Với tôi và có lẽ là cả số đông người hâm mộ, những chiến thắng liên tiếp của Đội tuyển quốc gia tại Vòng đấu bảng Giải vô địch Đông Nam á AFF Suzuki Cup 2016, chiến công của U.19 Việt Nam ở Giải vô địch châu á tại Ba-ranh để lần đầu tiên tham dự Vòng chung kết U.20 thế giới hay chiến tích lịch sử lần đầu tiên được thi đấu và lọt vào tứ kết giải Futsal thế giới đều là những sự kiện đầy tự hào, phấn khích. Thậm chí, những chiến công, thành tích đó còn được tổng thành như một “năm đại cát” và mở ra những chân trời mới cho bóng đá nước nhà. Song, vì sao trong những đêm năm hết, Tết đến, những hình ảnh từ sân Mỹ Đình, trong trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup, những tiếng reo hò đến khản cổ, những bóng người cuồng nhiệt đấy rồi thất thần, im lặng đấy trên các khán đài lại cứ trồi lên ám ảnh? Một trận thua bi tráng. Một nỗi tiếc nuối, ân hận vô biên. Một chảo lửa trào nước mắt. Một niềm day dứt, trăn trở. Một niềm tin yêu trộn lẫn những hoài nghi.

leftcenterrightdel
 Tiền đạo Trần Thành (bên phải) ghi bàn thắng duy nhất vào lưới U.19 Ba-ranh ở tứ kết VCK U.19 châu á 2016, giúp U.19 Việt Nam giành quyền dự World Cup U.20 thế giới 2017 ở Hàn Quốc. Ảnh: AFC

76 phút đầu hừng hực nhưng không thể ghi bàn, nhưng 14 phút còn lại 10 chống 11, lại “chấp” cả thủ môn bằng hậu vệ thế chỗ, vậy mà hai bàn thắng nổ tung cầu trường. Trong tình thế ngặt nghèo nhất thì tinh thần, tinh cốt con người đá bóng Việt Nam lại bừng dậy chói sáng.

Sự kỳ diệu, tính phổ cập, vẻ đẹp vĩnh cửu của bóng đá cũng như cuộc sống chính là những phút giây như thế. Cuộc sống vẫn luôn đáng trân trọng, đáng yêu ngay cả khi nó còn nghèo nàn, thiếu thốn, đầy rẫy khó khăn. Bóng đá mỗi vùng quê, mỗi xứ sở cứ tồn tại và cuốn hút ngay cả khi nó còn non yếu, chưa thể đạt tới những đỉnh cao thành tích. Vấn đề là trong cuộc sống cũng như trong bóng đá, con người đã nỗ lực cao nhất để dâng hiến, vượt qua khó khăn. Và điều đó đã thấy được trong các lứa trẻ, trong đó có cả những tuyển thủ mới lần đầu được đá trong đội hình tuyển Việt Nam. Nút thắt bóng đá Việt Nam 2016 chính là đây. Cái ngưỡng ở đây và cái mở, sự chinh phục giới hạn cũng từ đây.

Kế liền sau AFF Suzuki Cup là giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2016. Tôi vẫn chăm chú theo dõi giải đấu này dù nó mang ý nghĩa tập huấn, thử nghiệm là chính. Tôi không ngạc nhiên khi trận đấu giữa U.21 Hoàng Anh Gia Lai có đến hàng vạn người vào sân. Người ta vốn đã mê đám trẻ từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG từ mấy năm nay. Mê và hy vọng họ sẽ trưởng thành để làm được những điều mấy lứa đàn anh trao lại. Và hy vọng nơi họ còn được tiếp thêm bởi một nguồn lực mới từ U.19 quốc gia, đặc biệt sau chiến tích lịch sử lần đầu tiên được tham dự Vòng chung kết U.20 thế giới. Vẫn thấy những Xuân Trường, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Thanh… với những đường nét đập nhả, kiến tạo, xuyên phá ăn ý nhưng cũng vẫn thấy chỗ yếu trong phòng ngự, dứt điểm và thể hình, thể lực của họ. Dễ hiểu thôi bởi định hướng chính của lò đào tạo này là rèn tập lối chơi lấy phối hợp nhỏ để tấn công. Bù lại ở U.19 quốc gia, U.21 Báo Thanh Niên và rộng ra là cả U.22 quốc gia lại có những cầu thủ có khả năng đảm nhiệm những vị trí phòng thủ khá tốt. Đó là thủ môn Tiến Dũng, các hậu vệ Bùi Tiến Dũng, Trọng Đại, Văn Hậu, Tiến Sinh, Tiến Dụng, Tấn Tài…, các tiền vệ Đức Huy, Lâm Ti Phông, Quang Hải, Xuân Mạnh, Minh Dĩ…

Chờ đợi và hy vọng nhưng không thể gạt bỏ được những nỗi lo canh cánh vẫn còn chất chứa. Lý giải vì sao và khắc phục thế nào khi những lúng túng, hớ hênh, sai lầm quen thuộc cứ đến nơi các hàng phòng ngự từ đội tuyển quốc gia và các đội trẻ? Căn bệnh nôn nóng vì sao cứ “ám” các đường chuyền, lối di chuyển và chân sút? Sự lựa chọn lối chơi và con người của các HLV Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn và HLV tiền nhiệm Mi-u-ra có gì ưu và nhược, có gì có thể bổ sung cho nhau?... Nút thắt về hiệu quả gỡ từ đây, mở đường cho các lứa trẻ cũng từ đây.

Sẽ cần nhiều thử nghiệm, cọ xát để chúng ta lọc lựa từ nguồn trẻ khá dồi dào và rất may, những lịch trình huấn luyện khá chu đáo đã được vạch ra cho U.19 và U.22, trong đó có những chuyến thi đấu tại châu âu và các giải giao hữu quốc tế trên sân nhà.

Những mùa cặm cụi gây dựng đào tạo trẻ, làm bóng đá từ gốc đã và đang diễn ra. Bầu trời đã mở rộng cho sao mai sớm lấp lánh trong thử thách.

MẠNH HÙNG