Theo thống kê, hơn 70% du học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các công ty, các tổ chức nước ngoài. (ảnh minh họa: fpt.edu.vn)
Phi trí bất hưng
Vào thế kỷ 18, khi bàn về chiến lược nhân tài, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã từng nêu: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Là một trọng thần lỗi lạc, lại là nhà khoa học tiên tiến của thế kỷ-người đề xuất thuyết lý khí trong quá trình nghiên cứu vũ trụ, Lê Quý Đôn đã có tầm nhìn xa trông rộng về đạo trị nước và chủ trương Tam pháp: Đức trị cùng với pháp trị và trọng dụng nhân tài.
Nhưng chiến lược sử dụng nhân tài đâu có dễ. Phải là người hữu đức, hữu tài, hữu công mới nói hay và thu phục được người tài. Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, các vị vua đều lo lắng khi nhân tài chưa được quy tụ. Vua Minh Mạng tự thán: “Trẫm lo chấn hưng văn giáo mà sao nhân tài ít thế!”. Vua Thiệu Trị ban hành dụ: “Cần tìm người hiền tài ẩn dật ở chốn thôn quê”. Vua Tự Đức viết: “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự. Muốn chỉnh lý chính sự, tất phải cần nhân tài”… Rõ là việc cai trị dân thời nào cũng vậy, đều lấy việc dùng hiền tài làm gốc.
Ngẫm trong lịch sử, mỗi khi quốc vận hưng vong, đều xuất hiện những danh ngôn luận về các bậc hiền tài. Âm hưởng của “Bình Ngô đại cáo” hào sảng là vậy, hùng tráng là vậy, thế mà Nguyễn Trãi (thừa lệnh vua Lê Lợi) vẫn canh cánh nỗi lo: Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu.
Dưới thời đại Quang Trung, vua ban Chiếu lập học, Chiếu cầu hiền kêu gọi người hiền tài ra giúp nước, giữ gìn công cuộc thái bình. Đó là đại chính sách quy tụ sĩ phu Bắc Hà của Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh. Chiếu lên ngôi, Chiếu hiểu dụ các quan văn võ cựu triều và Chiếu cầu hiền là ba văn kiện đối nội của nhà vua, trong đó chứa đựng những chính sách hào phóng đối với các bậc hiền tài xuất hiện trong dân chúng.
Kiến quốc cần nhân tài
Kể từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách hào phóng, trọng dụng, biệt đãi những trí thức, nhân tài trưởng thành dưới chế độ cũ hoặc từ các nước tư bản chủ nghĩa; song song với việc đào tạo một tầng lớp trí thức mới luôn trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hơn một năm sau khi đất nước giành được độc lập, Người đã có bài đăng trên Báo Cứu quốc về tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Bấy giờ, nỗi băn khoăn lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là loại tư tưởng thành kiến, hẹp hòi, không coi trọng các trí thức tài năng dưới chế độ cũ, thậm chí bài xích họ nhân danh tổ chức này, tư tưởng nọ. Còn Người, trái lại, ngay cả quan lại dưới triều đình cũ, miễn là họ yêu nước, miễn là có tài, có đức, có nhiệt tâm với sự nghiệp kiến thiết quốc gia thì đều được trọng dụng. Vì thế, Người đã chủ động gặp học giả Hoàng Xuân Hãn để lắng nghe tình hình, tâm trạng của trí thức cũ đối với Chính phủ mới. Và ông Hoàng Xuân Hãn đã được cử vào phái đoàn dự Hội nghị trù bị Đà Lạt tháng 4-1946. Trong những tháng ngày ở Pháp (từ tháng 5 đến tháng 9-1946), Bác từng quan hệ thân thiện, gặp gỡ nhiều trí thức bậc cao như: Giáo sư Hoàng Minh Giám, Giáo sư Nguyễn Xiển, luật sư Phan Anh… Chính luật sư Phan Anh đã kể lại trong bài “Tôi đã tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến như thế nào?” những kỷ niệm ân nghĩa của vị lãnh tụ dân tộc đối với ông và đồng sự của ông, vì hoàn cảnh mà phải tham gia chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Nguyễn Xiển là đại trí thức yêu nước, được đào tạo ở Pháp với ba bằng cử nhân về Toán, Cơ học và Vật lý, đã về nước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dầu được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội 6 khóa liền (từ khóa II đến khóa VII), nhưng Nguyễn Xiển là người khảng khái, rất sợ những kẻ cơ hội quàng cho tiếng “xu thời”, “phù thịnh”… nên có lần ông đã khước từ chức Bộ trưởng Giao thông công chính trong Chính phủ mới. Biết vậy, Bác Hồ hồn hậu tiếp chuyện ông: “Nhiều anh em công nhân, nông dân không biết chữ đang phải làm việc hành chính mà anh em trí thức lại bảo không. Thế ai làm? Thì có ai quen đâu, vì sự nghiệp chung mà gắng sức cả thôi!...”. Sau buổi trao đổi đó, ông Nguyễn Xiển cảm thấy ân hận: “Xin Bác cho phép tôi được theo ý Bác”.
Đối đãi với nhân tài
Nhân tài là con người, chứ không phải là lực lượng siêu nhiên vô tận chỉ biết khai thác mà lãng quên việc chăm sóc, sử dụng, tôn vinh. Người xưa nói: “Tri nhân thiện nhiệm”, nghĩa là giao đúng việc, đúng quyền, tôn vinh khen thưởng đúng… thì mới coi là nhiệm vụ đã hoàn thành. Tùy theo vận nước mà qua các triều đại từ phong kiến cho đến ngày nay, cha ông chúng ta đều nói một cách có hệ thống khi bàn về người tài nên ta mới có các khái niệm về bậc hiền tài, được Bác Hồ khái quát trong hai chữ: “Hồng” và “chuyên”.
Tuy nhiên, hiện nay trong việc sử dụng và bảo vệ nhân tài ở nước ta có nhiều chuyện đáng bàn. Hiện tượng “chảy máu chất xám” là một thực trạng kéo dài nhiều năm. Nhiều sinh viên vốn xuất thân từ nông dân, ra đi từ nông thôn, nhưng tốt nghiệp đại học, cao học xong không ai muốn về quê mình, nói chi đến phục vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa. Số đông sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng nước ngoài khi về nước không dễ dàng tìm được việc làm, hoặc có thì cũng phải trầy trật tiêu cực. Từ đó, họ tìm mọi cách đi làm tại các công ty nước ngoài. Theo thống kê, có hơn 70% du học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các công ty, các tổ chức nước ngoài.
Và nữa, việc tôn vinh các chức danh, các giải thưởng quốc gia cũng còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh. Các hội đồng bình xét chức danh khoa học, danh hiệu nhà giáo, nghệ thuật, y học và các giải thưởng cấp Nhà nước cần được cải tiến theo định kỳ thích hợp để đạt được mục tiêu công bằng xã hội đối với tài năng; tránh sự may rủi trong bình xét và hạn chế sự đố kỵ của các thành viên hội đồng.
Trong khoa học, văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo, các tài năng không phủ định lẫn nhau. Ở đó có đủ chỗ cho mọi hiền tài thực sự. Các nhà quản lý, các cơ quan của Đảng và Nhà nước chính là những “bà đỡ” cho các hiền tài.
GS HỒ SĨ VỊNH