Tôi lập tức hô to: “Bắn!”. Những đường lửa cầu vồng vun vút, những tiếng nổ ùng oàng không dứt của đạn cối, cùng tiếng súng, thủ pháo của bộ đội đặc công nổ giòn. Nhiều máy bay địch bị phá hủy, những đám lửa bùng cao trong bãi đỗ trực thăng. Chỉ trong vòng mươi phút, đơn vị tôi đã “trút lửa” xong và lập tức rút quân. Ít phút sau, các pháo cỡ lớn của địch đồng loạt, cấp tập bắn dồn dập vào khu vực sau lưng trận địa pháo, nhưng chúng tôi đã rút lui an toàn và không ai bị thương.
Trong trận này, lữ đoàn kỵ binh bay bị tê liệt hoàn toàn. Sau trận đánh, tôi bị một trận sốt rét “thập tử nhất sinh”, nhưng nhờ bệnh xá cứu chữa tận tình, 20 ngày sau, tôi hồi sức và trở về đơn vị. Hai hôm sau, Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương và Chính ủy Đặng Hòa cho mời tôi lên ăn cơm trưa và biểu dương đơn vị tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo tin cơ sở của ta báo về, đơn vị tôi đã bắn cháy, phá hủy, làm hư hỏng 97 máy bay trực thăng; Tiểu đoàn Đặc công 407 diệt gần 500 lính kỵ binh bay.
Một niềm vui bất ngờ: Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và đơn vị pháo tấn công sân bay Tân Tạo được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.
Không được ăn Tết nhưng chúng tôi rất vui vì bao mồ hôi, trí tuệ, công sức bỏ ra trong lần thứ 5 đi chuẩn bị chiến trường đã góp phần quan trọng lập chiến công lớn. Trận đánh sân bay Tân Tạo là một trong những kỷ niệm mùa xuân đẹp nhất, sâu sắc nhất trong cuộc đời chỉ huy chiến đấu pháo binh của tôi.
HỒ NGỌC SƠN