Sau những cái bắt tay thân mật, Thượng tá Đào Văn Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Hình, vừa tự tay chuẩn bị những ly nước mát lành vừa nói:
- Mời các anh thưởng thức đặc sản của đơn vị!
Đón ly nước từ tay Thượng tá Đào Văn Trường, chúng tôi cảm ơn và chậm rãi thưởng thức. Mùi hương, vị chua, ngọt quen thuộc từ ly nước mát lạnh đã giúp chúng tôi xua đi bao mệt mỏi sau chặng đường dài.
- Nước sấu hả anh? - Tôi hỏi.
- Đúng rồi, nước sấu đấy! - Thượng tá Đào Văn Trường trả lời.
- Các anh hái sấu ở đâu vậy?
Theo hướng tay anh chỉ, chúng tôi thấy hàng sấu xanh mát được trồng ngay ngắn như một tấm lá chắn xanh bao quanh đơn vị. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đồn Biên phòng Na Hình đứng chân trên bản Tà, xã Thụy Hùng (phụ trách địa bàn 3 xã: Thanh Long, Thụy Hùng và Trùng Khánh, thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Nơi biên cương Đông Bắc của Tổ quốc, mùa khô nắng cháy, mùa mưa sình lầy, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã bỏ ra hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng (trích từ quỹ tăng gia sản xuất) để chung sức xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhờ vậy, những con đường đất sét sình lầy vào mùa mưa đã được quy hoạch thành những khuôn viên vườn hoa cây cảnh, đường nội bộ bê tông hóa sạch, đẹp. Không những thế, ở nơi đây còn có tấm lòng và tình yêu của cán bộ, chiến sĩ với cơ quan, đơn vị qua những vật phẩm kỷ niệm là những bộ bàn ghế đá và đặc sắc hơn là hàng sấu, một loại cây mang đậm bản sắc của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Sau giờ làm nhiệm vụ, các chiến sĩ trẻ Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Na Hình lại quây quần vừa đọc báo, vừa thưởng thức nước sấu ngâm.
Chính trị viên Đào Văn Trường kể về lịch sử của hàng sấu: “Năm 2007, khi về đơn vị nhận công tác, tôi đã tìm hiểu thổ nhưỡng và nảy ra ý định đưa cây sấu lên trồng xung quanh đơn vị. Ngày ấy, đường đi vào đồn rất khó khăn, vào những hôm trời khô ráo, đi từ thị trấn Na Sầm đến đồn chỉ hơn 10km nhưng phải mất vài tiếng đồng hồ. Còn những hôm trời mưa, đường lầy lội và trơn trượt thì mất cả buổi. Thế là trong một lần đi công tác, tôi đã mua hơn chục cây sấu mang về trồng. Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ: Cây sấu chịu được nắng, gió, lại xanh quanh năm nên sẽ tạo bóng mát và quan trọng hơn, nếu cây cho trái thì quả sấu có thể chế biến thành những món ăn hoặc ngâm nước uống rất ngon, bổ, rẻ. Hơn 9 năm về vùng quê mới, được sự chăm sóc chu đáo của cán bộ, chiến sĩ trong đồn, rặng sấu đã đơm hoa kết trái. Đã hai mùa rặng sấu “tặng” cán bộ, chiến sĩ đồn Na Hình cả tạ quả. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn thu hoạch và mang ngâm đường, muối để chế nước giải khát uống quanh năm. Ngoài ra, bộ phận anh nuôi còn đưa vào bữa ăn hằng ngày của bộ đội, với các món như: Canh sấu, sấu dầm nước mắm ớt, vịt om sấu, cá kho sấu…”.
Ngồi bên bàn đá dưới tán sấu mát rượi của Đội Vũ trang, chúng tôi cùng 3 chiến sĩ (Binh nhất Hoàng Văn Thành, Binh nhì Hứa Văn Phong, Binh nhì Âu Văn Toàn) vừa nhâm nhi ly nước sấu đậm vị chua, ngọt dịu mát, vừa đọc báo. Binh nhất Hoàng Văn Thành tâm sự: “Ngày đầu tiên đặt chân về đơn vị, những chiến sĩ trẻ chúng tôi đã ấn tượng sâu sắc về màu xanh mướt của rặng sấu. Khi được nghe kể về “lịch sử” của rặng sấu, chúng tôi càng trân trọng hơn những nỗ lực của thế hệ đàn anh đi trước. Các anh đã khắc phục khó khăn để đưa những cây sấu về trồng, tạo màu xanh, bóng mát cho đơn vị và giúp chúng tôi có những món ăn đậm hương vị quê nhà, những ly nước sấu chua ngọt dịu mát giải nhiệt sau những giờ huấn luyện, tuần tra giữa mùa hè nóng nực”.
Binh nhì Âu Văn Toàn tiếp lời bạn: “Về đơn vị, tôi đã học được cách ngâm sấu. Vừa qua, sau khi thu hoạch sấu, đội chúng tôi đã mua đường về ngâm cả chục bình cất để dùng dần. Khi nào được đơn vị cho đi tranh thủ, tôi sẽ mang theo bình sấu do chính tay mình ngâm để làm quà biếu bố mẹ, cũng là để gia đình được thưởng thức vị sấu dân dã”.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ