Ông không phải là trí thức kiều bào đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trở về Việt Nam cống hiến. Nhưng người gác lại công việc chuyên môn bận rộn ở Đức, dành đến 9, 10 tháng trong một năm làm việc ở quê nhà như TS Trần Văn Bình thì không nhiều.

Khi lĩnh vực điện gió còn ở thuở sơ khai, ít người quan tâm, TS Trần Văn Bình là một trong số những trí thức kiều bào tâm huyết, bất chấp khó khăn, tiên phong bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu về tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam. ông cùng các đồng nghiệp và cộng sự đã sớm nhận ra tiềm năng điện gió của Việt Nam, vốn được đánh giá là rất dồi dào theo một số cuộc khảo sát quốc tế. Cũng từ đó, ông ấp ủ triển khai những dự án phát triển ngành công nghiệp điện gió tại quê nhà.

leftcenterrightdel
 Công trình xây dựng Nhà máy điện gió Phú Lạc, tỉnh Bình Thuận.

Thời gian đầu từ khi về nước vào năm 2008, vừa với tư cách là chuyên gia, vừa là giám đốc một công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông không quản ngại phơi mình trên nhiều địa hình khác nhau để làm công tác quan trắc, khảo sát. TS Trần Văn Bình đã sớm tìm hiểu, nghiên cứu về nhu cầu điện sinh hoạt ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tìm cách đáp ứng ở mức tối thiểu cho những lớp học ở thôn bản, trạm y tế, trang trại trồng cà phê ở Tây Nguyên, vườn Thanh Long ở Phan Thiết, Bình Thuận cho đến các vùng hải đảo xa xôi như: Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Trường Sa...

Và nơi ông chọn để dựng những trụ cột quạt gió đầu tiên trong dự án khai thác năng lượng tái tạo mà công ty ông tham gia, không đâu khác, chính là quê hương Bình Thuận-nơi ông được sinh ra, cũng là địa phương dồi dào tiềm năng để khai thác nguồn năng lượng gió vô tận.

Niềm vui không gì kể xiết, sau bao nỗ lực, ông cùng các cộng sự ở Việt Nam đã được chứng kiến thành quả bước đầu. 20 tua-bin gió với công suất 1,5MW đầu tiên đã được lắp đặt hoàn chỉnh và kết nối với mạng lưới điện quốc gia vào năm 2011, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tại Việt Nam.

Là thành viên Ban Chấp hành Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, TS Trần Văn Bình được tín nhiệm cử làm Đại diện quốc gia của hội đồng này tại Việt Nam. Trong suốt những năm làm việc tại quê hương, nhờ có mối quan hệ với các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, TS Trần Văn Bình đã kết nối thành công không ít người trong số đó tham gia vào lĩnh vực khai thác năng lượng gió ở Việt Nam.

Với vốn kinh nghiệm và những hiểu biết phong phú về lĩnh vực năng lượng gió, TS Trần Văn Bình đã tham gia tư vấn, hỗ trợ việc chọn lựa thiết bị hệ thống động cơ điện gió, thiết kế và phác họa một số đề án phát triển về xây dựng trang trại gió tại Bình Thuận, Ninh Thuận và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. TS Việt kiều Trần Văn Bình còn được mời tham gia đóng góp vào việc xây dựng 4 công trình thủy điện và đập tràn xả lũ ở Bình Dương, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc.

TS Trần Văn Bình cũng chính là tác giả của hai cuốn sách “Phong điện-nguồn năng lượng tái tạo cho Việt Nam” và “Phong điện-năng lượng gió ngoài biển khơi”, trong đó gửi gắm nhiều tâm huyết của một trí thức Việt kiều đối với quê hương.

Gặp TS Trần Văn Bình bên lề một hội nghị lớn quy tụ gần 500 trí thức, nhà khoa học, học giả, doanh nhân kiều bào được tổ chức dịp gần cuối năm 2016, ông đã chia sẻ mơ ước trong một tương lai không xa sẽ được nhìn thấy dọc theo bờ biển tươi đẹp trải dài của quê hương Việt Nam là những cánh quạt gió tạo ra dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia; giấc mơ phát triển ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp điện gió sẽ biến thành hiện thực trên đất nước thân yêu hình chữ S.

“Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ về năng lượng trên cơ sở những tiềm năng hiện có, thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài”, TS Trần Văn Bình lạc quan tin tưởng. Theo ông, Việt Nam có cơ hội có tên trong danh sách những nước phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, bao gồm cả năng lượng gió và mặt trời, vấn đề là có chịu đầu tư hay không. Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, nhu cầu phát triển nền kinh tế xanh, sạch và bền vững trở nên cấp thiết, cùng đó là nguy cơ khủng hoảng năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo vô tận là một xu hướng hiện nay của thế giới. TS Trần Văn Bình nhấn mạnh: “Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo. Chúng ta không nên đi ngược với trào lưu phát triển tiến bộ, bắt đầu bây giờ đã là quá chậm rồi”, ông cảnh báo.

MỸ HẠNH