leftcenterrightdel
Vù Sà Sì biểu diễn khèn Mông 
Đêm đó, chúng tôi quây quần trong căn nhà đắp bằng đất nện của Hạng Mí Tỏa. Cậu ruột Tỏa tên là Vù Sà Sì, là một nghệ nhân khèn Mông giờ đang mở lớp dạy cho rất nhiều thanh niên. Thổi khèn Mông thực chất là một nghề, nghề này dùng để hành lễ trong các dịp tang, ma. Khèn Mông có rất nhiều điệu, có điệu để trình bày với người chết tâm sự của người sống tỏ lòng thương tiếc, có điệu báo cho người nhà biết là khách đến sẽ mang theo lễ vật gì, cao nhất là điệu đưa linh để dẫn dắt người chết về với Giàng. Theo truyền thống, nghề thổi khèn Mông được học theo lối cha truyền con nối.

Vù Sà Sì học khèn từ cha là cụ Vù Chuẩn Dùng, năm nay đã 83 tuổi. Cụ Dùng nói rằng, nếu không hiểu nguồn gốc người Mông thì sẽ không thể thổi khèn cho đúng được. Cụ thổi cho chúng tôi xem và nghe. Tôi có cảm giác mình được nghe một đại sử thi qua những giai điệu khèn, hàng ngàn câu chuyện được trình diễn qua sáu nốt nhạc, sáu ống hơi, qua các bước đi, thế đứng.

Người Mông từng có truyền thống du canh, du cư. Vẫn theo truyền thuyết kể lại, người Mông đã từng đi đến những vùng đất giá lạnh, mặt trời chiếu sáng 6 tháng liền. Cứ theo những miêu tả đó mà suy đoán, vùng đất này hẳn là Bắc Cực. Người Mông di cư về Việt Nam sớm nhất là khoảng 300 năm trước. Họ mang theo bản sắc vô cùng phong phú của dân tộc mình làm giàu có thêm cho nền văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam. Văn hóa của dân tộc Mông có đặc điểm nổi bật là sống chinh phục và chế ngự thiên nhiên. Khi đến Việt Nam, nét văn hóa đó có sự tiếp xúc văn hóa bản địa nên đã biết sống nương tựa, hòa mình vào thiên nhiên.

leftcenterrightdel
Ông Lầu Sáng De – nghệ nhân làm khèn Mông – biểu diễn chế tác khèn ở Hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ hai tỉnh Hà Giang.

Như cây khèn Mông là một ví dụ rất điển hình. Thân khèn làm từ tre, từ gỗ, lưỡi gà làm từ những lá đồng mỏng. Người nghệ nhân làm ra cây khèn cứ ngồi nơi bậu cửa mà tỉ mẩn từ ngày này sang tháng khác mà bào, mà chuốt, mà dán. Những vật liệu tre, trúc đó có thể lấy quanh nhà, miếng đồng có thể tự nung từ quặng. Nhìn cách người Mông làm khèn dễ thấy sự tiết kiệm vật liệu của họ, một chút xíu đồng cứ gò mãi, gò mãi cho mỏng dính như tờ giấy, chỉ cần sục mũi dao nhè nhẹ là lá đồng đã thủng. Cây khèn Mông gắn với những yếu tố tâm linh và cách chế tác của họ giống như một nghi lễ.

Trong nghi lễ của người Mông, ngoài tiếng khèn, không thể nào thiếu tấm áo lanh. Đó là thứ ủ ấm những sinh linh từ lúc nằm nôi, rồi cũng đưa về cõi chết. Người chết được mặc tấm áo lanh, lưng thêu ba viền sắc trắng, đỏ, xanh. Đám ma to hay nhỏ cũng được căn cứ vào số lớp vải lanh đắp trên mặt người chết. Những tấm vải liệm này do người thân mang đến, càng nhiều người thân, lớp vải lanh đắp mặt người chết càng dày. Vì thế mà vải lanh là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của người Mông.

Thổi khèn thuộc về đàn ông. Làm lanh thuộc về đàn bà. Cuộc sống cứ tiếp diễn mãi như thế trên bản Mông. Tiếng khèn và tiếng cửi, âm thanh mang đến nhiều nỗi suy tư chỉ có thể được lý giải bằng tình yêu của người với đất, với xóm làng thiết tha, thân thuộc. Hẳn rồi, chỉ có tình yêu mới khiến người ta gắn bó với thiên nhiên đến thế.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ