Một người khuyết tật lẽ thường sẽ là gánh nặng của gia đình, nhưng Tùng là trụ cột của hai tổ ấm; tổ ấm đại gia đình và tổ ấm nhỏ của riêng Tùng.

Gia cảnh nhà Tùng ai nghe chuyện hẳn không cầm được nước mắt. Hơn 10 năm trước, khi mẹ bị bệnh tim, Tùng đưa mẹ lên TP Hồ Chí Minh chữa trị. Không thẻ bảo hiểm y tế, tiền thì một nhúm… hai mẹ con ôm nhau ngồi khóc ở trạm chờ xe buýt. Những chuyến xe cứ lừ lừ đến rồi đi, nhưng Tùng và mẹ vẫn ngồi đó… khóc hoài. Đi đâu đây, về đâu đây khi phía trước là con đường mông lung. Thế rồi, người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo và người con bị tật ở chân dìu nhau đi trong vô thức. Tùng kể chuyện đó với tôi trên Cồn Sơn và không dưới một lần nhắc lại: “Đó là sự ám ảnh với đời tôi”; còn bà Hạnh (mẹ Tùng) khi nghe con trai nhắc lại chuyện cũ trong bữa cơm, thi thoảng lại nói như người mất hồn: “Sao ngày đó tôi không chết đi để con đỡ khổ”.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Thanh Tùng – Trúc Phương đã đồng lòng vượt qua nhiều rào cản để chung sức xây dựng tổ ấm. Ảnh: Kim Cương 

Bệnh tật, nghèo đói, những ánh mắt dị nghị hóa ra không đè được “cánh én nhỏ” Võ Thanh Tùng. Đến với môn bơi dành cho người khuyết tật thật tình cờ, Tùng như “cá gặp nước”. Tùng bảo: “Xuống dưới nước tôi không còn cảm thấy mình khuyết tật nữa”. Từ một người vô danh, trong góc khuất xã hội, Tùng kiêu hãnh bước ra những đấu trường đỉnh cao, từ SEA Games tới giải vô địch châu Á, thế giới, Asian Para Games, Paralympic, ở đâu Tùng cũng giành vinh quang. Những khoản tiền thưởng giúp Tùng mua được một căn nhà nhỏ ở TP Cần Thơ, lấy chỗ cho bố mẹ và hai chị gái sinh hoạt. Trước thềm Asian Para Games 2014, Tùng đánh liều mua thêm một căn nhà nữa ở đất Tây Đô chỉ vì gia chủ cho… trả chậm. “Nợ tiền nhà mấy trăm triệu đồng, tôi lo lắm, nhưng sau khi giành được 5 HCV ở Asian Para Games 2014, tôi biết mình sẽ có đủ tiền trả nợ”.

Đầu năm 2015, dự đám cưới kình ngư Võ Thanh Tùng bên bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ), không ai nghĩ chú rể là người khuyết tật. Tùng cười hiền khô mà rạng ngời hạnh phúc bên cạnh bà xã Trúc Phương khiến khách mời không cầm được nước mắt. Tôi vẫn nhớ ở bàn bên, ai đó thốt lên “chỉ mong con mình sau cũng có được bản lĩnh như chú rể”. Nhà báo Vũ Công Lập nâng chén rượu mừng chú rể, chúc phúc: “Từ câu chuyện của Võ Thanh Tùng, xã hội cần có cái nhìn công tâm, đánh giá đúng về người khuyết tật. Những người như Võ Thanh Tùng, khuyết tật nhưng đâu khuyết tài. Tùng và các HLV, VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giúp cho thể thao nước nhà rạng danh ở đấu trường châu lục và thế giới. Chúng ta cùng chúc cô dâu, chú rể thương yêu nhau trọn đời”. Chén rượu cưới cay cay nước mắt nhưng ai cũng thấy đời thật đẹp, ấm áp.

Trở về nước không lâu sau khi xuất sắc giành HCB ở Paralympic Rio 2016, Tùng điện thoại khoe với tôi: “Vợ em sinh hạ bé trai rồi anh à. Bế con, em cứ phải ngắm nghía, kiểm tra chân tay thật kỹ. Mẹ tròn con vuông vui lắm anh ơi!”. Tùng cười mà sao tôi cứ cảm nhận những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ của kình ngư này. Tùng đã có những mái ấm thật ấm, đã được xã hội thừa nhận, đã có tiền chữa bệnh cho mẹ, có tiền tích lũy nuôi con, thường xuyên làm từ thiện, nhưng tôi biết, Tùng còn đau đáu nhiều chuyện.

Nghĩ đến Võ Thanh Tùng, lại mừng cho thể thao Việt Nam đã có một năm 2016 thành công rực rỡ, là bệ phóng giúp VĐV người khuyết tật nói riêng, thể thao nước nhà nói chung tin tưởng, lạc quan, “gáy vang” trong năm Đinh Dậu.

MINH MINH