Duyên nợ từ “Ngày toàn thắng”
Đó là những bí mật mà chúng tôi ghi được khi trò chuyện với Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z121, người đã có 35 năm gắn bó với nhà máy. Theo anh, Z121 nổi tiếng với pháo hoa nhưng nói về đặc thù của nhà máy, phải nói tới sự kiện năm 1966, nhà máy được thành lập trên cơ sở dây chuyền sản xuất bộ lửa cho lựu đạn tách ra từ Nhà máy Z2, là nền móng của một đơn vị chuyên làm ra “trái tim của vũ khí”.
Duyên nợ với pháo hoa bắt đầu từ năm 1975, nhà máy đã được giao kế hoạch đột xuất sản xuất 1.000 quả pháo hoa để bắn chào mừng “Ngày toàn thắng”, dù sau đó nhiệm vụ chỉ là phục hồi hơn 1.000 quả pháo hoa do Trung Quốc viện trợ. Đến năm 1984, nhà máy mới chính thức sản xuất 1.000 quả pháo hoa đầu tiên phục vụ kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. “Chuyến đi lịch sử mở đường cho pháo hoa xuất khẩu là vào năm 1997, Đoàn cán bộ của nhà máy sang Nhật Bản học hỏi kỹ thuật sản xuất pháo hoa theo lời mời hợp tác của Công ty YAMAZAKI FIREWORKS. Lúc đó nhà máy đã có nhiều năm sản xuất pháo hoa theo mẫu của Trung Quốc. Làm pháo hoa theo công nghệ Nhật thực sự là một hướng đi mới, cơ hội mới và chúng tôi đã thành công” - Đại tá Nguyễn Trí Dũng kể. “Hiện nay, pháo hoa Z121 không chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn sang Hoa Kỳ, Pháp... Nhìn lại mới thấy đó thực sự là một quyết định chiến lược vì ban đầu, ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo nhà máy cũng có người bảo “cần xem lại” vì nguy hiểm, lợi nhuận thấp. Song thực tế pháo hoa không chỉ tô thắm thêm thương hiệu Z121 mà quan trọng hơn, pháo hoa là cầu nối đến với công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến, để xây dựng được hệ thống quản lý tốt đẹp như bây giờ” - Đại tá Nguyễn Trí Dũng nhớ lại.
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và làm việc tại Nhà máy Z121.
Nhưng con đường pháo hoa không chỉ có thành tựu mà từng có cả những mất mát. Sự cố xảy ra năm 2013 còn hằn sâu trong ký ức Đại tá Nguyễn Trí Dũng và bao cán bộ, công nhân, dù trước đó, việc sản xuất pháo hoa đã rất an toàn trong hàng chục năm. Sau một thời gian ngừng sản xuất, rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác bảo đảm an toàn, đổi mới, tối ưu hóa thiết bị và công nghệ, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã cho phép đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất pháo hoa mới.
Năm 2016, phân xưởng sản xuất pháo hoa mới thuộc Dự án “Đầu tư dây chuyền sản xuất pháo hoa và kho chứa vật tư quốc phòng” trên diện tích 70ha đã được nghiệm thu và đi vào sản xuất. Công suất thiết kế của dây chuyền đạt 300.000 quả pháo hoa tầm cao; 25.000 giàn pháo hoa tầm thấp; 10.000 hộp pháo hoa hỏa thuật các loại.
Tháng 3-2016, lô pháo hoa tầm cao đầu tiên sản xuất từ đây đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Về mặt quy mô và công nghệ sản xuất, dây chuyền mới này ở mức hàng đầu thế giới, mở ra một thời kỳ mới đầy triển vọng. “Hiện tại nhà máy không sản xuất kịp nhu cầu của thị trường nước ngoài. Chúng tôi đang phải từ chối bớt một số đơn hàng của đối tác Mỹ, Nhật Bản, Pháp. Tôi nghĩ, pháo hoa hiện doanh thu chưa lớn so với tổng giá trị của nhà máy, nhưng đó chính là sản phẩm mang tính chiến lược, là tiềm năng của Z121 ” - Đại tá Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Z121 không chỉ có pháo hoa
Nổi tiếng với pháo hoa, nhưng ít người biết rằng, pháo hoa chỉ là một trong số những sản phẩm thuộc chuyên ngành hỏa thuật mà Z121 sản xuất và hiện chiếm tỷ lệ dưới 10% doanh thu hằng năm của nhà máy.
Đại tá Hồ Công Xuy, Chính ủy Nhà máy cho biết: Hiện tại, nhà máy có 4 xí nghiệp, 2 phân xưởng. Ngoài sản xuất các loại hỏa cụ phục vụ quốc phòng còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ kinh tế quốc dân khác như thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ, pháo hoa... Nhà máy đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nổi bật là các dự án chế tạo liên quan đến tên lửa, ngòi nổ.
Con đường phát triển bền vững
Hiện nay, trong 3 nhóm sản phẩm lớn của nhà máy thì phụ kiện nổ năng lực sản xuất có thể nâng cao nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước đã đến lúc bão hòa; thuốc nổ AD1 có xu hướng giảm dần; riêng pháo hoa có triển vọng khả quan hơn. Thực hiện Nghị quyết 147 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về nâng cao chất lượng hàng quốc phòng, nhà máy sẽ đầu tư thay thế sản phẩm thuốc nổ AD1 bằng thuốc nổ nhũ tương, pháo hoa sẽ sắp xếp lại, phụ kiện nổ sẽ tập trung tìm đường xuất khẩu. Đó là hướng đi phát triển bền vững. Đáng chú ý, với ba nhóm sản phẩm lớn ấy, tỷ trọng hàng kinh tế chiếm từ 80 đến 85% tổng giá trị sản lượng hằng năm của nhà máy.
Con đường đi đến thành công trong nghề chế tạo “trái tim vũ khí”, theo Đại tá Nguyễn Trí Dũng, nhiều khi “tầm sư” mà vẫn không... học được đạo vì đây là ngành công nghệ đặc thù, rất ít ai muốn chuyển giao công nghệ. Z121 đã dựa trên nền tảng thực tiễn sản xuất, đúc kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ và tranh thủ sự truyền đạt trong những điều kiện đặc biệt của chuyên gia nước ngoài để tạo nên cái “đạo” của mình. Có những sản phẩm kinh tế doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đều do Z121 tự nghiên cứu, xây dựng công nghệ sản xuất. Thiếu tá Tạ Minh Tài, Phó trưởng phòng Cơ điện “bật mí”: Có không ít sản phẩm hoàn toàn thuộc độc quyền của nhà máy là do nhà máy tự nghiên cứu, chế tạo, muốn mua ở nước ngoài cũng... không có.
Một mùa xuân mới lại về trên mỗi phân xưởng, dây chuyền sản xuất của Nhà máy 2121, một nhà máy đang bước vào độ chín của đầu tư và phát triển trên con đường mới tràn đầy sức xuân và triển vọng.
NGUYÊN MINH